Khẩn: Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/9/2021 | 6:14:23 AM

QLMT - Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia vừa phát đi thông tin khẩn về áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo đó, 4 giờ sáng ngày 23-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên khoảng 330km, cách bờ biển Bình Định khoảng 340km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 560km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. 

Khẩn: Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão: Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, cách huyện đảo Lý Sơn 30km, cách Quy Nhơn 150km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,5 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây Kinh Tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau là vùng áp thấp trên khu vực Trung và Nam Lào. Đến 04 giờ ngày 25-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây Kinh Tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão nên ở vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6 đến cấp7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động mạnh. 

Từ chiều nay (23-9), vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động rất mạnh. Ở vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ tối và đêm nay (23/9), trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió giật mạnh cấp 6-8.

Cảnh báo mưa lớn: Từ ngày 23-9 đến ngày 24-9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Từ ngày 24 đến 25-9 ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Ông Trần Quang Năng, chuyên gia Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong chiều 22-9, Trung tâm đã ban hành bản tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ngay sau đó, vào chiều tối ngày 22/9, là bản tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp. Như vậy chỉ trong thời gian ngắn, cấp độ cảnh báo cho cơn áp thấp nhiệt đới này tăng lên. Đặc biệt, trong bản tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhấn mạnh áp thấp nhiệt đớicó khả năng mạnh lên thành bão. Mặc dù sác suất hiện nay mới vào khoảng 55%. Tuy nhiên, với mức độ nguy hiểm khi áp thấp nhiệt đới ở rất gần bờ và di chuyển nhanh nên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng biển cũng như đất liền nước ta ngay trong chiều và đêm mai.

Áp thấp nhiệt đới này hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, có hoàn lưu rộng. Đồng thời, có khả năng di chuyển nhanh nên tác động đến vùng biển và ven bờ là rất sớm. Do vậy, chúng ta cần lưu ý: Thứ nhất, khả năng mạnh lên thành bão của áp thấp nhiệt đới là tương đối cao. Do đó, toàn bộ vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, thậm chí thấp hơn xuống phía tỉnh Khánh Hòa cần đề phòng khả năng có gió gần tâm bão mạnh cấp 7, cấp 8, giật đến cấp 10. Cường độ gió này có thể gây ảnh hưởng đến tàu thuyền và trên các đảo ven bờ như đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ có thể ghi nhận gió cấp 6, cấp 7, khi bão vào gần có thể đạt cấp 8.

Đối với đất liền, cường độ gió không quá mạnh nhưng với cũng có thể đạt cấp 7, cấp 8, kéo theo đợt mưa tương đối lớn, trên nền cơn bão số 5 vừa qua. Áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ tiếp tục gây mưa trong khoảng 1,5 ngày, với lương mưa từ 150mm-250mm, có nơi trên 300mm trải dài từ phía bắc khu vực Tây Nguyên tới khu vực Bắc Trung Bộ. Có nguy cơ rất cao về sạt lở đất, lũ quét vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Hà Thắm

Tags áp thấp nhiệt đới bão áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

Các tin khác

Vào những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều trạm quan trắc, ứng dụng đo lường chất lượng không khí Hà Nội liên tục cho kết quả ở mức xấu.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.

UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản 1576/UBND-XD về việc dừng sử dụng xe ba bánh chạy bằng động cơ điện thu gom, vận chuyển rác thải tại Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai.

Bước nhảy vọt chưa từng thấy lên 38,5 độ C ở Nam Cực là điềm báo về thảm họa xảy ra với con người và hệ sinh thái lục địa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục