Tăng cường bảo vệ môi trường biển Tiền Hải

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/9/2021 | 4:16:49 PM

QLMT - Sự phát triển khá nhanh của khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Tiền Hải là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực ven biển. Vì vậy Tiền Hải cần chú trọng hơn nữa việc bảo vệ môi trường biển.

Bãi biển khu du lịch Cồn Vành
Bãi biển khu du lịch Cồn Vành

Là huyện ven biển có mỏ khí thiên nhiên, Tiền Hải có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và công nghiệp. Khu công nghiệp khí mỏ với 36 doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động gồm các ngành nghề: sản xuất sứ vệ sinh dân dụng, gạch ốp lát, thuỷ tinh, thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, còn phải kể đến các cơ sở sản xuất riêng lẻ trên địa bàn huyện, các khu du lịch bãi biển và các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt hải sản trên biển và vùng ven biển.

Phần lớn các công ty, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp Tiền Hải đều không có hệ thống xử lý chất thải. Theo báo cáo tổng hợp đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp là nồng độ khí thải CO, SO2, NO2, NH3, bụi và độ ồn vượt tiêu chuẩn cho phép 5937, 5938/2005; nước thải tại một số điểm thải từ khu công nghiệp có các thông số COD, SS, BOD5 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 10 lần TCVN 5945 - 2005. Hàm lượng các chất ô nhiễm trong nguồn nước tiếp nhận nước thải tại các sông Long Hầu, Kiên Giang các thông số COD, BOD5, dầu mỡ khoáng, colifom vượt tiêu chuẩn cho phép 4; 2,9; 1,4; 8; 3- 6 lần TCVN 5942 - 1995 chất lượng mặt nước. Cá biệt đã có mẫu phát hiện dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng Asen cadimi. Chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động sản xuất của các cơ sở chưa được thu gom xử lý theo quy định.

Một số cơ sở sản xuất đã tập kết các chất thải rắn tại ven đường từ UBND huyện đi xuống khu du lịch Đồng Châu vừa gây mất mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường. Trước tình trạng đó, huyện Tiền Hải đã quy hoạch khu vực thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp. Hy vọng với sự đi vào hoạt động của khu xử lý thì tình trạng tồn đọng chất thải rắn công nghiệp hiện nay sẽ cơ bản được giải quyết.

Bên cạnh ô nhiễm từ khu công nghiệp, Tiền Hải còn phải chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ các hoạt động nông nghiệp. Kết quả quan trắc môi trường biển vùng ven bờ thì có biểu hiện 3 chất ô nhiễm là dầu, kẽm và chất thải lỏng hữu cơ luôn có hàm lượng cao và có thể tạo ra những điểm nóng ô nhiễm ở các vùng cửa sông lớn đổ ra biển. Một số điểm có biểu hiện rõ ô nhiễm do kim loại nặng, tồn dư thuốc trừ sâu có hàm lượng cao hơn từ 2- 4 lần so với các khu vực ven biển khác.

Thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho thấy, trung bình một năm toàn tỉnh sử dụng từ 250 - 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật và hàng trăm tấn phân bón hoá học các loại. Đây là nguồn ô nhiễm phát sinh từ sản xuất nông nghiệp thải ra các sông nội đồng. Bên cạnh đó, các chất thải gây ô nhiễm môi trường phát sinh từ các hoạt động trên biển như hoạt động vận tải; đóng tàu, nuôi trồng thuỷ sản... đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường biển và vùng ven bờ, tiềm ẩn những rủi ro lớn cho việc nuôi trồng thuỷ sản và diện tích mặt nước ven biển có khả năng phát triển kinh tế biển.

Tại Bãi biển Đồng Châu và khu du lịch Cồn Vành lâu nay rác thải, chất thải hàng ngày chưa qua xử lý được "đẩy tự do” xuống biển cũng đã góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường biển.

Để việc quản lý môi trường đi vào nền nếp đáp ứng được yêu cầu, trong đó có môi trường biển và vùng ven bờ, trước hết cần phải gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường để có sự phát triển bền vững. Do đó, phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng. Nâng cao trình độ năng lực của cán bộ quản lý môi trường biển cho các cấp huyện và xã, đặc biệt là những xã ven biển.

Quản lý và xử lý nghiêm những vi phạm về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất. Nhất là khẩn trương quy hoạch tổng thể và xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống các khu công nghiệp tập trung có hệ thống thu gom và xử lý chất thải đúng quy định pháp luật bảo vệ môi trường.. Bảo đảm nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp tập trung phải được xử lý theo TCVN mới được phép thải vào các sông tiếp nhận. Việc cần làm ngay đó là ngăn chặn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn và quản lý chặt chẽ các lưu vực sông đổ ra biển. Quản lý chặt chẽ các hoạt động du lịch tại các bãi biển. Các khu du lịch có quy chế riêng và các hoạt động dịch vụ phải chấp hành đúng quy định về bảo vệ môi trường. Các cơ quan quản lý có kế hoạch, quy hoạch cụ thể vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung. 

Trong việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, Tiền Hải cần nâng cao có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường biển, bảo vệ bờ biển, tạo cảnh quan môi trường sạch - đẹp, bảo đảm bền vững cho phát triển kinh tế biển của huyện Tiền Hải nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.

Lâm Hà (t/h)

Tags môi trường biển Tiền Hải Thái Bình kinh tế biến ô nhiễm môi trường

Các tin khác

Vào những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều trạm quan trắc, ứng dụng đo lường chất lượng không khí Hà Nội liên tục cho kết quả ở mức xấu.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.

UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản 1576/UBND-XD về việc dừng sử dụng xe ba bánh chạy bằng động cơ điện thu gom, vận chuyển rác thải tại Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai.

Bước nhảy vọt chưa từng thấy lên 38,5 độ C ở Nam Cực là điềm báo về thảm họa xảy ra với con người và hệ sinh thái lục địa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự