Nhiều cơ sở thu gom phế liệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/9/2021 | 4:29:38 PM

Thu mua phế liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thế nhưng, nhiều cơ sở lại hình thành tự phát khiến môi trường ô nhiễm, gia tăng nguy cơ cháy nổ, khó quản lý thuế.

Rác phế liệu ngổn ngang

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các huyện, TP, toàn tỉnh Bắc Giang có gần 200 điểm thu mua. Những cơ sở này chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, theo quy mô hộ gia đình nằm xen lẫn các khu dân cư. Theo quy định, những cơ sở kinh doanh thực hiện dự án bãi tập kết phế liệu trước khi hoạt động, quy mô dưới 1 ha phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) trình UBND cấp huyện xác nhận.

Nhiều cơ sở thu gom phế liệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường
Cơ sở thu mua phế liệu của gia đình ông, bà Sơn Chiêm, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) tập kết phế liệu ngay trên vỉa hè, ô nhiễm môi trường.

Đây là cơ sở pháp lý để các chủ hộ thực hiện biện pháp BVMT. Cũng theo quy định, những hộ thu mua phế liệu cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD), cam kết về phòng, chống cháy nổ (PCCN).

Quy định là vậy nhưng khảo sát thực tế chỉ có khoảng 1/3 số cơ sở lập kế hoạch BVMT, rất ít đơn vị cam kết PCCN và có giấy chứng nhận ĐKKD. Thực trạng này nảy sinh nhiều vi phạm. Điểm thu gom, tập kết phế liệu của gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, tổ dân phố Đồi Đỏ, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) là ví dụ. Tại khu vực này, phế liệu gồm bao bì, vỏ chai, lọ, bìa cát tông bàn ghế, cửa sắt, thép, động cơ, thiết bị cũ hỏng, vỡ… chất đống la liệt, nhếch nhác từ trong nhà ra ngoài bãi. 

Lo ngại hơn, trong đống phế liệu có cả rác thải nguy hại để lẫn lộn ngay lối ra, vào như: Vỏ ti vi hỏng, máy vi tính hỏng, bóng đèn điện vỡ… Trong khi theo quy định, rác thải loại này phải để trong thùng kín có nắp đậy và chỉ những tổ chức có giấy phép mới được thu gom, xử lý. Chị Hạnh cho biết, gia đình thu mua phế liệu đã nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa lập kế hoạch BVMT, cấp giấy ĐKKD và cam kết về PCCN. Một số người dân ở đây phản ánh, nguy cơ cháy nổ rất cao, ruồi muỗi, mùi hôi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.

Tình trạng này dễ bắt gặp ở các huyện, TP. Ngay trên trục đường Trần Nguyên Hãn, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) cũng có điểm thu gom, tập kết phế liệu của gia đình ông, bà Sơn Chiêm. Hàng tấn phế liệu chất đống trong nhà và lấn ra ngoài vỉa hè kéo dài gần chục mét làm mất an toàn giao thông. Theo đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Bắc Giang, cơ sở này chưa có kế hoạch BVMT.

Tại các xã: Tự Lạn, Quang Châu, Hồng Thái, Tăng Tiến (Việt Yên) và nhiều xã khác thuộc huyện Lục Nam, Yên Dũng… cũng có nhiều bãi phế liệu nằm ven đường hoặc trong khu dân cư song phần lớn thiếu thủ tục về môi trường, ĐKKD, PCCN.

Buộc giải tỏa điểm vi phạm

Các điểm thu mua phế liệu hình thành tự phát gây ra nhiều hệ lụy khiến môi trường ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 27/2/2020 về việc huy động toàn dân ra quân thu gom triệt để rác thải nông thôn. Như vậy, các điểm thu gom phế liệu lại tạo thành điểm tập kết rác mới gây ô nhiễm.

Không chỉ vậy, nhiều hộ còn không ĐKKD, gây khó khăn cho công tác thu thuế. Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực Tân Yên - Yên Thế, các hộ có giấy phép ĐKKD sẽ là cơ sở để cơ quan thuế cấp mã số thuế, từ đó thu thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng. Thời gian qua, tuy việc thu thuế vẫn được thực hiện nhưng chủ yếu dựa trên mã số thuế cấp tạm, dễ xảy ra tình trạng bỏ lọt vì không phải tất cả các hộ kinh doanh phế liệu được cấp.

Được biết, trách nhiệm quản lý cơ sở thu mua phế liệu thuộc UBND cấp xã và cấp huyện. Các xã, phường, thị trấn, Phòng TN&MT các huyện, TP có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các chủ cơ sở lập kế hoạch BVMT trình UBND cấp huyện xác nhận trước khi đi vào hoạt động. Phòng Tài chính và Kế hoạch cấp huyện cấp giấy chứng nhận ĐKKD. 

Cơ quan quản lý thị trường cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra giấy này của các hộ trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn nhiều nơi còn buông lỏng khiến nhiều cơ sở hình thành tự phát, gây ô nhiễm môi trường. 

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đình Sơn, Chủ tịch UBND phường Thọ Xương cho biết không nắm rõ gia đình ông, bà Sơn Chiêm thu mua phế liệu đã lập kế hoạch BVMT hay chưa. Trong khi đó theo quy định, phường và phòng chuyên môn của TP có trách nhiệm hướng dẫn hộ dân thực hiện thủ tục này trước khi đi vào hoạt dộng.

Việc chấn chỉnh vi phạm của các cơ sở thu gom phế liệu là nhiệm vụ quan trọng cần được các cấp, ngành chức năng quan tâm chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 17. Ông Vũ Văn Tưởng Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, trên cơ sở văn bản của UBND tỉnh ban hành yêu cầu UBND các huyện, TP tăng cường quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, tới đây, Sở tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung này tại các huyện, TP, nhất là những địa phương có nhiều điểm tập kết phế liệu. Đối với cơ sở thiếu thủ tục về môi trường, Sở đề nghị các huyện, TP thiết lập hồ sơ xử lý nghiêm, yêu cầu chấp hành nghiêm, nếu cố tình vi phạm sẽ buộc giải tỏa.

Đi đôi với các giải pháp trên, các huyện, TP chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát các hộ kinh doanh, tập kết phế liệu để yêu cầu cấp ĐKKD, phòng cháy chữa cháy gắn với tăng cường kiểm tra, xử nghiêm cơ sở vi phạm.
--------------------
Trong số gần 200 điểm thu mua phế liệu toàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 1/3 số cơ sở lập kế hoạch BVMT, rất ít cơ sở có cam kết PCCN và giấy chứng nhận ĐKKD.

Bài, ảnh: Minh Minh
baobacgiang.com.vn

Tags Bắc Giang thu gom phế liệu rác thải nguy hại ô nhiễm môi trường vi phạm

Các tin khác

Nhiều ngày sau trận mưa lịch sử, Dubai vẫn chìm trong lũ - một ví dụ sâu sắc về việc thế giới đang thua trong cuộc chạy đua "nước rút" với biến đổi khí hậu.

Vào những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều trạm quan trắc, ứng dụng đo lường chất lượng không khí Hà Nội liên tục cho kết quả ở mức xấu.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.

UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản 1576/UBND-XD về việc dừng sử dụng xe ba bánh chạy bằng động cơ điện thu gom, vận chuyển rác thải tại Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự