Diễn biến chất lượng không khí, nước khu vực miền Trung và Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2021

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/11/2021 | 10:45:21 AM

QLMT - Chất lượng không khí và tiếng ồn nằm trong mức giới hạn, chất lượng nước mặt đạt mức tốt và rất tốt, môi trường nước biển ven bờ nhiều thông số vượt ngưỡng.

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên thuộc Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố diễn biến chất lượng môi trường không khí và nước khu vực miền Trung và Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2021.

Diễn biến chất lượng không khí, nước khu vực miền Trung và Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2021
Một khúc sông Thu bồn. Ảnh: Internet.

Thực hiện "Chương trình quan trắc môi trường quốc gia đối với môi trường khí và nước” năm 2021 do Tổng cục Môi trường giao, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên đã triển khai quan trắc chất lượng môi trường (CLMT) nước, không khí tại 33 điểm không khí thuộc địa bàn các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định); 36 điểm nước mặt trên 2 lưu vực sông (LVS): Hương, Vu Gia - Thu Bồn tại 04 tỉnh, thành phố (Kon Tum, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế); môi trường nước biển ven bờ tại 34 điểm thuộc 7 tỉnh, TP (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định).

Kết quả quan trắc cho thấy chất lượng không khí và tiếng ồn nằm trong mức giới hạn, chất lượng nước mặt đạt mức tốt và rất tốt, môi trường nước biển ven bờ nhiều thông số vượt ngưỡng. 

Chất lượng môi trường không khí

Kết quả quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn và cường độ dòng xe qua 3 đợt 6 tháng đầu năm 2021 tại 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho thấy, môi trường không khí chủ yếu bị ô nhiễm tổng bụi lơ lửng (TSP) và tiếng ồn với tỷ lệ trung bình cả năm là 29,3% giá trị TSP vượt QCVN 05:2013/BTNMT (300 µg/m3) (viết tắt là QCVN 05), và 35,3% giá trị tiếng ồn vượt QCVN 26:2010/BTNMT (70 dBA) tại các trục giao thông lớn và KCN; các thông số SO2 và NO2 thấp hơn giới hạn cho phép.

Qua 3 đợt quan trắc 6 tháng đầu năm 2021, tại 33 điểm cho thấy giá trị TSP dao động từ 162 - 341 µg/m3, với giá trị TSP trung bình cao nhất tại điểm đo gần chỗ ô tô Trường Hải - Quảng Nam (335,0 µg/m3) vượt QCVN 05 (300 µg/m3) với 1,12 lần, nguyên nhân đây là nút giao thông ngay đường Quốc lộ 1A nên lưu lượng xe cộ qua lại rất đông làm gia tăng giá trị TSP. Các điểm quan trắc có giá trị vượt quy chuẩn tập trung chủ yếu tại các trục đường giao thông và gần các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, vào thời điểm quan trắc của đợt 3 năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số khu vực thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng điểm vượt tại các đô thị và khu vực giao thông giảm đáng kể.

Giá trị trung bình thấp nhất tại điểm đo khu dân cư phía Tây khu công nghiệp (KCN) Tam Hiệp - Quảng Nam (187 µg/m3) và khu dân cư (KDC) phía Tây nhà máy lọc dầu Dung Quất - Quảng Ngãi (187 µg/m3) do đây là điểm tập trung dân cư thưa thớt, phương tiện qua lại tại vị trí này tương đối thấp, dao động từ 3 - 50 chiếc.

Giá trị TSP trung bình 6 tháng đầu năm 2021 vượt QCVN 05 (300 µg/m3) với 11/33 điểm quan trắc, chiếm tỷ lệ 33,3%. Nhìn chung giá trị TSP tại các địa phương khu vực miền Trung có xu hướng tăng cao tại thời điểm quan trắc đợt 1 và đợt 2 (tháng 4, 5) và giảm dần so với đợt 3 (tháng 6).

Ô nhiễm tiếng ồn tập trung tại các điểm quan trắc trên tuyến giao thông lớn và điểm gần KCN, đặc biệt vào các giờ cao điểm, mức độ ồn dao động trong khoảng 50,0 - 83,0 dBA. Tỷ lệ số điểm có giá trị vượt ngưỡng tăng vào đợt 2 và giảm mạnh vào đợt 3 (cụ thể đợt 1: 13/33 điểm, đợt 2: 14/33 điểm; đợt 3: 8/33 điểm). Các điểm quan trắc có giá trị tiếng ồn vượt ngưỡng cả 3 đợt quan trắc 6 tháng đầu năm 2021 được xác định tại điểm quan trắc: Tây Bắc KCN Phú Bài (Thừa Thiên - Huế); Tây KCN Liên Chiểu và Đông KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng); gần bãi đỗ ôtô Trường Hải, KDC phía Bắc KCN Tam Hiệp (Quảng Nam); phía Đông KCN Phú Tài (Bình Định).

Chất lượng môi trường nước mặt

Kết quả quan trắc môi trường nước mặt qua 3 đợt (tháng 4, 5, 6) đầu năm 2021 tại LVS Vu Gia - Thu Bồn (30 điểm quan trắc) và sông Hương (6 điểm quan trắc) có chỉ số VN_WQI trung bình dao động từ 79 - 98, CLN đạt mức tốt và rất tốt, trong đó: có 25/36 điểm quan trắc có CLN sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 69,4%), 11/36 điểm quan trắc có CLN sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 30,6%).

Lưu vực sông Hương

Chất lượng nước (CLN) trên lưu vực sông (LVS) Hương 6 tháng đầu năm 2021 có giá trị VN_WQI trung bình nằm trong khoảng 84 - 96, trong đó: có 5/6 điểm quan trắc có CLN sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, 1/6 điểm quan trắc có CLN sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.

Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

CLN trên LVS Vu Gia - Thu Bồn 6 tháng đầu năm 2021 có giá trị WQI trung bình nằm trong khoảng 79 - 98, trong đó: 20/30 điểm quan trắc có CLN sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, 10/30 điểm quan trắc có CLN sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.

Chất lượng môi trường nước biển ven bờ

Khu vực ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021 được đánh giá qua 2 đợt quan trắc (tháng 4, 6) tại 34 điểm/đợt tập trung tại khu vực ven biển của 7 tỉnh/ thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Trong đó, vùng ven biển Quảng Bình (10 điểm), vùng ven biển Quảng Trị (6 điểm), vùng ven biển Thừa Thiên - Huế (8 điểm); vùng ven biển Đà Nẵng (2 điểm); vùng ven biển Quảng Nam (3 điểm); ven biển Quảng Ngãi (3 điểm) và 2 điểm ven biển Quy Nhơn.

Tổng chất rắn lơ lửng (TSS)

Giá trị TSS qua 2 đợt quan trắc 6 tháng đầu năm 2021 dao động <15,0 - 66,0 mg/L với giá trị cao nhất tại điểm quan trắc biển Quy Nhơn và cảng Quy Nhơn (đợt 1) 66,0 mg/L vượt 1,32 lần QCVN 10 (cột 1&2). Đợt 1 có 3/68 mẫu vượt QCVN 10 (cột 1&2); tần suất vượt 4,41%, đợt 2 tất cả các mẫu đều đạt QCVN 10 (cột 1&2), tần suất đạt 100%.

Giá trị N-NH4+

Giá trị N-NH4+ dao động từ <0,09 - 0,83 mg/L. Trong đó: giá trị N-NH4+ cao nhất tại điểm quan trắc Âu thuyền Thọ Quang đợt 1 (tháng 4 ), vượt 8,3 lần QCVN 10 cột 1 và vượt 1,66 lần QCVN 10 cột 2 & 3; điểm quan trắc này chịu ảnh hưởng lớn từ các hoạt động của nghề cá và hoạt động neo đậu tàu thuyền nên giá trị N-NH4+ cao hơn hẳn so với các điểm quan trắc khác. Có 34/68 giá trị vượt QCVN 10 đối với cột 1 (0,1 mg/L), tần suất vượt là 50,0%, có 2/68 giá trị vượt QCVN 10 đối với cột 2&3 (0,5 mg/L), tần suất vượt là 2,94%, trong đó có 28/68 giá trị quan trắc được có giá trị N-NH4+ nhỏ hơn giới hạn định lượng LOQ (< 0,09 mg/L).

Giá trị P-PO43-­­

Giá trị P-PO43--­­ dao động <0,024 - 0,89 mg/L với giá trị vượt cao nhất tại điểm quan trắc Nhật Lệ (Quảng Bình) trong đợt 1 là 0,89 mg/L (vượt 2,97 lần QCVN 10 cột 2), có 6/68 giá trị vượt QCVN 10 cột 1 tần suất vượt 8,8%, 3/68 giá trị vượt QCVN 10 cột 2 tần suất vượt 4,4%.

Giá trị Fe

Giá trị Fe dao động <0,09-0,90 mg/L, giá trị vượt cao nhất tại cảng Quy Nhơn (đợt 2) là 0,90 mg/L, vượt 1,8 lần QCVN 10 (cột 1&2, 0,5 mg/L). Giá trị Fe tại 34 điểm trong 2 đợt quan trắc 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy: 4/68 giá trị vượt QCVN 10, tần suất vượt 5,9%.

Giá trị dầu mỡ khoáng

Kết quả quan trắc dầu mỡ khoáng tại 10 điểm 6 tháng đầu năm 2021 dao động <0,3 - 0,7 mg/L với giá trị cao nhất tại Cảng Tiên Sa vượt QCVN 10 cột 1 (0,2mg/L) là 3,5 lần và vượt QCVN 10 cột 2 (0,3mg/L) là 2,3 lần; Có 4/20 giá trị vượt QCVN 10 cột 1&2, tần suất vượt quy chuẩn 20,0%.

Các kết quả trên đã được công bố trên Tạp chí Môi trường số 10/2021 bởi nhóm tác giả là các thạc sĩ Phạm Quang Hiếu, Chu Thị Quỳnh, Lê Châu Quang Viễn, Phạm Thị Hữu đang công tác tại Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên.

Thông qua kết quả quan trắc môi trường thuộc Chương trình quan trắc môi trường nước quốc gia 6 tháng đầu năm 2021, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận:

Đối với môi trường không khí và tiếng ồn: CLMT không khí và tiếng ồn tại miền Trung trong 6 tháng qua, nhìn chung diễn biến giá trị các khí ô nhiễm SO2, NO2 đều nằm trong giới hạn QCVN 05 chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Ô nhiễm tổng bụi lơ lửng và tiếng ồn tại các đô thị và khu vực giao thông vẫn duy trì qua các đợt quan trắc, tuy nhiên có giảm đáng kể vào đợt 3 do một số khu vực thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Giá trị tổng bụi lơ lửng và tiếng ồn trung bình vượt quy chuẩn tập trung tại một số KKT, KCN và các trung tâm đô thị thương mại, khu dân cư (Đông Nam KCN Phú Bài, Tây Bắc KCN Phú Bài, Thừa Thiên - Huế; Tây KCN Liên Chiểu, Đông KCN Hòa Khánh - Đà Nẵng; gần bãi đỗ ô-tô Trường Hải - Quảng Nam và phía Đông KCN Phú Tài - Bình Định). Do vậy, người dân sinh sống gần các khu vực trên cần lưu ý có các biện pháp bảo vệ khi có các hoạt động sinh hoạt ngoài trời.

Về môi trường nước: CLN mặt tại LVS Vu Gia - Thu Bồn và LVS Hương 6 tháng đầu năm 2021 có chỉ số VN_WQI trung bình dao động từ 79 - 98, CLN đạt mức tốt và rất tốt, trong đó: có 25/36 điểm quan trắc có CLN sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 69,4%), 11/36 điểm quan trắc có CLN sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 30,6%).

Môi trường nước biển ven bờ: Kết quả quan trắc thành phần môi trường nước biển ven bờ vùng ven biển duyên hải miền Trung 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, các thông số TSS, N-NH4+, P-PO43-, Fe, dầu mỡ khoáng có giá trị vượt ngưỡng quy định theo QCVN 10: TSS (4,41%), N-NH4+ (52,9%), P-PO43- (13,2%), Fe (5,9%), dầu mỡ khoáng (20,0%), các thông số còn lại chưa có dấu hiệu ô nhiễm.

Với công bố trên của nhóm nghiên cứu đã cho thấy bức tranh đầy đủ về hiện trạng chất lượng môi trường không khí và nước của khu vực miền Trung và Tây nguyên, từ đó đưa ra các khuyến cáo đối với việc khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ môi trường và nguồn nước, giúp cho các đơn vị liên quan có kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường hiệu quả.

Chuyên trang Quản lý môi trường

 

Tags chất lượng không khí nước khu vực miền Trung Tây Nguyên

Các tin khác

Thông qua việc thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bể sinh học có giá thể di động (MBBR) trong xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp”, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương) đã xây dựng được quy trình công nghệ xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp, có ứng dụng công nghệ MBBR, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý sinh học kỵ khí tại nhà máy giấy.

Các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã hợp tác nghiên cứu và tìm ra phương pháp mới để thăm dò và dự báo tiềm năng nước ngầm.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Mỹ và giáo sư Minha Choi tại Trường Kỹ thuật dân dụng, kiến trúc và Hệ thống môi trường, Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) đã tìm ra mối tương quan giữa hạn chớp nhoáng và El Niño tại Việt Nam.

Địa chất môi trường (ĐCMT) đô thị phục vụ công tác xác định tính tương thích giữa các thành phần tham gia trong quá trình phát triển đô thị, hạn chế tối thiểu những xung đột, đưa ra cơ sở khoa học sử dụng hợp lý không gian địa chất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục