Thực trạng phân loại rác tại nguồn - Kinh nghiệm từ Citenco

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/9/2020 | 11:11:31 AM

QLMT - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco) là đơn vị công ích, hoạt động trên lĩnh vực vệ sinh môi trường. Với bề dày 44 năm kinh nghiệm cùng các trang thiết bị, phương tiện, công nghệ hiện đại, đội ngũ cán bộ, chuyên viên, công nhân giỏi, lành nghề đã, đang và sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và đặc biệt Citenco là đơn vị tiên phong, đi đầu trong triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Thực trạng

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch, công nghiệp lớn nhất nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc dân số tăng nhanh, nhu cầu sản xuất, tiêu dùng lớn đã làm gia tăng nhanh chóng lượng chất thải rắn sinh hoạt. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, năm 2017, mỗi ngày thành phố Hồ Chí Minh thải ra khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. 

Hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay do 02 nhóm đơn vị thực hiện: hệ thống công lập do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM và 22 Công ty Dịch vụ công ích quận/huyện thực hiện, thu gom 40% khối lượng rác toàn thành phố; hệ thống dân lập do các công ty tư nhân, lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện, thu gom 60% khối lượng khối lượng rác thành phố.

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của TP.HCM hiện được xử lý tại các đơn vị sau: Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) xử lý 5.500 tấn/ngày bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; Công ty Vietstar xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm compost với công suất 1.800 tấn/ngày; Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm compost với công suất 1.300 tấn/ngày; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đang tiếp nhận và xử lý rác cặn sau quá trình phân loại của Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa, khối lượng 700 tấn/ngày.

Từ thực trạng trên có thể thấy nếu chúng ta thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn tại nguồn sẽ giúp các nhà quản lý, các đơn vị xử lý có nhiều giải pháp trong xử lý và tái chế chất thải, điều này mang lại giá trị lớn không những cho môi trường mà còn mang lại giá trị về kinh tế và xã hội. Và vấn đề này được Thành phố Hồ Chí Minh cụ thể hóa bằng chủ trương, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, cụ thể: Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11/6/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;quyết định số 1832/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020;quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố Ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo số liệu thống kê cho thấy hiện nay tại thành phố có khoảng 20-25% phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Mặc dù thành phố rất quyết liệt trong chỉ đạo triển khai và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhưng kết quả chưa đạt theo mục tiêu đề ra do hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay còn dàn trải, chưa tập trung, phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại, tỉ trọng rác do lực lượng dân lập thu gom cao (60%) cùng với việc thu gom chưa triệt để là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong công tác thu gom, vận chuyển làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao (khoản 75%), gây lãng phí tài nguyên, tốn quỹ đất, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường.

Từ thực trạng môi trường của thành phố, với trách nhiệm là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường của thành phố. Năm 2012,Citenco đã xây dựng đề án thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và khởi đầu bằng việc phối hợp với Ban khoa giáo Đài truyền hình thành phố tổ chức quay phóng sự hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sau khi phân loại. 


Xe thu gom rác tại quận 8, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tháng 12 năm 2013 đến nay, Citenco đã xây dựng mô hình "Khu phố xanh hạt nhân", "Chung cư xanh kiểu mẫu", tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại 06 tuyến đường Độc Lập, đường Lê Lư, Lê Khôi, Tân Sơn Nhì, Cây Keo, Trần Hưng Đạo và chung cư Tây Thạnh trên địa bàn quận Tân Phú; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Công ty thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại đơn vị; Phối hợp Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Thảo cầm viên Sài Gòn.

Không dừng lại ở đó, năm 2018 Citenco đã phối hợp Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam triển khai thực hiện dự án "Không còn bao bì nhựa thải ra môi trường” tại 02 trạm trung chuyển rác do Công ty quản lý, vận hành, hoạt động giúp tạo nền tảng cơ sở hình thành thị trường thu mua chất thải bao bì nhựa để nghiên cứu sản xuất nguồn nguyên liệu thứ cấp phục vụ cho hoạt động tái chế, tái sử dụng giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động "Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước"; Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhằm phát huy và nhân rộng dự án, được sự hỗ trợ của UBND quận Tân Phú,ngày 24/11/2018 Citenco phối với Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hoạt động truyền thông và mở rộng chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quận Tân Phú với nhiều nội dung mới như: thiết kế poster tuyên truyền trực quan, sinh động hướng dẫn phân loại rác thành 03 loại (rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại); giới thiệu khu vực truyền thông công cộng điển hình tại chung cư Tây Thạnh, đặc biệt lần đầu tiên áp dụng công nghệ 4.0 vào chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thông qua phần mềm MGREEN (app Mgreen). Và chương trình được mở rộng tại 05 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Tân Phú.

Hiện nay Công ty đang chuẩn bị triển khai thực hiện trên địa bàn quận Bình Tân theo đơn đặt hàng của quận.

Để thực hiện thành công chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn Citenco phải thực hiện đồng bộ các công việc sau:

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị

Thành lập Đội tuyên truyền (khoảng 60 thành viên) với lực lượng nồng cốt là các thạc sĩ, kỹ sư môi trường. Thường xuyên tổ chức tập huấn, xây dựng, phát triển đội ngũ tuyên truyền viên có đủ kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Tổ chức 10 đợt tập huấn cho công nhân đội vệ sinh Tân Phú, Bình Tân nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Trang bị hơn 2.000 thùng rác các loại (25 lít, 95 lít, 240 lít) với 02 màu riêng biệt để thực hiện phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp.

Bố trí thùng 660 lít với 02 màu riêng biệt để thực hiện thu gom chất thải rắn sau phân loại, các phương tiện thu gom, vận chuyển rác sau phân loại đều có dán dấu hiệu nhận biết riêng theo quy định.


Thành phố HCM khuyến khích người dân phân loại rác thải từ nguồn để bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền

Thiết kế hơn 50.000 poster, băng rôn, panel hướng dẫn tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận Tân phú, cơ quan, trường học, đơn vị công ty thực hiện phân loại rác, tuyên truyền phân loại rác.


Đại diện lãnh đạo Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã cùng ký kết cam kết chung tay chống lại rác thải nhựa.

Phối hợp với các đoàn thể chính trị ở địa phương đẩy mạnh nội dung tuyên truyền xuống từng khu phố, hộ gia đình.

Thiết kế bộ game flash card, tiểu phẩm phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động tuyên truyền.

Từ năm 2018 đến nay Đội tuyên truyền Công ty đã tổ chức 50 đợt hướng dẫn, tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho hơn 12.000 học sinh, sinh viên, đoàn viên, nhân viên, công nhân và người dân trên địa bàn Thành phố.

Là đơn vị tài trợ chính đồng hành cùng Chiến dịch Giờ Trái Đất, Chiến dịch tiêu dùng xanh, Ngày hội Tái chế và Ngày hội Sống xanh hàng năm; phối hợp với Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, các đơn vị thành viên của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững tổ chức thực hiện sáng kiến "Không xả thải ra thiên nhiên” tại Aeon Tân Phú nhằm tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia giải quyết các vấn đề môi trường tiến đến mục tiêu phát triển bền vững.

Phối hợp Đài truyền hình TP.HCM thực hiện chương trình 180 Độ Xanh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động bảo vệ môi trường tại TP.HCM. Chương trình được phát sóng vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV9 và HTV7.

Tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý

Chất thải hữu cơ và chất thải còn lại được thu gom hàng ngày.

Chất thải tái chế: tại các tuyến đường thu gom từ 17 giờ 00 - 20 giờ 00 chủ nhật hàng tuần,tại chung cư Tây Thạnh thu gom từ 17 giờ 00 - 20 giờ 00 hàng ngày.
Túi ni lông tự hủy (túi màu vàng chứa chất thải tái chế, túi màu xanh, xám chứa chất thải hữu cơ và chất thải còn lại).

Thùng 660 lít (thùng màu vàng chứa chất thải tái chế, thùng màu xanh, xám chứa chất thải hữu cơ và chất thải còn lại).

Xe ép rác chuyên dùng >2 tấn hoặc xe tải >500kg thu gom chất thải tái chế.

Xe ép rác >7 tấn vận chuyển chất thải hữu cơ và chất thải còn lại.
Chất thải tái chế được công ty chuyển giao cho các đơn vị đối tác để tái chế thành nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất.

Chất thải hữu cơ và chất thải còn lại được vận chuyển đến nhà máy sản xuất phân bón Việt Star, Tâm Sinh Nghĩa xử lý.

Kết quả:

Giai đoạn 1: từ tháng 12/2013 đến tháng 3/2014
Tháng 12 năm 2013, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp với Báo Sài gòn giải phóng xây dựng mô hình "Khu phố xanh hạt nhân", bắt đầu tổ chức thực hiện thí điểm giai đoạn 1 tại tuyến đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú 

Căn cứ kết quả khảo sát ý kiến từ các hộ dân trực tiếp tham gia phân loại rác. Qua sơ kết, đánh giá công ty nhận thấy chương trình chưa đạt được hiệu quả vì một số nguyên nhân sau:Sự phối hợp giữa đơn vị thực hiện chương trình với các ban ngành đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao; Rác thải vô cơ tái chế sau phân loại người dân có thể bán cho lực lượng ve chai thay vì giao cho chương trình mà không được lợi ích gì; Nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn còn hạn chế, đa số người dân cho rằng thực hiện phân loại rác phiền phức mà không được quyền lợi. Ngoài ra, đa số người dân cho rằng đây là hoạt động diễn ra trong thời gian ngắn chứ không phải là một chương trình mang tính chất lâu dài (do trước đây đã có nhiều chương trình được tổ chức và kết thúc sau một thời gian ngắn).

Giai đoạn 2: từ tháng 4/2014 đến nay

Trên cơ sở rút kinh nghiệm giai đoạn 1, tháng 4 năm 2014 Công ty mạnh dạn khởi động giai đoạn 2 của dự án, mở rộng thêm 03 tuyến đường Lê Lư, Lê Khôi, Tân Sơn Nhì trên địa bàn quận Tân Phú và ở giai đoạn này Công ty điều chỉnh chương trình bằng hình thức vận động người dân phân loại và giao chất thải cho chương trình, chương trình sẽ tặng những sản phẩm tiêu dùng tương ứng với khối lượng chất thải tái chế mà các hộ dân chuyển giao, có cơ chế khuyến khích quà đối với các hộ tham gia tích cực. Bên cạnh đó, Công ty tặng túi ni lông tự hủy, thùng rác cho các hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà. Tháng 9/2014 đến 7/2015,Chương trình được mở rộng thêm 02 tuyến đường là đường Cây Keo, Trần Hưng Đạo và chung cư Tây Thạnh.

Nhờ thay đổi và điều chỉnh phương pháp thực hiện, đặc biệt quan tâm đến lợi ích của người dân mà hiện nay có gần 60% hộ gia đình (1.102 trên 1.910 hộ trên địa bàn) đã tham gia phân loại và chuyển giao rác phân loại cho lực lượng thu gom hàng tuần. Khối lượng rác tái chế thu gom được hàng tháng bình quân đạt 2.200kg. Ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường đã được nâng lên rõ rệt, góp phần xây dựng thành phố sạch, xanh.
Là đơn vị đã 07 năm tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, quá trình thực hiện công ty nhận thấy có những thuận lợi, khó khăn như:

Thuận lợi:

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trở thành chủ trương của thành phố. Và quá trình Công ty thực hiện nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền trên địa bàn quận Tân Phú và cộng đồng doanh nghiệp.

Khó khăn:

Hiện nay có khoản 60% chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố do các đơn vị tư nhân thu gom (rác dân lập, doanh nghiệp tư nhân), đây là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn khi triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Chi phí thu gom, vận chuyển rác sau phân loại, chi phí quản lý và thu đổi quà Công ty phải bù lỗ từ nguồn chi phí sản xuất kinh doanh của đơn vị, vì chi phí bán rác tái chế chưa đủ bù chi phí mua quà đổicho các hộ dân khi thực hiện phân loại.

Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận Tân Phú do công ty tự chi kinh phí thực hiện nên trong giai đoạn hiện nay công ty không đủ khả năng về tài chính để mở rộng chương trình.

Việc thực hiện quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố Ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra một số khó khăn cho chủ nguồn thải, đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý, cụ thể: 

Đối với chủ nguồn thải: 

Do đã quen với với việc bỏ rác trong một thùng hoặc túi ni lông và giao rác hàng ngày cho lực lượng thu gom nên khi áp dụng Quyết định số 44 người dân, chủ nguồn thải phải phân loại rác làm các loại (chất thải hữu cơ, chất thải còn lại, chất thải tái chế) và thay vì giao rác hàng ngày thì hiện nay thứ 2,4,6,CN giao chất thải hữu cơ, thứ 3,5,7 giao chất thải còn lại, riêng chất thải tái chế chủ nguồn thải có thể bán hoặc cho đơn vị thu gom. Điều này tạo tâm lý và ảnh hướng đến thói quen không muốn để rác trong nhà qua ngày của người dân.

Đối với đơn vị thu gom:

Hiện nay có khoản 60% khối lượng rác sinh hoạt của thành phố do lực lượng rác dân lập, doanh nghiệp tư nhân thu gom. Các đơn vị này đa phần sử dụng lao động nhập cư, trình độ thấp, hạn chế về chuyên môn, sử dụng phương tiên thu gom thô sơ (xe lam, xe lôi, xe ba gác, xe tự chế) đã tạo ra nhiều bất cập ảnh hưởng đến công tác quản lý và môi trường thành phố. Khi thực hiện quyết định số 44 thì các đơn vị này phải chuyển đổi phương tiện, thu gom rác theo quy định. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của thành phố thì các đơn vị dân lập phải thành lập công ty hoặc vào HTX điều này ảnh hưởng lớn đến lợi ích của họ và gây khó khăn khi thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Đối với đơn vị vận chuyển:

Tốn chi phí đầu tư phương tiện vận chuyển theo quy định (xe vận chuyển chất thải hữu cơ, xe vận chuyển chất thải còn lại); do việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn còn manh mún, chỉ thực hiện trên một đoạn đường, cụm dân cư nhỏ nên khối lượng thu gom ít làm ảnh hưởng lớn đến các đơn vị vận chuyển. Cụ thể, theo quy định của thành phố thì các đơn vị vận chuyển phải sử dụng phương tiện >=7 tấn để vận chuyển rác về nơi xử lý.Như vậy, nếu thực hiện đúng thì các đơn vị vận chuyển phải sử dụng xe >=7 tấn để chở 1-2 tấn rác sau phân loại về nhà máy xử lý. Điều này dẫn đến các đơn vị không đủ chi phí vận chuyển trong khi thành phố chưa có chính sách hỗ trợ bù chi phí vận chuyển này. 

Đối với đơn vị xử lý: 

Thành phố chưa có các đơn vị xử lý riêng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.
Một số đề xuất: 

Đối với Thành phố:  

(1)chỉ đạo các cơ quan hữu quan sớm ban hành đơn giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt theo quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 12/10/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố; (2)sớm ban hành quy trình, định mức và hỗ trợ về tài chính cho lực lượng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; (3)chấp thuận chủ trương, giao công ty thiết lập hệ thống thu mua toàn bộ chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các trạm trung chuyển do công ty quản lý và vận hành; (4) Chấp thuận cho công ty đầu tư xây dựng mô hình trung xử lý và tái chế chất thải theo công nghệ hiện đại đáp ứng các tiêu chí về kinh tế, kỹ thuật, môi trường và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Mô hình này đảm bảo trên 60% khối lượng chất thải rắn phát sinh sẽ được phân loại, tái chế tạo ra nguồn nguyên liệu thứ cấp hoặc sản xuất ra các sản phẩm xanh thân thiện môi trường, phần không tái chế sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng, tro thải được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng.

Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành: 

(1) khi ban hành các quy định, quy trình, định mức cần phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của từng địa phương, cụ thể như: Quyết định 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị khi áp dụng vào thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh phát sinh một số bất cập như: đơn giá định mức thấp, một số phương tiện vận chuyển không quy định trong định mức,…gây khó khăn cho các đơn vị thu gom vận chuyển; (2)Sớm ban hành các quy định, quy chuẩn áp dụng công nghệ do doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, chế tạo để thực nghiệm, xử lý, tái chế chất thải; (3)có chính sách hỗ trợ tín dụng nhà nước cho các công trình đầu tư, dự án tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn, có ưu đãi về thuế, phí và lệ phí; (4)ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất, phát triển thị trường nguyên liệu thứ cấp, thị trường sản phẩm tái chế.

Với phương châm "Rác là tài nguyên" cùng tầm nhìn chiến lược, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM hoàn toàn tự tin về năng lực, trình độ, luôn chủ động và tiên phong đi đầu trong thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nghiên cứu ứng dụng mô hình mới, sử dụng các công nghệ hiện đại trong xử lý, tái chế chất thải. Chúng tôi hy vọng các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường tiếp tục hợp tác, chia sẻ những giải pháp công nghệ mới, mô hình hiệu quả trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, đặc biệt là phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để cùng nhau nghiên cứu, hợp tác nhằm góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.


HUỲNH MINH NHỰT
Tổng Giám đốc  - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM


Tags phân loại rác tại nguồn thực trạng phân loại rác tại nguồn Citenco

Các tin khác

Danh mục này là một phần quan trọng trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhằm phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nêu rõ, việc kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình cho mục đích sinh hoạt của mình nhằm cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền đưa ra những khuyến cáo về chất lượng nước dưới đất, mực nước...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục