Hiện trạng đánh giá tác động đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường và các đề xuất, kiến nghị quy định quản lý

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/9/2022 | 10:04:17 AM

Trên quy mô toàn cầu, ngày càng gia tăng nhận thức về tầm quan trọng sống còn của đa dạng sinh học (ĐDSH) và vai trò của nó trong việc duy trì sự phát triển bền vững của cuộc sống, sinh kế và nền kinh tế. Từ đó, bảo tồn ĐDSH được quan tâm nhiều hơn, thể hiện trong Công ước về ĐDSH (CBD) cùng với các chính sách và pháp luật của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Về bản chất, ĐDSH là nền tảng cho các quá trình và chức năng hệ sinh thái (HST) cung cấp các dịch vụ HST cần thiết cho cuộc sống của nhân loại. Các HST được định nghĩa là khu phức hợp năng động của thực vật, động vật và các cộng đồng vi sinh vật và môi trường vô sinh của họ tương tác như các đơn vị chức năng. Sự tương tác của các đơn vị chức năng tạo ra các dịch vụ HST, được định nghĩa là những lợi ích mà HST cung cấp cho con người hạnh phúc. Các dịch vụ được cung cấp bởi các HST bao gồm từ hàng hóa cụ thể có thể thu hoạch như gỗ, cá và nước đến các dịch vụ điều tiết trừu tượng hơn như thụ phấn của cây, điều tiết dòng chảy cung cấp nước và kiểm soát lũ, cô lập các bon, duy trì ĐDSH… Rõ ràng là ở mức độ cao nhất, sự mất mát hoặc suy thoái của các dịch vụ HST sẽ đe dọa sự sống còn của con người.

Đánh giá tác động ĐDSH là một nội dung của đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và báo cáo ĐTM theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022. Việc đánh giá tác động ĐDSH trong ĐTM nhằm xác định các yếu tố ĐDSH trong các giai đoạn thực hiện để giảm thiểu các tác động tiêu cực của dự án đến ĐDSH và thúc đẩy các giải pháp bảo tồn ĐDSH, sử dụng bền vững và chia sẻ công bằng lợi ích ĐDSH, BVMT trong quá trình thực hiện các dự án.

Đánh giá tác động ĐDSH

Nội dung

Đánh giá tác động ĐDSH là một phần của toàn bộ quá trình ĐTM, và báo cáo ĐTM cuối cùng cần đưa ra rõ ràng tất cả các thông tin có liên quan để ra quyết định về môi trường. Một cách lý tưởng, báo cáo phải tuân theo các quy định pháp luật, và được cấu trúc theo các yêu cầu quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Trong một số trường hợp, đặc biệt là khi đánh giá tác động ĐDSH chưa được xem xét đầy đủ trong báo cáo ĐTM chính, báo cáo ĐTM bổ sung phải được thực hiện để tập trung vào các yếu tố ĐDSH.

Khi chuẩn bị các nội dung ĐDSH của một báo cáo ĐTM hoặc khi chuẩn bị báo cáo đánh giá tác động ĐDSH độc lập để bổ sung cho báo cáo ĐTM, bao gồm: Mô tả dự án; Mô tả hiện trạng của ĐDSH; Xác định các tác động đến ĐDSH ở các cấp độ khác nhau; Giảm nhẹ và quản lý tác động; Kế hoạch giám sát.

Báo cáo cũng cần xác định rõ các nguồn thông tin về ĐDSH và các phương pháp được sử dụng trong các cuộc điều tra ĐDSH bổ sung khi cần thiết. Tham khảo ý kiến các bên liên quan và tiếp cận với kiến thức địa phương và bản địa cũng rất quan trọng.

Các nguyên tắc và cách tiếp cận khi thực hiện đánh giá tác động ĐDSH

Việc đánh giá tác động đến ĐDSH cần được xem xét và thực hiện phù hợp các nguyên tắc sau:

Xác định, đánh giá tác động đến các loại hình và điều kiện môi trường sống của các loài hoang dã: Đánh giá các mối đe dọa và áp lực từ dự án phát triển để quản lý và cải thiện điều kiện môi trường sống của các loài hoang dã.

Xác định, đánh giá tác động đến các loài nguy cấp: Đánh giá tác động tại các địa điểm có các loài nguy cấp.

Đảm bảo các giai đoạn của dự án không làm mất giá trị thực của ĐDSH: Áp dụng tất cả các biện pháp phòng tránh và giảm thiểu tác động của dự án đến ĐDSH, thực hiện phục hồi tại chỗ và bồi hoàn những thiệt hại còn lại (nếu có) sau khi đã áp dụng các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu trên một quy mô địa lý thích hợp nhằm duy trì giá trị thực của ĐDSH.

Sự mất mát của ĐDSH phải được ngăn chặn trong quá trình chuẩn bị, triển khai và vận hành dự án để tránh mất đi sự ĐDSH mà không thể thay thế được hoặc sự mất mát ĐDSH khác phải được bù đắp (về chất lượng và số lượng). Khi một dịch vụ HST mất mà không thể phục hồi, nhưng trong một số trường hợp có thể được 'thay thế' bằng công nghệ thích hợp, vậy nên các cơ hội tăng cường đa dạng sinh học cần được xác định và hỗ trợ trong các giai đoạn thực hiện dự án.

Nguyên tắc phòng ngừa: Phòng ngừa mất mát ĐDSH là hoạt động cần được thực hiện trước tiên, kể cả khi tác động của dự án chưa được xác định đầy đủ về mặt khoa học.

Nguyên tắc phòng ngừa yêu cầu một cách tiếp cận thận trọng và tránh rủi ro trong những trường hợp không thể dự đoán được các tác động một cách chắc chắn và/hoặc khi có sự không chắc chắn về hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu tác động đến ĐDSH. Nếu các tác động của dự án đối với ĐDSH (đặc biệt ,các HST tự nhiên quan trọng) không thể xác định một cách chắc chắn, thì hoạt động sẽ bị tạm dừng cho đến khi có đủ thông tin, hoặc 'tình huống xấu nhất' được áp dụng dù có tác động đến đa dạng sinh học nhưng có giải pháp thực hiện giảm thiểu rủi ro đến mức có thể chấp nhận được và kiểm soát, quản lý hiệu quả các tác động tiêu cực đến ĐDSH. Nguyên tắc này được áp dụng một cách hài hòa nhằm đảm bảo đem lại lợi ích về BVMT, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH và hiệu quả của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định và đánh giá các kiến thức bản địa, địa phương và truyền thống tại khu vực dự án: xác định và ghi nhận các kiến thức bản địa, truyền thống hay các kiến thức của người dân địa phương về bảo tồn ĐDSH và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để sử dụng trong đánh giá tác động ĐDSH.

Sự tham gia: Huy động sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các cộng đồng địa phương, các tổ chức bảo tồn và các khu vực tư nhân có sử dụng tài nguyên thiên nhiên để hiểu được tầm quan trọng của ĐDSH và phương thức sử dụng chúng nhằm giảm thiểu tác động, quản lý và bồi hoàn ĐDSH trong quá trình triển khai dự án.

Các bước cân nhắc ĐDSH trong ĐTM

Bước 1: Sàng lọc

Việc sàng lọc được sử dụng để xác định dự án phải thực hiện ĐTM và loại trừ dự án không có tác động có hại đến môi trường, ĐDSH. Các tiêu chí sàng lọc phải bao gồm các cân nhắc ĐDSH, nguy cơ tiềm năng tác động đáng kể đến ĐDSH từ các hoạt động dự án. Kết quả của quá trình sàng lọc là một quyết định về mức độ thực hiện ĐT ĐDSH.

Việc sàng lọc các dự án phải ĐTM thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật BVMT 2020 và Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, tất cả các dự án ĐTM đều phải ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG ĐDSH.

Theo quy định tại Điều 30 Luật BVMT năm 2020, đối tượng phải thực hiện ĐTM bao gồm: (i) Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật BVMT; (ii) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật BVMT.

Việc xác định dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Luật BVMT được quy định tại Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Quy định sàng lọc đối với dự án thực hiện trong Khu dự trữ sinh quyển theo pháp luật về BVMT tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP như sau: Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của khu dự trữ sinh quyển với quy mô từ 1 ha vùng lõi và từ 20 ha vùng đệm sẽ phải làm báo cáo ĐTM. Thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM này thuộc Bộ TN&MT; Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển và từ 5 ha vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển sẽ phải làm báo cáo ĐTM. Thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM thuộc Bộ TN&MT; Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của khu dự trữ sinh quyển với quy mô dưới 1 ha vùng lõi và dưới 20 ha vùng đệm sẽ phải làm báo cáo ĐTM. Thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM này thuộc Sở TN&MT; Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước dưới 5 ha vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển sẽ phải làm báo cáo ĐTM. Thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM này thuộc Sở TN&MT.

Như vậy, theo quy định trên, đối tượng các dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước, dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước tại vùng lõi và vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển phải làm báo cáo ĐTM và trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Còn các dự án thực hiện tại vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển sẽ thực hiện theo quy định về danh mục dự án đầu tư Nhóm I, Nhóm II có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần phải làm báo cáo ĐTM.

Kết quả sàng lọc là đưa ra các phương án để dự án thực hiện:

Dự án được đề xuất là "cực kỳ nguy hiểm" vì không phù hợp với các công ước, chính sách hay luật pháp quốc gia và quốc tế. Quyết định đưa ra là thuyết phục chủ dự án không nên theo đuổi dự án này. Nếu chủ dự án vẫn muốn tiếp tục, ĐTM bắt buộc phải thực hiện trong đó có đánh giá tác động ĐDSH;

Dự án phải thực hiện ĐTM, đánh giá tác động ĐDSH: Nội dung của báo cáo ĐTM theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT.

Dự án không đòi hỏi thực hiện ĐTM, đánh giá tác động ĐDSH.

Bước 2: Xác định phạm vi triển khai dự án

Bước xác định phạm vi của dự án nhằm xác định các vấn đề quan trọng cần được thực hiện trong đánh giá tác động ĐDSH. Xác định phạm vi trong nội dung đánh giá tác động đến ĐDSH cần thực hiện trên quan điểm bảo tồn ĐDSH, bao gồm xác định mức độ cân nhắc ĐDSH và giá trị dịch vụ HST. Cụ thể đối với dự án có sử dụng đất hoặc chiếm dụng đất ở vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản thiên nhiên sẽ có tác động đến ĐDSH khác với các dự án đầu tư phát triển tại vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu DTSQTG, di sản thiên nhiên.

Nội dung xác định phạm vi dự án ảnh hưởng đến ĐDSH:

- Mô tả loại hình dự án, xác định các phương án thực hiện tiềm năng và các hoạt động của dự án có khả năng ảnh hưởng đến ĐDSH và các dịch vụ HST; mức độ ảnh hưởng của dự án đến các phân vùng của khu dự trữ sinh quyển, di sản thiên nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật BVMT năm 2020.

- Xác định phạm vi không gian và thời gian để thực hiện đánh giá tác động ĐDSH;

- Xác định các bên liên quan cần được tham vấn trong đánh giá tác động ĐDSH;

- Xác định các đối tượng bị tác động và mức độ tác động: Các HST tự nhiên, bao gồm: Các HST trên cạn, HST đất ngập nước, HST biển; Các loài sinh vật, bao gồm: Các loài nguy cấp, quý, hiếm; loài đặc hữu; loài chỉ thị.

Bước 3: Mô tả hiện trạng nền

Mục đích của bước này là mô tả các điều kiện hiện tại và hiện trạng của ĐDSH trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án, như đã được xác định trong bước xác định phạm vi. Việc mô tả các điều kiện nền của ĐDSH là rất quan trọng cho các bước ĐTM tiếp theo. ĐDSH trong khu vực được dự báo có thể sẽ bị ảnh hưởng đáng kể cần phải được mô tả chi tiết đầy đủ để xác định và đánh giá các tác động.

Mô tả hiện trạng cần bao gồm các HST và môi trường sống khác nhau trong vùng tác động. Các vùng tác động bên trong hoặc gần khu bảo tồn/vùng lõi của khu di sản thiên nhiên đã được công nhận thì cần được ghi nhận và chuyển thành bản đồ. Các yếu tố nhạy cảm sinh thái cần được lưu ý. Hình ảnh vệ tinh rất hữu ích để mô tả môi trường sống, mặc dù hình ảnh này cần phải được kiểm chứng thông qua các cuộc điều tra tại chỗ.

Ngoài ra, các áp lực môi trường liên quan đến ĐDSH cần được xem xét để dự báo tác động tiềm năng đến ĐDSH. Điều quan trọng là cần mô tả những áp lực hiện tại và xu hướng của ĐDSH khi không có dự án.

Hiện trạng ĐDSH được mô tả dựa trên các thông tin được cung cấp bởi chuyên gia tư vấn, nguồn thông tin nền và các kết quả của cuộc điều tra, khảo sát bổ sung được thực hiện trong quá trình ĐTM. Mối liên hệ giữa ĐDSH và đặc điểm kinh tế xã hội của khu vực dự án phải được xác định một cách cẩn thận hoặc là dựa trên kết quả của các nghiên cứu thực hiện trước đó, hoặc là bằng cách kết hợp thực hiện việc điều tra về mối liên hệ này trong các cuộc điều tra bổ sung. Mô tả hiện trạng thường được thực hiện chủ yếu bằng cách sử dụng dữ liệu và thông tin hiện có, tuy nhiên một số phân tích dự báo bổ sung có thể được yêu cầu để dự đoán xu hướng phát triển và thay đổi của ĐDSH, ví dụ dưới tác động của BĐKH.

Tùy thuộc vào phạm vi ảnh hưởng của dự án đối với các phân vùng các di sản thiên nhiên mà mức độ mô tả hiện trạng, thông tin nền khác nhau do mức độ ĐDSH khác nhau. Trong đó, đối với dự án ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi khu di sản thiên nhiên, cần phải mô tả chi tiết, đầy đủ các thông tin về hiện trạng ĐDSH, dịch vụ HST của khu vực.

Bước 4: Dự báo tác động

Các loại tác động được đánh giá bao gồm tác động trực tiếp, gián tiếp, thứ cấp, tích lũy, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, vĩnh viễn và tạm thời, tích cực và tiêu cực phát sinh từ dự án. Các tác động gián tiếp và tích lũy cũng như các tác động trực tiếp liên quan đến ĐDSH là đặc biệt quan trọng.

Sau khi xác định được phạm vi và đánh giá tầm quan trọng, hiện trạng của ĐDSH, sẽ xác định, dự báo và đánh giá các tác động trực tiếp hoặc tác động tiềm tàng của dự án đến ĐDSH.

Việc đánh giá tác động đến ĐDSH là một quá trình xác định sơ bộ tác động, đánh giá chi tiết tác động và thiết kế, so sánh các phương án thực hiện cùng các biện pháp giảm thiểu tác động đến ĐDSH. Nội dung phân tích và đánh giá tác động đến ĐDSH bao gồm: Nâng cao sự hiểu biết về những tác động tiềm năng được xác định trong quá trình sàng lọc, xác định phạm vi và được mô tả trong điều khoản tham chiếu. Điều này bao gồm việc xác định các tác động gián tiếp và tích lũy, và các chuỗi nguyên nhân - hậu quả có thể xảy ra; Xem xét và thiết kế lại các phương án thực hiện; cân nhắc các biện pháp giảm nhẹ và tăng cường, cũng như bồi thường các tác động còn lại; lập kế hoạch quản lý tác động; đánh giá tác động; và so sánh các phương án thực hiện; Xác định các tác động gián tiếp, tích lũy và các chuỗi nguyên nhân - hậu quả có thể xảy ra đối với ĐDSH tại các khu vực triển khai dự án hoặc xung quanh khu vực dự án…

Bước 5: Giảm thiểu tác động

Giảm thiểu là hành động liên tục được thực hiện để loại bỏ hoặc giảm nhẹ các tác động bất lợi, bằng cách kiểm soát các nguồn tác động, hoặc giảm thiểu sự ảnh hưởng của các thành phần sinh học và yếu tố sinh thái từ các tác động của các giai đoạn trong triển khai thực hiện dự án.

Bước 6: Giảm thiểu và quản lý

Giảm thiểu là hành động liên tục được thực hiện để loại bỏ hoặc giảm nhẹ các tác động bất lợi, bằng cách kiểm soát các nguồn tác động, hoặc giảm thiểu sự ảnh hưởng của các thành phần sinh học và yếu tố sinh thái từ các tác động của các giai đoạn trong triển khai thực hiện dự án.

Giảm nhẹ trong ÐTM là tìm cách để đạt được các mục tiêu dự án, đồng thời tránh hoặc giảm nhẹ các tác động tiêu cực đến mức chấp nhận được, cũng như tăng cường những lợi ích về môi trường, và để đảm bảo rằng cộng đồng không phải chịu chi phí lớn hơn những lợi ích dự án có thể mang lại. Mục đích của bước giảm nhẹ trong ĐTM là xác định các biện pháp và các phương án bảo vệ ĐDSH và các dịch vụ HST của khu vực triển khai dự án hoặc các khu vực xung quanh dự án. Giảm nhẹ được cân nhắc trong cả giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hiện dự án nhằm: Phát triển các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ, khắc phục, bồi thường những tác động bất lợi đáng kể của dự án đến ĐDSH và sinh kế của cộng đồng bị ảnh hưởng theo nguyên tắc: 1) Tránh các tác động đến ĐDSH và tăng cơ hội bảo tồn ĐDSH khi có thể bằng cách lựa chọn và điều chỉnh thiết kế; 2) Nếu không thể tránh tác động cần xác định phương án khả thi tốt nhất để giảm thiểu và tăng cường nhằm đảm bảo không gây thiệt hại đáng kể về ĐDSH; 3) Bồi thường cần được xem như là phương án cuối cùng…

Bước 7: Giám sát

Chương trình, kế hoạch và hệ thống quản lý với các mục tiêu rõ ràng, phân công trách nhiệm và chương trình giám sát phù hợp cần được xây dựng, để đảm bảo các biện pháp giảm thiểu tác động đến ĐDSH được thực hiện hiệu quả, các tác động và xu hướng diễn biến tiêu cực đối với ĐDSH được phát hiện đầy đủ và giải quyết, lợi ích và tác động tích cực của dự án đạt được như mong đợi.

Kế hoạch quản lý ĐDSH là một phần của kế hoạch quản lý môi trường tổng thể, và cần được dự trù kinh phí và được tài trợ bởi chủ dự án. Chi phí thực hiện nên được bao gồm trong chi phí chung của dự án.

Giám sát và kiểm toán ĐDSH được thực hiện để kiểm tra những gì thực sự xảy ra đối với ĐDSH sau khi dự án đã bắt đầu thực hiện. Cần theo dõi các tác động đến ĐDSH được dự báo và hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu đề xuất trong báo cáo ĐTM. Quản lý môi trường phù hợp cần đảm bảo rằng các tác động đã dự báo được giảm thiểu ở mức mong đợi, và những tác động không lường trước được quản lý trước khi trở thành nghiêm trọng và các lợi ích dự kiến sẽ đạt được khi thực hiện dự án.

Hiện trạng đánh giá tác động ĐDSH

Đối với đánh giá tác động ĐDSH trong ĐTM, các quy định pháp luật đã được hình thành, phát triển và có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam. ĐT ĐDSH đã đạt được những thành tựu quan trọng. Các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình, thủ tục thẩm định ĐTM nói chung và đánh giá tác động ĐDSH nói riêng được quy định rõ ràng, minh bạch theo hướng cải cách hành chính, đảm bảo chất lượng của việc thẩm định. Nội dung và chất lượng của báo cáo đánh giá tác động ĐDSH ngày càng có những tiến bộ nhất định. Dựa trên quá trình thẩm định báo cáo ĐTM, một số dự án đầu tư trên các lĩnh vực khác nhau đã phải thay đổi địa điểm hoặc không được phê duyệt vì không đảm bảo các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH và chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên. Như vậy, có thể thấy ĐTM trở thành công cụ hữu ích khi gắn trách nhiệm của chủ dự án đối với BVMT, bảo tồn ĐDSH. Đồng thời, các nhà khoa học, cơ quan truyền thông và toàn xã hội ngày càng quan tâm hơn đến đánh giá tác động ĐDSH. Việc tham vấn ý kiến cộng đồng khi thực hiện ĐTM trở thành yêu cầu bắt buộc, thể hiện sự dân chủ, nhân văn, khoa học… và đang từng bước tiếp cận với kinh nghiệm quốc tế.

Bên cạnh đó, một số hạn chế còn hiện hữu cần được nghiên cứu, thảo luận rộng rãi và đưa ra giải pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới: Chất lượng báo cáo đánh giá tác động ĐDSH còn phụ thuộc vào chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, loại hình dự án, nguồn lực thực hiện, hội đồng, cơ quan thẩm định. Trong một số trường hợp, vì sức ép tăng trưởng kinh tế, một số ngành, địa phương xem nhẹ vai trò của đánh giá tác động ĐDSH. Ngoài ra, cũng có những trường hợp quá trình đánh giá tác động ĐDSH chưa dự báo đúng mức, chưa lường trước các vấn đề môi trường nhạy cảm, phức tạp của dự án. Việc đầu tư ngân sách cho công tác đánh giá tác động ĐDSH còn hạn chế, chưa có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH. Các thông tin dữ liệu về ĐDSH trên phạm vi toàn quốc còn tản mạn, không đầy đủ và thiếu hệ thống, trong khi đó, đây là những thông tin rất quan trọng phục vụ cho công tác đánh giá tác động ĐDSH…

Đề xuất giải pháp, kiến nghị

Giải pháp

Thứ nhất, cần tiến hành nghiên cứu tổng thể về thực trạng đánh giá tác động ĐDSH của Việt Nam thông qua hoạt động rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá các điều kiện, nguồn lực thực hiện; hệ thống hóa những tồn tại, khó khăn thách thức, những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu, tham khảo hệ thống đánh giá tác động ĐDSH của một số nước trên thế giới đã áp dụng thành công.

Thứ hai, cần xem mỗi đánh giá tác động ĐDSH là tập hợp các nghiên cứu chuyên sâu về thành phần môi trường sinh thái; về khoa học dự báo… Như vậy, mỗi đánh giá tác động ĐDSH đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm.

Thứ ba, sàng lọc và quyết định đầu tư dự án trên cơ sở thấm nhuần quan điểm phát triển bền vững - phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ ĐDSH. Xóa bỏ quan điểm xem ĐTM là một thủ tục hành chính để được cấp phép hoặc chấp thuận đầu tư, thay vào đó, cần xác định rằng ĐTM là công cụ khoa học - kỹ thuật - pháp lý, là một trong những căn cứ quan trọng để đi đến quyết định đầu tư hay không đầu tư dự án hoặc phải thay đổi phương án khác cho dự án.

Kiến nghị

Cần ban hành hướng dẫn kỹ thuật chi tiết cho đánh giá tác động ĐDSH trong ĐTM để các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn tổ chức xây dựng báo cáo ĐTM và các cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM có cơ sở triển khai thực hiện.

Mở nhiều lớp tập huấn liên quan đến đánh giá tác động ĐDSH, hướng dẫn cách thức tiếp cận và các bước lồng ghép đánh giá tác động ĐDSH trong ĐTM, các biện pháp giảm thiểu tác động và quản lý ĐDSH, nội dung thẩm định đánh giá tác động ĐDSH lồng ghép trong ĐTM.

Ban hành bộ chỉ số ĐDSH quốc gia làm cơ sở để thu thập số liệu, đánh giá hiện trạng và đánh giá tác động thông qua so sánh mức độ thay đổi ĐDSH so với hiện trạng trước khi thực hiện Dự án.

Quy định cụ thể về nội dung tham vấn cộng đồng về ĐDSH trong các báo cáo ĐTM và cách thức thực hiện thu thập thông tin, kiến thức bản địa về ĐDSH.

Hướng dẫn kỹ thuật riêng trong công tác giám sát ĐDSH.

PGS. TS. Lê Xuân Cảnh
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Theo Tạp chí Môi trường

Tags đánh giá tác động đa dạng sinh học đánh giá tác động môi trường

Các tin khác

Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đã bước vào Phiên thứ tư Hội nghị đàm phán liên chính phủ về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-4) tại Ottawa, Canada. Đây là phiên đàm phán có số lượng đại biểu đăng ký tham dự đông nhất từ trước đến nay với gần 4.200 đại biểu của các quốc gia thành viên, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.

Sử dụng nguồn nhiên liệu khác thay thế nhiên liệu hóa thạch là tất yếu cần phải thực hiện. Do vậy, để hydrogen trở thành một nhiên liệu thay thế chính cho nhiên liệu hoá thạch, công tác đảm bảo an toàn cháy nổ phải được thực hiện.

Việc thừa nhận tư cách pháp lý và các quyền của thực thể tự nhiên như rừng, sông, núi… đã trở thành một xu hướng tiến bộ trên thế giới.

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự