Còn nhiều bất cập trong việc tính chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/6/2022 | 3:08:17 PM

QLMT - Ngày 3/6/2022, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã tổ chức Toạ đàm "chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt". Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ đã trình bày báo cáo tham luận, trong đó đề cập đến nhiều điểm hạn chế bất cập trong việc tinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Chuyên trang Quản lý môi trường trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những ý kiến tham luận của Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ về vấn đề nêu trên.

Còn nhiều bất cập trong việc tính chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạtẢnh minh hoạ

Theo Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ, công đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích đô thị được triển khai từ năm 2013, trong đó có công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật đấu thầu, Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, Nghị định số 130, định mức dự toán của Bộ Xây dựng, đơn giá dịch vụ công ích thành phố Cần Thơ. Hiện nay đang thực hiện định mức theo Quyết định số 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2014, đơn giá dịch vụ công ích đô thị thành phố Cần Thơ theo Quyết định số 98/QĐ-SXD ngày 08/6/2017.

Trên một địa bàn quận, huyện có địa phương chia thành nhiều gói nhỏ để mời thầu, mỗi địa phương có yêu cầu về các tiêu chí khác nhau. Hiện nay có nhiều đơn vị trong và ngoài thành phố cùng tham gia lĩnh vực vệ sinh môi trường. Công ty tham gia đấu thầu trong nhiều năm qua với tỷ lệ giảm giá cao nhất trên 30%. Trước năm 2019, thực hiện đấu thầu hằng năm, từ năm 2019 thực hiện đấu thầu theo chu kỳ 03 năm.

Về quy trình quản lý chất thải sinh hoạt, theo Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ cần xác định rõ các công đoạn: công tác vệ sinh, duy trì vệ sinh đường phố, công tác thu gom - vận chuyên - xử lý, mỗi công đoạn cần quy định xác định đúng đủ các khoản chi phí cần thiết để thực hiện nguồn từ đâu, cấp quản lý từng công đoạn.

Đối với hạng mục thu gom rác sinh hoạt đến điểm tập kết, đơn vị thi công tổ chức thực hiện tự bù đắp chi phí từ thu giá trong dân (chuyển đổi từ phí vệ sinh sang giá được thành phố ban hành theo quyết định cuối năm 2016). Các hạng mục còn lại do Ngân sách chi trả thông qua kết quả đấu thầu, gồm các công việc như vận chuyển rác và các hạng mục vệ sinh khác (quét đường phố, vĩa hè, dãy phân cách,…).

Theo quy định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng được bù đắp một phần thông qua ngân sách địa phương. Và thực tế, các khoản thu về từ giá dịch vụ, phần nhà nước bù đắp từ ngân sách thông qua hình thức đấu thầu không thể bù đắp các chi phí hoạt động trong quá trình thu gom, vận chuyển, thì làm sao có khoản đầu tư cho các yêu cầu về đạt các tiêu chuẩn môi trường. Bên cạnh đó, khi lập dự toán mời thầu, một số hạng mục Chủ đầu tư chưa tính đúng, tính đủ chi phí tổ chức thực hiện (chi phí cho hạng mục thu gom không được tính), tuy nhiên dự nguồn kinh phí để thanh toán lại bao gồm ngân sách và phần thu trong dân.

Từ năm 2018, thành phố Cần Thơ đã có chủ trương (Công văn số 4952/UBND-KT ngày 22/12/2017) giao lại việc thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển cho đơn vị trúng thầu là phù hợp với mục đích là khuyến khích đơn vị cung ứng dịch vụ phải làm tốt hơn để thu tiền của người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay do cách tính toán không phù hợp (lấy số hộ dân và mức thu bình quân trên hộ để tính ra con số phải thu, thay vì lấy số liệu thống kê bình quân của 5 năm trước đó về tỷ lệ tham gia giao rác và tỷ lệ đóng phí) và mặc định số tiền thu của người sử dụng dịch vụ là phải đạt 100% nên phần giảm giá khi đấu thầu được khấu trừ hết vào phần ngân sách bù. Trong khi khối lượng thì lại lấy theo thực tế của những năm trước đó và nếu khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng thì phải thu đủ của người của sử dụng dịch vụ phần phát sinh đó, đơn vị cung ứng dịch vụ chỉ được thanh toán phần ngân sách bù theo tỷ lệ. 

Bên cạnh các bất cập nêu trên, còn vướng mắc do giảm giá để được trúng thầu, để tiếp tục duy trì các hoạt động của Công ty nên ảnh hưởng rất lớn đến việc bù đắp chi phí hoạt động, chưa kể đến hiệu quả của công tác này "vấn đề này được quy định tại Điều 9, Luật Doanh nghiệp: Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích” và được khẳng định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Hiện nay chi phí tiền lương cho người lao động chiếm khoảng 40% trên tổng doanh thu của Công ty, chưa tính đến trượt giá hàng năm và mức điều chỉnh tiền lương tổi thiểu vùng của chính phủ, trong khi đó việc đấu thầu theo chu kỳ 03 năm với đơn giá cố định Công ty không đủ nguồn trong trường hợp phát sinh chi phí và thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định. Mặt khác, đơn giá dự toán dịch vụ công ích được ban hành từ năm 2016, 2017 đến nay chưa được điều chỉnh kịp thời với diễn biến của thị trường.

Từ những hạn chế và bất cập nêu trên, Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ đưa ra các kiến nghị:

Đối với vấn đề DVCI, đề nghị xây dựng khung pháp lý về tiêu chí đấu thầu: Yếu tố về mặt chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường là yếu tố hàng đầu; Yếu tố về giá là thứ yếu, tuy nhiên cần phải đảm bảo mức tính đúng, tính đủ và quy định giới hạn mức giá tối thiểu phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng cung ứng dịch vụ.

Ban hành Hợp đồng mẫu về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt,…

Việc thực hiện Luật BVMT, đảm bảo thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của từng chủ thể, từ người phát thải, đơn vị cung ứng dịch vụ, chính quyền địa phương và chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước,…

Xây dựng định mức dự toán, đơn giá phù hợp với thành phần công việc, quy trình công nghệ, đảm bảo tính đúng tính đủ, và điều chỉnh kịp thời khi các chính sách thay đổi.

(Nguồn: Tham luận của Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ 
tại Toạ đàm "chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt")

Tags rác thải chi phí bất cập chất thải rắn sinh hoạt

Các tin khác

Quy định bắt buộc về phân loại rác tại nguồn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, đến nay công tác chuẩn bị cho việc phân loại rác tại nguồn vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự