Ngành Tài nguyên Môi trường giai đoạn 2016 – 2020: Chuyển trọng tâm từ bị động sang chủ động

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/1/2021 | 8:31:22 AM

QLMT - Năm năm qua (2016-2020) ngành tài nguyên và môi trường (TN và MT) đã chủ động chuyển trọng tâm hoạt động từ bị động sang chủ động, có bước chuyển biến rõ rệt, hóa giải nhiều thách thức, vượt qua khó khăn đạt nhiều kết quả, đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) đóng vai trò quan trọng tạo nên thành công đó.

Chuyển hóa thách thức thành cơ hội

Ngay từ năm đầu bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020), ngành TN và MT phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhiều vấn đề tồn tại tích tụ từ giai đoạn trước đây như cơ chế chính sách, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững dựa nhiều vào tài nguyên, nhân lực giá rẻ; suy thoái, lãng phí trong sử dụng tài nguyên; khiếu kiện liên quan đến đất đai diễn biến phức tạp; tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trong tại bốn tỉnh miền Trung, đặt ra những thách thức to lớn về an ninh môi trường. Năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện, sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm dần và rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929 - 1933. Nền kinh tế đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, sạt lở đất... xảy ra phức tạp, bất thường đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân tại nhiều địa phương.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao để từng bước chuyển hóa thách thức thành cơ hội, tập trung tháo gỡ các rào cản, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên nhiều lĩnh vực. Ngay từ những năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020), toàn ngành đã rà soát, đánh giá thực tiễn, xác định đâu là nút thắt, điểm nghẽn, kẽ hở, đâu là khoảng trống của chính sách, pháp luật trong từng lĩnh vực, trên cơ sở đó trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quy định giải quyết, nhất là về quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giao khu vực biển, đấu giá khoáng sản, quản lý tài nguyên nước, cơ chế khuyến khích đầu tư, các chính sách hỗ trợ, các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng. Thiết lập hành lang pháp lý cho quản lý tổng hợp tài nguyên biển đảo, khí tượng thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ, viễn thám. Thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa yếu tố đầu cơ, tăng nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước. Trong năm 2020 (tính đến nay) ước đạt 168 nghìn tỷ đồng (vượt kế hoạch giao), đưa tổng nguồn thu trong 5 năm đạt gần 850 nghìn tỷ đồng, chiếm trung bình 11% thu ngân sách nội địa hằng năm. Năm 2020 ngành TN và MT   thực hiện gần bốn triệu thủ tục về quyền của người sử dụng đất; trong giai đoạn 2016-2020 cấp mới hơn 3,3 triệu Giấy chứng nhận lần đầu, đưa tỷ lệ diện tích được cấp giấy lên 97,36%. Nhiều địa phương đã đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, triển khai thực hiện các mô hình, phương thức tập trung đất đai cho nông nghiệp công nghệ cao.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH và CN được coi là công cụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngành TN và MT. Thực tế cho thấy KH và CN đã gắn kết chặt chẽ với yêu cầu thực tiễn của ngành, nhiều chương trình, công trình nghiên cứu khoa học đóng góp cho thực tiễn như mô hình tiên tiến trong giám sát biến đổi khí hậu, giải pháp thích ứng với ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, đánh giá tiềm năng, giá trị tài nguyên quan trọng trên đất liền và biển, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên đất; giải pháp đưa nước lên vùng cao (hơn 1.300m không dùng điện) cung cấp nước sạch cho người dân Hà Giang,... Hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học của ngành với những cá nhân xuất sắc được vinh danh là nhà khoa học tiêu biểu của châu Á. Đội ngũ cán bộ tiếp tục được tinh gọn, gắn với tăng cường ứng dụng KH và CN trong hoạt động chỉ đạo điều hành. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được kiện toàn với quy mô đào tạo 49 tiến sĩ, 2.200 học viên cao học, 14.200 sinh viên đại học. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành TN và MT đã đào tạo, bồi dưỡng lý luận, tập huấn, cập nhật kiến thức cho hơn 10.000 lượt công chức, viên chức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành và nhu cầu của xã hội.

Đẩy mạnh việc ứng dụng KH và CN

Trong năm năm qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử được thúc đẩy trên các nền tảng số hóa và dữ liệu lớn. Vượt qua nhiều khó khăn ngành đưa vào sử dụng 63 trạm định vị vệ tinh (Cors) để cung cấp các dịch vụ định vị chính xác phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội. Xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long, cơ sở dữ liệu nền địa lý, bản đồ địa hình quốc gia; cơ sở dữ liệu viễn thám, siêu dữ liệu viễn thám quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường; đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai ở 192 quận, huyện thị xã.

Thông tin dự báo thời tiết với mức độ chính xác ngày càng cao đã giúp các ngành, địa phương, người dân phòng tránh thiên tai hiệu quả giảm mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Có được kết quả này là do ngành TN và MT đã hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV) bằng nguồn vốn đầu tư của nhà nước, xã hội hóa với 782 trạm đo mưa độc lập, 103/181 trạm khí tượng, 125/234 trạm thủy văn, 21/27 trạm hải văn, 26/26 trạm khí tượng cao không, 14/14 trạm bức xạ, 268 trạm tự động đo thủy văn. Thiết lập mạng lưới 900 trạm quan trắc môi trường kết nối trực tuyến với Bộ, sở TN và MT. Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác KTTV, thúc đẩy xã hội hóa, hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước. Từng bước hình thành hệ thống thông tin chuyên ngành hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo hạn dài, hạn ngắn đủ độ chi tiết. Các hoạt động hợp tác chia sẻ, thông tin dữ liệu dự báo, nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam trong nền khoa học KTTV của thế giới. Đã thực hiện cảnh báo bão sớm trước 5 ngày, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày. Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; cảnh báo rét đậm, rét hại trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80- 90%; cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày, các sông khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ trước 3-5 ngày thường đạt 70-80%; cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%. Trong năm 2019-2020 ngành đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết nhất là tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ qua đó giảm thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ bằng 9,6% so với năm 2016. Cảnh báo, dự báo kịp thời, sát diễn biến của 13 cơn bão và 01 áp thấp nhiệt đới; 21 đợt không khí lạnh; 13 đợt nắng nóng; 18 đợt mưa lớn trên diện rộng; 17 đợt lũ trên phạm vi cả nước. Phối hợp tốt với các bộ, ngành các lực lượng ở địa phương để chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, triển khai các biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ Quy trình liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông trên toàn quốc; dự báo phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm 2019-2020.

Công tác chỉ đạo điều hành của toàn ngành TN và MT được thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường mạng thông qua trục liên thông văn bản, hệ thống điều hành, hệ thống thông tin báo cáo kết nối từ Trung ương đến địa phương. Thiết lập trung tâm điều hành thông minh kết nối, bảo đảm các hoạt động chỉ đạo điều hành thông suốt trong thời gian giãn cách xã hội do tác động của đại dịch Covid-19; tổ chức hội nghị, diễn đàn của Liên hợp quốc, cuộc họp, đàm phán với đối tác quốc tế theo hình thức trực tuyến. 

nghien cuu

Cán bộ Trung tâm Quan trắc TN và MT quan trắc không khí khu vực trung tâm thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Ngành TN và MT xác định phát triển kinh tế biển là hướng đột phá trong phát triển hội nhập trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển. Trong năm năm qua ngành đã chủ trì làm tốt công tác điều phối, phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, KH và CN, quốc phòng triển khai các đề án điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; thực hiện các nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu khoa học về biển bước đầu đã triển khai ở các vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề. Đã thành lập hải đồ tỷ lệ 1:200.000 với khoảng 82% diện tích các vùng biển Việt Nam; hoàn thành điều tra địa hình đáy biển khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam ở các tỷ lệ từ 1:500.000 đến 1:50.000. Chủ động hợp tác quốc tế trong bảo vệ các hệ sinh thái biển và đại dương, phối hợp hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Các địa phương có biển đã xây dựng kế hoạch hành động triển khai nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế biển; ban hành kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Từng bước thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển để đảm bảo không gian cho cộng đồng. Quy hoạch, đầu tư và thu hút đầu tư hệ thống hạ tầng, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với chuỗi đô thị ven biển để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và hướng biển với mức đóng góp hơn 60% GDP cả nước, một số tỉnh, thành phố đã trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trong năm 2021, ngành TN và MT đưa ra 8 nhiệm vụ trọng tâm trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan việc ứng dụng KH và CN: Thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng số, dữ liệu số, thông tin phục vụ quản lý; triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển, tăng cường điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về biển vì sự phát triển bền vững 2021-2030; đẩy mạnh các hoạt động đo đạc, bản đồ, phân giới cắm mốc lãnh thổ bằn công nghệ viễn thám…

Thực tế nói trên cho thấy trong năm năm qua và những năm tiếp theo ngành TN và MT đã, đang và sẽ phát triển dựa trên nền tảng căn bản đó là nghiên cứu và ứng dụng KH và CN trong toàn bộ lĩnh vực hoạt động của ngành, một xu hướng phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

ThS. HÀ HỒNG

Tags Ngành Tài nguyên Môi trường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường ứng dụng khoa học công nghệ

Các tin khác

Hội nghị Nước năm 2023 của Liên hợp quốc, diễn ra ở Mỹ, trùng thời điểm với Ngày Nước thế giới 22/3 là cơ hội để thế giới tăng cường hành động thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Sáng 7/3, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng Công an nhân dân năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Thuế các - bon sẽ được tính toán để bù đắp những phí tổn xã hội của việc phát thải CO2 như chi phí khắc phục sự cố môi trường

Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế các - bon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá các - bon.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự