Nâng cao hơn nữa vai trò giám sát môi trường của cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/11/2020 | 5:05:27 PM

QLMT - Tại cuộc tọa đàm “Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi” diễn ra vào ngày 2/11 do các tổ chức Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam và Nhóm Công lý - Môi trường - Sức khỏe tổ chức, nhiều nhà khoa học, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực môi trường đã đóng góp ý kiến cụ thể vào dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi lần thứ 7.

Hạn chế quyền và trách nhiệm của ngành y tế

Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD)- Bác sỹ Nguyễn Trọng An cho rằng:

"Điều 13. Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí" trong dự thảo lần 2 nêu rõ:

Nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí phải được kiểm soát bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; việc xem xét, quyết định đầu tư dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào khả năng chịu tải của môi trường, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường; các nguồn ô nhiễm môi trường không khí xuyên biên giới, liên tỉnh, các nguồn thải khí thải lớn, các nguồn khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải được kiểm soát.

"Nhưng trong các dự thảo gần đây, Điều 13 đã bị loại bỏ", ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh, đồng thời cho rằng đây là điểm mâu thuẫn với "Điều 5.Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường" trong dự thảo Luật, bởi điều này có quy định: "Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật".

Ông Nguyễn Trọng An cũng cho biết: "Trong toàn bộ chương XIII của dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi lần thứ 7, không có điều khoản nào đề cập quyền và nghĩa vụ cụ thể của người dân trong giám sát chất lượng và thông tin bảo vệ môi trường. Như vậy, việc không quy định về quyền và nghĩa vụ của người dân sẽ là kẽ hở lớn trong dự thảo. Ngăn cản quyền giám sát trực tiếp của người dân đối với các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”

Cần công khai ĐTM, tránh hình thức

TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chỉ ra một số bất cập: Quy định phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dù đã có trong Luật Bảo vệ môi trường 2014, nhưng chưa có quy định thời điểm công khai, hình thức công khai, dẫn đến chuyện đơn vị có trách nhiệm phải công khai "tránh, né", đưa ra lập luận "tôi chưa công khai chứ không phải không công khai", 10 năm nữa mới công khai vẫn không sai.

lua1

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường)

Ông Hoàng Dương Tùng cho biết: "Điều 4. Nguyên tắc bảo vệ môi trường” đã nêu rõ: bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan tổ chức, hộ dân và cá nhân. "Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường” cũng nêu rõ: "Tạo điều kiện cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường”. Công khai để phòng ngừa, hạn chế dự án "có vấn đề về môi trường” ngay từ đầu, tránh những xung đột môi trường. Công khai là tiền đề đi vào chuyển đổi số trong thời kỳ Cách mạng 4.0. Không công khai các thủ tục môi trường không thể nói đến chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường. Công khai là để tăng cường sự giám sát trong cộng đồng.

TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng: Có nhiều điểm đã được Ban Soạn thảo nghiên cứu tiếp thu. Tuy nhiên, tại dự thảo chỉnh lý tháng 10/2020, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 49 còn nhiều "sạn”

Đơn cử, "Điều 12. Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí" cần được chỉnh lại, bởi môi trường không khí là một vấn đề rất nóng hiện nay, nhưng các nội dung bảo vệ môi trường không khí trong dự thảo rất sơ sài, không chi tiết. Do vậy, cần xác định rõ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí là gì: môi trường chung quanh, trong nhà; các địa phương, liên vùng, xuyên biên giới? Bên cạnh đó, cần có kiểm kê, đánh giá, kiểm soát các nguồn thải (cố định, di động, điểm, vùng…), các chất ô nhiễm cần ưu tiên trong giai đoạn tới (như PM2.5, ozon, VOC…), tiếng ồn độ rung.

Với Khoản 4, "Điều 12. Quy định các nguồn khí thải lớn phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật” không nhắc tới các nguồn thải trung bình và nhỏ, TS. Hoàng Dương Tùng kiến nghị bổ sung nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí và sửa quy định thành "tất cả các nguồn thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát".

Tại "Điều 35. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường" trong dự thảo thiếu vắng quy định công khai báo cáo ĐTM do chủ dự án nộp khi đề nghị thẩm định. Do đó, cần quy định công khai báo cáo ĐTM để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án, đơn vị tư vấn và nâng cao chất lượng của báo cáo ĐTM do chủ dự án nộp.

TS Hoàng Dương Tùng kiến nghị, cơ quan nhà nước cần công khai Hội đồng phê duyệt ĐTM, danh sách nộp hồ sơ thẩm định ĐTM, công khai nội dung thẩm định ĐTM, quy định thời điểm công khai đối với các nội dung cần công khai đúng theo tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".

Cần thu hẹp các đối tượng phải làm ĐTM ở cấp bộ (chỉ với những dự án đặc biệt quan trọng, có nguy cơ ô nhiễm đặc biệt cao), còn lại phân cấp cho địa phương.

Luật Bảo vệ Môi trường 2014 và dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đều không quy định cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM phải công khai báo cáo này. TS Hoàng Dương Tùng đã kiến nghị tới nhiều cấp việc bổ sung 4 nội dung thông tin về môi trường mà cơ quan nhà nước phải công khai.

Thứ nhất, công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường với bản trình thẩm định và bản đã bổ sung được phê duyệt, các hồ sơ xin giấy phép môi trường.

Thứ hai, công khai hội đồng thẩm định, gồm tên tuổi thành viên, chuyên gia trong hội đồng, để họ ngoài trách nhiệm về chuyên môn còn phải có trách nhiệm với xã hội khi được ủy thác, chấp nhận chịu sự giám sát nếu không phản biện hết trách nhiệm.

Thứ ba, công khai các kết quả thanh tra, quy định cụ thể thời điểm công khai.

Thứ tư, công khai kết quả quan trắc của các dự án đầu tư để người dân giám sát nếu có vi phạm về môi trường.

Chưa thống nhất trong giải thích thuật ngữ

Dưới góc độ chuyên gia pháp lý, TS. Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần thứ 7 còn nhiều hạn chế, bất cập. Đáng nói là về mặt giải thích thuật ngữ. Dự thảo Luật không giải thích thuật ngữ "Bảo vệ môi trường", mà lại giải thích thuật ngữ "hoạt động bảo vệ môi trường"; trong khi thuật ngữ "kiểm soát ô nhiễm môi trường" được giải thích là một chu trình, nhưng chưa xác định được trong chu trình đó ai là chủ thể kiểm soát, kiểm soát bằng công cụ phương tiện nào, kiểm soát nhằm mục tiêu gì, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm có phải là nội dung của kiểm soát hay là mục tiêu của kiểm soát ô nhiễm?

luat2

TS. Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm

Để Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi hoàn thiện đi vào thực tế, TS Bùi Đức Hiển đã có một số kiến nghị cụ thể:

Chuyển quy định về giải thích thuật ngữ tại các Chương về Điều 3. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn nội hàm của thuật ngữ kiểm soát ô nhiễm môi trường như sau: Kiểm soát ô nhiễm môi trường là tổng thể các hoạt động phòng ngừa, dự báo, theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện những tác động đến môi trường, hiện trạng môi trường, sự biến đổi của các thành phần môi trường so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường; ngăn chặn, xử lý các tác động tiêu cực đến môi trường của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải nhằm bảo đảm sức khỏe nhân dân, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí là hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường không khí thông qua việc xác định nguồn phát thải khí dựa trên sức chịu tải của môi trường không khí nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường không khí; giải thích rõ thuật ngữ khu công cộng…

 

BÙI PHƯƠNG

Tags luật sửa đổi giám sát môi trường luật bảo vệ môi trường

Các tin khác

Hội nghị Nước năm 2023 của Liên hợp quốc, diễn ra ở Mỹ, trùng thời điểm với Ngày Nước thế giới 22/3 là cơ hội để thế giới tăng cường hành động thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Sáng 7/3, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng Công an nhân dân năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Thuế các - bon sẽ được tính toán để bù đắp những phí tổn xã hội của việc phát thải CO2 như chi phí khắc phục sự cố môi trường

Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế các - bon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá các - bon.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự