Ba “rào cản” khi thực hiện Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/11/2020 | 9:02:12 AM

Thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng và triển khai có kết quả một chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2015-2020 (Chương trình) được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2075/QĐ-TT, ngày8-11-2013 nhằm mục tiêu chính: Tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường; tăng tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ như giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật; thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo hệ thống tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ, trọng tâm là thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội.

Theo thông tin của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) sau 5 năm triển khai, Chương trình đã thu được kết quả đáng khích lệ. Chương trình đã phê duyệt được 63 nhiệm vụ trên tổng số 500 đề xuất, đăng ký. Tổng kinh phí thực hiện của 63 nhiệm vụ được phê duyệt là 340 tỷ đồng, trong đó có 194 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, kinh phí còn lại được đối ứng từ phía doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ. Kết quả này cho thấy Chương trình đã thu hút sự đầu tư góp vốn khá lớn từ các đơn vị tham gia và phối hợp để phát triển công nghệ, nhất là nhóm thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và tài sản trí tuệ. Chương trình đã có tác động tích cực để phát triển thị trường khoa học và công nghệ bằng việc hình thành và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để xúc tiến hoạt động tìm kiếm, đổi mới công nghệ của doanh ngiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hình thành một số tổ chức công ích cung cấp tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng được phương pháp xác định giá trị giao dịch công nghệ, đưa ra các chỉ tiêu quan trọng phản ánh sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ và tác động của nó đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội; hỗ trợ thành lập loại hình công ty đánh giá, định giá công nghệ, xuất nhập khẩu công nghệ; tổ chức chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức thuộc khu vực tư nhân thực hiện dịch vụ kỹ thuật, môi giới, tư vấn, đánh giá, định giá, giám định công nghệ. Một thành công khác của Chương trình đó là hỗ trợ và tạo điều kiện để khai thác hiệu quả nguồn tài sản trí tuệ, giúp tăng số lượng tài sản trí tuệ được đăng ký bảo hộ thông qua các dự án hỗ trợ các tổ chức trung gian ươm tạo công nghệ và thương mại hóa công nghệ; thúc đẩy có hiệu quả vai trò của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia quá trình thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ. Trong đó có nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực sinh học, bảo vệ môi trường.

kh1Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 30-10 đến 2-11) đã trở thành cầu nối cho việc ký kết nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp

Theo các chuyên gia trong quá trình triển khai đã gặp ba "rào cản” làm ảnh hưởng tới kết quả của Chương trình. "Rào cản” đầu tiên, môi trường pháp lý và các thủ tục hành chính. Chương trình đang vận dụng các cơ chế thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, do đó chưa phù hợp khi áp dụng cho các nội dung về xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và truyền thông cho thị trường khoa học và công nghệ. Mặt khác khung pháp lý cho việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình chưa được hoàn thiện và đồng bộ với các văn bản theo pháp luật đầu tư dẫn đến các dự án thành lập, nâng cấp tổ chức trung gian (sự nghiệp công) chưa được phê duyệt triển khai trong các năm qua. Văn bản hướng dẫn Chương trình thiếu đồng bộ dẫn đến việc phê duyệt các nhóm nhiệm vụ thương mại hóa và hỗ trợ thành lập các tổ chức trung gian gặp khó khăn. Nguyên nhân Là do Thông tư số 08/2016/TT-BKHCN được ban hành sau Thông tư liên tịch số 59/2015/TTLT-BTC-BKHCN cho nên một số nội dung chưa có định mức dự toán được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 59/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

"Rào cản” thứ hai, nhận thức của cơ quan quản lý. Nhận thức về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ còn có sự khác biệt lớn giữa các cơ quan quản lý, nhất là về đối tượng và thời điểm hỗ trợ đối với các kết quả đã qua giai đoạn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

"Rào cản” thứ ba, mạng lưới hỗ trợ và phối hợp. Mạng lưới chuyên gia, mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ bước đầu hình thành nhưng hoạt động phối hợp chưa hiệu quả dẫn đến hạn chế trong chia sẻ, khai thác nguồn thông tin công nghệ cập nhật, cung cấp dịch vụ tư vấn, môi giới, đánh giá, định giá công nghệ theo phương pháp hiện đại; chưa có sự tham gia trực tiếp, vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chuyên ngành có liên quan thị trường khoa học và công nghệ của Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Giao thông.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình trong những năm tới các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo dỡ "ba rào” cản nói trên. Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế tài chính; cụ thể hóa các điều khoản đã được luật hóa, trong đó có Luật Chuyển giao công nghệ 2017 về phát triển thị trường khoa học và công nghệ; vận dụng một cách đồng bộ các điều khoản pháp luật hiện có liên quan phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nhất là liên thông giữa thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường khác; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường khoa học và công nghệ bao gồm các cơ sở dữ liệu thích hợp dùng chung về thị trường khoa học và công nghệ.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo về phát triển thị trường khoa học và công nhệ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường ở địa phương; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp thu, ứng dụng và làm chủ công nghệ mới, tạo sự liên kết thật sự giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, chuyên nghiệp hóa các hoạt động tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, phát huy vai trò trung gian, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ tìm kiếm, lựa chọn và kết nối cung - cầu công nghệ, đáp ứng yêu cầu giảm thiểu chi phí giao dịch, minh bạch các thông tin về hàng hóa, dịch vụ được mua bán trên thị trường khoa học và công nghệ; hình thành và phát triển mạng lưới liên kết các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; hỗ trợ xây dựng và phát triển hiệp hội tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ và hỗ trợ kết nối với các hiệp hội tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ trên thế giới.

Như vậy các giải pháp nêu trên đã cho thấy rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ theo hướng phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; tạo điều kiện thuận lợicho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, thâm nhập ngày càng sâu, rộng vào thị trường quốc tế.

 

HÀ HỒNG

Tags khoa học công nghệ phát triển khoa học công nghệ phát triển thị trường thị trường khoa học công nghệ

Các tin khác

Hội nghị Nước năm 2023 của Liên hợp quốc, diễn ra ở Mỹ, trùng thời điểm với Ngày Nước thế giới 22/3 là cơ hội để thế giới tăng cường hành động thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Sáng 7/3, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng Công an nhân dân năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Thuế các - bon sẽ được tính toán để bù đắp những phí tổn xã hội của việc phát thải CO2 như chi phí khắc phục sự cố môi trường

Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế các - bon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá các - bon.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự