Thách thức tại thành phố có lượng rác thải rắn sinh hoạt lớn nhất cả nước

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/10/2021 | 12:33:37 PM

QLMT - Với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng mật độ dân số cao, Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Điều này đã và đang gây áp lực lớn lên môi trường. Việc kiểm soát và quản lý hiệu quả CTRSH trở thành vấn đề cấp bách của Thành phố Hồ Chí Minh, đòi hỏi phải có giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn tài nguyên từ rác, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Khối lượng CTRSH phát sinh lớn nhất cả nước

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có khối lượng rác thải đô thị lớn nhất cả nước. Số liệu thống kê năm 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy khối lượng rác sinh hoạt bình quân khoảng 0,98 kg/người/ngày. Mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 9.000 đến 9.500 tấn CTRSH. Theo số liệu cập nhật mới nhất, dân số Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại đã đạt hơn 9 triệu người, là nơi có dân số đông nhất cả nước. Với tốc độ tăng dân số của thành phố 2,28%/năm, tỷ lệ gia tăng CTRSH khoảng từ 6% đến 10%, dự kiến đến năm 2025 tổng khối lượng CTRSH của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt khoảng 13.000 tấn/ngày. 

Thách thức tại thành phố có lượng rác thải rắn sinh hoạt lớn nhất cả nước
Rác thải sinh hoạt tập kết trái phép trên đường ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: M.Q

Cũng giống như các khu đô thị khác trong cả nước, nguồn phát sinh CTRSH của Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu từ các hộ gia đình, khu thương mại, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ…), công sở (cơ quan, trường học, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện…), khu công cộng (nhà ga, bến tàu, bến xe, sân bay, công viên, khu vui chơi giải trí, đường phố…), dịch vụ vệ sinh (quét đường, cắt tỉa cây xanh…) và các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất. Vì vậy CTRSH của thành phố có thành phần khá phức tạp.

Số liệu thống kê thành phần CTRSH của của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2009 đến năm 2017 bao gồm: thực phẩm, gỗ, rơm, giấy, nhựa, tã, vải, da, cao-su, thuỷ tinh, kim loại, sành sứ, đất cát, tro, vỏ sò… và cả chất thải nguy hại. Có thể thấy trong CTRSH, thành phần thực phẩm của hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao hơn các thành phần khác. Tuy nhiên, thành phần này đang thay đổi theo chiều hướng giảm dần từ 74,3% (năm 2009) xuống 59,2% (năm 2017). Trong khi đó thành phần nhựa tăng từ 5,5% trong năm 2009 lên 13,9% trong năm 2017, điều này phù hợp với xu hướng tăng tỷ lệ tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam từ 33 kg/năm (2010) lên 41 kg/năm (2015) vì sự tiện ích và giá thành rẻ của các sản phẩm nhựa. 

Khó khăn trong công tác thu gom, phân loại và xử lý

Việc tăng nhanh chóng CTRSH đô thị không chỉ về khối lượng mà cả thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý. Theo Báo cáo của Bộ TN và MT năm 2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, 69% lượng CTRSH được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 20% được sử dụng để chế biến compost, 11% áp dụng công nghệ đốt.  

Thành phố chưa có cơ sở tái chế CTR quy mô lớn, việc phân loại và tái chế CTR thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ với khoảng 1.800 cơ sở thu mua và 10 nhà máy tái chế. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 2 khu liên hợp xử lý CTR. Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước tại Quận Bình Chánh có diện tích 614ha và khu liên hợp xử lý CTR Phước Hiệp thuộc Củ Chi có diện tích 687ha, song nhìn chung, hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ về tái chế, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng phát triển. 

Thách thức tại thành phố có lượng rác thải rắn sinh hoạt lớn nhất cả nước
Công nhân môi trường làm việc tại Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước. Ảnh: ST

Trước sức ép từ việc gia tăng lượng CTRSH, và nhìn nhận được tầm quan trọng của việc phân loại rác, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm Chương trình phân loại CTRSH sớm nhất trong cả nước (từ năm 1999). Từ đó đến nay, có nhiều chương trình, dự án phân loại CTRSH tại nguồn được triển khai với các quy mô, hình thức khác nhau. Từ năm 2017 - 2019, UBND Thành phố đã ban hành 6 quyết định để tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch năm 2017 mỗi quận/huyện sẽ triển khai thực hiện phân loại rác ít nhất tại một phường/xã/thị trấn, năm 2018 mở rộng từ 3 đến 5 phường, xã và đến năm 2020 phân loại CTRSH tại nguồn được triển khai trên toàn địa bàn thành phố. 

Tuy nhiên, đến nay, các kế hoạch nói trên đã không được thực hiện đồng bộ. Việc thực hiện chỉ mang tính phong trào, thử nghiệm hoặc chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một bộ phận khá lớn người dân đã được tiếp cận và hiểu về phân loại rác tại nguồn nhưng ý thức tự giác chưa cao, các hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại rác. Hạn chế về cơ sở hạ tầng, phương tiện, địa điểm thu gom cũng là nguyên nhân khiến các chương trình phân loại rác vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền và triển khai giữa các địa phương cũng chưa đồng bộ nên hiệu quả phân loại thấp.

Thách thức tại thành phố có lượng rác thải rắn sinh hoạt lớn nhất cả nước
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tập huấn cách phân loại các loại rác thải.Ảnh: ITN

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Đồ án Quy hoạch xử lý CTR, phấn đấu đến năm 2025 đạt được các chỉ tiêu: 80% số hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn; 100% tổng lượng CTRSH đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng CTRSH được thu hồi, tái chế, làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng (chỉ còn 20% CTRSH được xử lý theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh); 100% tổng lượng CTR công nghiệp nguy hại và không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý; 100% lượng CTR y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý; 90% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế; 100% bùn bể phốt, bùn thải của hệ thống cấp nước và thoát nước, bùn phát sinh từ các hệ thống xử lý nước thải sản xuất, bùn nạo vét kênh rạch được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phân loại rác tại nguồn để tận dụng nguyên liệu cho ngành tài chế

Có thể thấy việc phân loại CTRSH tại nguồn giữ vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý CTR. Để thực hiên được các mục tiêu trên, bên cạnh các nhóm giải pháp về công tác quản lý, chuyển đổi công nghệ, thành phố Hồ Chí Minh cần phải xây dựng được một Chương trình phân loại rác tại nguồn mang tính thống nhất, thực hiện đồng bộ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm áp lực cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu cho ngành tái chế trong nền kinh tế tuần hoàn. 

Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 11/2020, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO) đã ký kết hợp tác với Liên Minh tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) về việc xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý rác thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Dự án nhằm mục đích quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả, đồng thời giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Thách thức tại thành phố có lượng rác thải rắn sinh hoạt lớn nhất cả nước
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa CITENCO và PRO Việt Nam. Ảnh: CITENCO

Đồng hành với dự án trên, tháng 9/2021, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA), Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và PRO Việt Nam đã phối hợp triển khai Chương trình Truyền thông "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”.

Chương trình sẽ phối hợp chặt chẽ với các công ty môi trường đô thị, các sở, ngành liên quan, người dân, học sinh các trường học trên địa bàn 5 thành phố: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ để thực hiện một mục tiêu chung: Liên kết các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân và học sinh trong công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư công nghệ gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn từ khâu tạo nguyên liệu từ rác đã phân loại đến khâu sản xuất, phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thiết lập mô hình quản lý triệt để đối với nguồn rác thải tái chế sau khi được phân loại, từ đó thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng hiệu quả.

Hà Thắm

Tags Thành phố Hồ Chí Minh chất thải rắn sinh hoạt CTRSH phân loại rác tại nguồn kinh tế tuần hoàn Pro Việt Nam Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam Citenco Vureia

Các tin khác

Cùng với sự phát triển đi lên của kinh tế, xã hội ở Việt Nam, thì lượng CTRSH phát sinh từ các hộ gia đình ngày càng tăng. Việc phân loại CTRSH tại nguồn sẽ giảm tải rất nhiều cho các công đoạn xử lý CTR về sau. TP Lào Cai đã thực hiện việc phân loại CTRSH từ năm 2016 và đạt hiệu quả rất cao, việc phân loại CTRSH giờ đây đã trở thành thói quen của người dân nơi đây. Nghiên cứu này nhằm đánh giá những kinh nghiệm trong việc thu gom, phân loại CTRSH trên địa bàn TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Để lò đốt chất thải rắn sinh hoạt vận hành hiệu quả, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã trở thành phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, phong trào hành động cách mạng ở cơ sở.

Nam Sách là địa phương đi đầu, điển hình của Hải Dương trong thực hiện Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đặc biệt là hoạt động phân loại rác thải tại nguồn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục