Chính sách pháp luật quản lý ô nhiễm vi nhựa hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/9/2021 | 2:44:17 PM

QLMT - Ước tính mỗi năm lượng rác thải nhựa phát sinh khoảng 12 triệu tấn, trong đó 2 triệu tấn tích tụ trong đất liền, 8 triệu tấn mảnh nhựa và 1,5 triệu tấn vi nhựa sơ cấp đổ ra đại dương và 0,6 triệu tấn lưới đánh cá bị vứt xuống biển. Từ thực tế đó, nhiều nước trong đó có liên minh Châu Âu đã ban hành các chính sách, công ước, hiệp định quốc tế liên quan rác thải nhựa và vi nhựa hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Chuyên trang Quản lý môi trường giới thiệu bài Tổng quan môi trường kỳ này với chủ đề: Chính sách, pháp luật quản lý ô nhiễm vi nhựa hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Chính sách pháp luật quản lý ô nhiễm vi nhựa hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
Vi nhựa trong sinh vật biển. Ảnh: MBARI

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số, tình hình phát sinh chất thải nhựa và thải bỏ túi ni-lông khó phân hủy có xu hướng gia tăng qua các năm đã và đang gây áp lực đến môi trường của Việt Nam. Hầu hết chất thải nhựa có tốc độ phân hủy sinh học rất chậm, sẽ vỡ thành những hạt nhỏ hơn và sau đó trở thành vi nhựa - là các hạt nhựa có đường kính từ 1µm đến 5mm.  

Hạt vi nhựa là loại rác thải gây ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt là đối với các đại dương, gây nguy hại cho các loài sinh vật dưới nước và gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe con người. Các hạt vi nhựa lọt qua hệ thống xử lý nước thải ra sông hồ, ao và đại dương gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như chuỗi thức ăn.

Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có luật biển quốc tế cụ thể nào về vi nhựa, nhưng nhiều biện pháp ứng phó đã được quốc tế và Liên minh châu Âu thực hiện thông qua các biện pháp tự nguyện hoặc ràng buộc về mặt pháp lý.

LUẬT PHÁP VÀ CÁC HIỆP ĐỊNH QUỐC TẾ

Để cho bạn đọc có cái nhìn tổng thể về hệ thống luật pháp, hiệp định quốc tế liên quan đến ô nhiễm môi trường cũng như rác thải nhựa, chúng tôi xin giới thiệu một số văn bản chính:

Bảng 1. Tổng quan về luật, quy định và công cụ liên quan đến nhựa và vi nhựa

Công cụ/sáng kiến

Năm

Nội dung

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982)

1982

Phần XII (Điều 192-237): bảo vệ và kiểm soát ô nhiễm biển từ các nguồn trên biển/đất liền.

Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (MARPOL 73/78)

1973

Phụ lục V: Nghiêm cấm "việc thải bỏ ra biển tất cả đồ nhựa, cặn hàng, ngư cụ đánh cá bao gồm nhưng không giới hạn dây thừng tổng hợp, lưới đánh cá tổng hợp và túi rác nhựa”.

Công ước London (LC 1972)

1972

Phụ lục I: ngăn chặn việc "cố ý vứt bỏ rác và các vật chất khác xuống biển từ tàu thuyền, máy bay và các công trình khác, bao gồm cả các con tàu”.

Nghị định thư London (LP 1996)

1996

Điều 4.1.1, 5 và 6: cấm đổ bất kỳ rác thải hoặc các vật chất khác bao gồm cả việc xuất khẩu rác thải sang các nước để đổ và đốt trên biển ngoại trừ các vật liệu trong Phụ lục I.

Chương trình Biển khu vực (RSP 1974) và Chương trình Hành động toàn cầu (GPA 1995)

2003

Các hoạt động tại 12 vùng biển.

Chiến lược Honolulu

2011

Khuôn khổ toàn cầu về phòng ngừa và quản lý rác Biển.

Tuyên bố Manila

2012

Ngăn chặn rác thải biển từ các nguồn trên đất liền và thiết lập Quan hệ đối tác toàn cầu về rác thải trên biển (GPML).

Hội nghị thượng đỉnh G7

2014

Kế hoạch hành động về rác thải trên biển của G7.

Hội nghị thượng đỉnh G20

2017

Kế hoạch hành động về rác thải trên biển của G20.

UNEA I

2014

Nghị quyết 1/6: về "Mảnh nhựa và vi nhựa trên biển”.

UNEA II

2016

Nghị quyết 2/11: các biện pháp giảm rác thải nhựa và vi nhựa trên biển

UNEA III

2017

Nghị quyết 3/7: hạn chế rác thải nhựa và vi nhựa trên biển


Nguồn: Jiajia Wang (2018)

Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) là văn kiện quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao quát tất cả những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, quy định về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia (quốc gia có biển và quốc gia không có biển) đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, cũng như các vùng biển quốc tế. Công ước có phạm vi rộng, bao gồm tất cả các khía cạnh của không gian biển, như vấn đề phân định biển, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, chuyển giao công nghệ, ... 

UNCLOS là công cụ toàn cầu duy nhất áp đặt nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia trong việc ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển: các quốc gia, tùy theo tình hình, thi hành riêng rẽ hay phối hợp với nhau, tất cả các biện pháp phù hợp với công ước, cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển, sử dụng các phương tiện thích hợp nhất mà mình có. Các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển phải nhằm vào tất cả các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển: qua khí quyển do nhận chìm các chất độc có hại và độc hại; các chất không bị phân hủy từ các nguồn ở đất liền; do các tàu thuyền gây ra; từ các thiết bị hay phương tiện được sử dụng để thăm dò hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Tính đến thời điểm hiện nay, có 168 quốc gia tham gia Công ước. Việt Nam đã gia nhập Công ước này từ 25/7/1994. 

Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL 73/78). Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra được thông qua năm 1973 và được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định thư 1978, viết tắt là MARPOL 73/78. Công ước MARPOL 73/78 thiết lập một cơ chế quốc tế nhằm ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu do hoạt động xả thải trong quá trình vận hành thông thường và các sự cố ô nhiễm khác. Công ước cũng đã được bổ sung sửa đổi bởi Nghị định thư 1997 và bổ sung thêm Phụ lục thứ sáu. Tính đến thời điểm hiện nay, có 174 quốc gia tham gia Công ước. Việt Nam đã gia nhập Công ước này từ 26/01/1994. 

Mục tiêu của công ước là chấm dứt hoàn toàn việc chủ ý làm ô nhiễm môi trường biển do dầu và các chất độc hại khác và giảm thiểu việc thải ngẫu nhiên các chất đó ra biển. Cụ thể, Phụ lục V của MARPOL 73/78 quy định cấm thải bỏ xuống biển tất cả các loại nhựa, kể cả nhưng không hạn chế dây thừng và lưới đánh cá bằng vật liệu tổng hợp, bao gói chứa rác bằng nhựa và tro của lò đốt các sản phẩm từ nhựa có thể chứa các chất độc hại hoặc kim loại nặng.   

Công ước Luân Đôn 1972 (LC 1972) là thỏa thuận toàn cầu nhằm ngăn ngừa ô nhiễm biển do hoạt động đổ chất thải và các vật chất khác. Công ước này bao gồm việc quản lý các hoạt động đổ chất thải hoặc các vật chất khác từ tàu thuyền, máy bay và giàn khai thác dầu khí. Công ước Luân Đôn áp dụng phương pháp tiếp cận "danh sách đen và danh sách xám” để quản lý việc thải bỏ rác ra đại dương. Các vật liệu trong danh sách đen bị cấm đổ ra biển, ví dụ như nhựa và các vật liệu tổng hợp khó phân hủy khác. Danh sách xám là danh sách các vật liệu có thể được đổ ra biển nếu được cấp phép, ví dụ như chất thải có chứa một lượng đáng kể Asen, crom, đồng, chì, niken, ...

Nghị định thư Luân Đôn 1996 (LP 1996) được thông qua vào năm 1996 để thay thế cho Công ước Luân Đôn 1972. Nghị định thư Luân Đôn 1996 xây dựng một bản danh sách các chất thải hoặc các vật chất khác có thể được xem xét đổ ra biển được gọi là "danh sách đảo ngược”. Các bên tham gia Nghị định thư có nghĩa vụ cấm đổ các loại chất thải hoặc các vật chất khác không được liệt kê trong danh sách đảo ngược của Nghị định thư, như vật liệu nạo vét; bùn thải; các chất thải từ cá hoặc các vật chất phát sinh từ hoạt động chế biến cá công nghiệp; tàu tuyền hoặc các kết cấu, công trình nhân tạo khác trên biển; các vật liệu trơ, vật liệu địa chất vô cơ; vật liệu hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên,... 

Chương trình Biển khu vực (RSP 1974) và Chương trình Hành động toàn cầu (GPA 1995) của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) được thiết lập để tổ chức và thực hiện các hoạt động tại 12 vùng biển thí điểm để ứng phó với các mối đe dọa do rác biển gây ra vào năm 2003, bao gồm: rà soát và đánh giá tình trạng rác biển ở từng khu vực; tổ chức một cuộc họp khu vực gồm các cơ quan chức năng quốc gia và các chuyên gia về rác biển; chuẩn bị kế hoạch hành động/chiến lược cấp khu vực về quản lý bền vững rác biển ở mỗi khu vực; và tham gia vào ngày làm sạch khu vực trong khuôn khổ Chiến dịch làm sạch bờ biển quốc tế, tạo nền tảng cho việc thiết lập quan hệ đối tác, hợp tác và điều phối các hoạt động nhằm kiểm soát và quản lý bền vững rác biển trên toàn cầu.

Chiến lược Honolulu là một khuôn khổ cho nỗ lực hợp tác toàn diện và toàn cầu nhằm giảm thiểu các tác động đối với sinh thái, sức khỏe con người và kinh tế của rác biển trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do tính chất không ràng buộc, Chiến lược Honolulu không thay thế hoặc thay thế các hoạt động của các tổ chức quốc gia, thành phố, khu công nghiệp hoặc quốc tế và do đó bị hạn chế theo ý muốn của các quốc gia tham gia và các bên liên quan. Thay vào đó, Chiến lược Honolulu giúp cải thiện sự phối hợp và mức độ hợp tác cao hơn giữa các bên liên quan đến rác thải trên biển và đóng vai trò là hệ quy chiếu chung cho hành động giữa các cộng đồng này, cũng như là một công cụ cho các nhóm để phát triển và giám sát các chương trình và dự án về rác biển. Do đó, Chiến lược Honolulu được thiết kế để sử dụng như một:

- Công cụ lập kế hoạch để phát triển hoặc hoàn thiện các chương trình và dự án về rác biển cụ thể theo ngành hoặc không gian;

- Hệ quy chiếu chung để cộng tác và chia sẻ các phương pháp hay nhất và bài học kinh nghiệm;

- Công cụ giám sát để đo lường tiến độ của nhiều chương trình và dự án.

Tuyên bố Manila về tăng cường thực hiện Chương trình hành động toàn cầu Bảo vệ môi trường biển từ các hoạt động trên đất liền đã được 64 quốc gia và Ủy ban Châu Âu thông qua năm 2012. Quan hệ đối tác toàn cầu về rác thải trên biển (GPML) cũng được thiết lập nhằm mục đích hạn chế các nguồn rác thải phát sinh trên biển. 

Hội nghị thượng đỉnh G7 về "Tăng cường an ninh hàng hải - Các khu vực kết nối - Quản lý tài nguyên thiên nhiên” tập trung vào: nhận thức và giám sát lĩnh vực hàng hải; giải quyết tranh chấp hòa bình; đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát và không được báo cáo; và mạng lưới an ninh hàng hải. Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2015 thông qua Kế hoạch hành động nhằm giải quyết rác thải trên biển bao gồm các nguồn từ đất liền và trên biển, nâng cao nhận thức và tiếp cận cộng đồng, cũng như các hành động loại bỏ rác thải. 

Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức vào năm 2017 tái khẳng định và cập nhật Kế hoạch hành động để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030. Kế hoạch hành động về rác thải trên biển của G20 là một trong ba sáng kiến chính liên quan đến môi trường. Đồng thời, đây cũng là một cách tiếp cận để áp dụng "nền kinh tế tuần hoàn” để tái chế, tái sử dụng vật liệu và giảm thiểu rác thải, góp phần ngăn chặn rác thải từ đất liền vào đại dương.

UNEA I, 2014, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc, đưa ra vấn đề về nhựa (bao gồm cả vi nhựa trong môi trường biển là một vấn đề đang gia tăng nhanh chóng) và thông qua Nghị quyết 1/6 về các mảnh nhựa và vi nhựa trên biển.

UNEA II, 2016, phiên họp thứ hai của UNEA, thông qua Nghị quyết 2/11 về mảnh nhựa và vi nhựa trên biển thực hiện các mục tiêu môi trường của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (17 Mục tiêu), cụ thể là "đến năm 2025, ngăn chặn và giảm thiểu đáng kể tất cả các loại ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm từ các hoạt động trên đất liền, trong đó có rác thải hàng hải và việc nhiễm bẩn các nguồn nước do có quá nhiều chất dinh dường” (Mục tiêu 14.1). Cùng với việc thừa nhận tầm quan trọng của sự phối hợp giữa UNEP với các công ước và công cụ quốc tế liên quan đến việc ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển do rác thải, Nghị quyết 2/11 nhấn mạnh việc ngăn ngừa và quản lý hợp lý về mặt môi trường (ESM) rác thải là chìa khóa cho thành công lâu dài trong công cuộc chống ô nhiễm biển, bao gồm các mảnh nhựa và vi nhựa trên biển. Nghị quyết yêu cầu thực hiện đánh giá hiệu quả của các chiến lược và cách tiếp cận quản trị quốc tế, khu vực và tiểu vùng có liên quan để kiểm soát rác thải nhựa và vi nhựa trên biển. 

UNEA III, 2017, phiên họp lần thứ ba của UNEA, thông qua Nghị quyết 3/7 về mảnh nhựa và vi nhựa trên biển, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại bỏ lâu dài các hoạt động thải rác và vi nhựa ra đại dương, tránh gây tổn hại đến hệ sinh thái biển và kêu gọi tất cả các bên đẩy mạnh các hành động để đến năm 2025, ngăn ngừa và giảm thiểu đáng kể tất cả các loại ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm từ các hoạt động trên đất liền, trong đó có rác thải hàng hải và việc nhiễm bẩn các nguồn nước do có quá nhiều chất dinh dường và khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên ưu tiên các chính sách và biện pháp để đạt được mục tiêu này.

Minh họa về vi nhựa trong chuỗi thức ăn
Minh họa về vi nhựa trong chuỗi thức ăn

CÁC BIỆN PHÁP CHÍNH SÁCH CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU

Cùng với nhiều nước và tổ chức quốc tế trên thế giới, Liên minh Châu Âu (EU) đã tham gia tích cực và đóng góp đáng kể vào các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải trên biển cũng như giảm thiểu các tác động của chúng. Dưới đây là một số chính sách, luật pháp và sáng kiến nhằm giảm thiểu rác thải trên biển của EU.

Bảng 2. Một số biện pháp chính sách của EU

Biện pháp

Thời gian

Khu vực quan tâm

Nhắm mục tiêu vào vi nhựa

a. Chiến lược Nhựa của EU

1/2018

Đất/nước/không khí

b. Các biện pháp để giải quyết vấn đề chất thải và vật chất khác/sản phẩm

Chỉ thị khung về rác thải

5/2018

Đất/nước/không khí

Không

Nhựa sử dụng 1 lần và ngư cụ

5/2018

Nước biển

Không

REACH

1/2018

Đất/nước

Chỉ thị về Bao bì và rác thải bao bì

5/2018

Đất/nước

Không

Bãi chôn lấp

3/2018

Đất/nước/không khí

Không

c. Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nước

Chỉ thị khung về nước

12/2000

Nước ngọt

Không

Chỉ thị khung về chiến lược biển

6/2018

Nước biển

Không

Các cơ sở tiếp nhận tại cảng

1/2018

Nước biển

Không


Nguồn: SAM (2018)

Chiến lược nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn của châu Âu 

Gói Kinh tế tuần hoàn được Ủy ban châu Âu thông qua vào năm 2015, nhằm mục đích kích thích Châu Âu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, trong đó các nguồn lực được sử dụng theo cách bền vững hơn. Các hành động được đề xuất trong đó giúp khép kín chu trình vòng đời sản phẩm, từ sản xuất và tiêu thụ đến quản lý rác thải và thị trường cho nguyên liệu thô thứ cấp, trong đó nhựa là 1 trong số 5 mục tiêu ưu tiên (cùng với chất thải thực phẩm, nguyên liệu thô quan trọng, xây dựng và phá vỡ và sinh khối và sản phẩm sinh học).

Chiến lược Nhựa được EU thông qua ngày 16/1/2018 là một phần quan trọng trong Gói Kinh tế tuần hoàn. Chiến lược bao gồm một loạt các biện pháp lập pháp và phi lập pháp, một số biện pháp mới và một số biện pháp đang được xây dựng hoặc đang trong quá trình xem xét/sửa đổi. Các biện pháp được chia thành bốn nhóm: Nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng của hoạt động tái chế nhựa; Hạn chế thải nhựa và xả rác; Thúc đẩy đầu tư và đổi mới theo hướng các giải pháp kinh tế tuần hoàn; và Huy động hành động toàn cầu (Bảng 3). Trong nhóm "hạn chế rác thải”, chiến lược đưa ra một cách tiếp cận rộng để giảm phát sinh vi nhựa. Ngoài các biện pháp được liệt kê trực tiếp nhắm vào vi nhựa, các biện pháp giảm lượng rác thải là các mảnh nhựa, từ đó tạo ra vi nhựa, cũng là một phần của nhóm giải pháp này. 

Bảng 3. Các biện pháp thực thi Chiến lược nhựa của EU

Nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng của hoạt động tái chế nhựa

Các hành động để cải thiện thiết kế sản phẩm:

- Sửa đổi Chỉ thị về bao bì và chất thải bao bì: Ủy ban bắt đầu làm việc về các quy tắc hài hòa mới để đảm bảo rằng vào năm 2030 tất cả các bao bì nhựa được đưa vào thị trường EU có thể được tái sử dụng hoặc tái chế theo cách hiệu quả về chi phí;

- Cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc của hóa chất và giải quyết vấn đề các chất di sản trong các dòng tái chế;

- Các biện pháp thiết kế sinh thái mới: xem xét các yêu cầu để hỗ trợ khả năng tái chế nhựa.

Các hành động thúc đẩy lượng nhựa được tái chế:

- Khởi động một chiến dịch cam kết trên toàn EU nhắm mục tiêu đến ngành công nghiệp và các cơ quan công quyền;

- Đánh giá các khuyến khích pháp lý hoặc kinh tế để thúc đẩy lượng nhựa được tái chế, bao gồm: sửa đổi Chỉ thị về Bao bì và chất thải bao bì; đánh giá/xem xét

- Quy định Sản phẩm xây dựng; và đánh giá/xem xét Chỉ thị về Xe hết niên hạn sử dụng;

- Liên quan đến vật liệu tiếp xúc với thực phẩm: hoàn thành nhanh chóng các thủ tục cấp phép đang chờ xử lý cho các quy trình tái chế nhựa, mô tả tốt hơn bản chất của các chất gây ô nhiễm và sử dụng hệ thống giám sát;

- Phát triển các tiêu chuẩn chất lượng cho chất thải nhựa đã phân loại và nhựa tái chế;

- Mua sắm công xanh và nhãn điện tử: khuyến khích hơn nữa việc sử dụng nhựa tái chế, bao gồm bằng cách phát triển các công cụ xác minh đầy đủ.

Các hành động để cải thiện việc thu gom riêng rác thải nhựa:

- Ban hành hướng dẫn mới về thu gom và phân loại rác thải riêng;

- Đảm bảo thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ hiện có về thu gom riêng, bao gồm cả việc liên tục rà soát Luật Chất thải.

Hạn chế rác thải nhựa và xả rác

Các hành động để giảm lượng nhựa sử dụng một lần:

- Nghiên cứu phân tích, bao gồm cả việc tham vấn cộng đồng, để xác định phạm vi của một sáng kiến lập pháp về nhựa sử dụng 1 lần.

Các hành động để giải quyết các nguồn rác phát sinh trên biển:

- Thông qua một đề xuất lập pháp về các cơ sở tiếp nhận xử lý rác thải từ tàu tại cảng biển;

- Phát triển các biện pháp để giảm thất thoát hoặc làm rơi ngư cụ trên biển, ví dụ bao gồm các mục tiêu tái chế, chương trình mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), quỹ tái chế hoặc chương trình đặt cọc - hoàn trả);

- Phát triển các biện pháp để hạn chế thất thoát nhựa trong nuôi trồng thủy sản.

Các hành động hiệu quả hơn để giám sát và hạn chế rác biển:

- Cải thiện việc giám sát và lập bản đồ rác biển, bao gồm cả vi nhựa, trên cơ sở các phương pháp hài hòa của EU;

- Hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện chương trình triển khai các biện pháp để hạn chế thải bỏ rác trên biển theo Chỉ thị khung Chiến lược biển, bao gồm cả kết hợp với các kế hoạch quản lý rác thải trong khuôn khổ Chỉ thị khung về Chất thải.

Các hành động đối với nhựa có thể ủ phân và phân hủy sinh học:

- Nghiên cứu để phát triển các quy tắc hài hòa về xác định và dán nhãn nhựa có thể ủ phân và phân hủy sinh học;

- Tiến hành đánh giá vòng đời để xác định những điều kiện sử dụng chúng có lợi và các tiêu chí cho việc sử dụng như vậy;

- Hạn chế sử dụng nhựa quang hóa thông qua Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế Hóa chất (REACH).

Các hành động để hạn chế ô nhiễm vi nhựa:

- Hạn chế việc bổ sung vi nhựa vào các sản phẩm thông qua REACH;

- Kiểm tra các lựa chọn chính sách để giảm thiểu việc phát sinh vi nhựa không chủ ý từ lốp xe, hàng dệt và sơn (ví dụ bao gồm các yêu cầu tối thiểu đối với thiết kế lốp xe như độ mài mòn, độ bền của lốp xe) và/hoặc qquy định về thông tin sản phẩm (bao gồm cả ghi nhãn nếu thích hợp), các phương pháp đánh giá phát sinh vi nhựa từ vải sợi và lốp xe, kết hợp với thông tin (bao gồm cả việc dán nhãn có thể)/yêu cầu tối thiểu, tài trợ NC&PT có mục tiêu);

- Phát triển các biện pháp để giảm rơi vãi hạt nhựa (ví dụ: chương trình chứng nhận dọc theo chuỗi cung ứng nhựa và/hoặc tài liệu tham khảo về Kỹ thuật hiện hành tốt nhất trong Chỉ thị về Phát thải công nghiệp);

- Đánh giá Chỉ thị Xử lý nước thải đô thị: đánh giá hiệu quả liên quan đến việc thu giữ và loại bỏ vi nhựa.

Thúc đẩy đầu tư và đổi mới theo hướng các giải pháp tuần hoàn

Các hành động để thúc đẩy đầu tư và đổi mới trong chuỗi giá trị:

- Hướng dẫn của Ủy ban về việc điều chỉnh phí EPR;

- Các khuyến nghị của Nền tảng Hỗ trợ tài chính cho kinh tế tuần hoàn;

- Kiểm tra tính khả thi của một quỹ đầu tư tư nhân tài trợ cho các khoản đầu tư vào những giải pháp sáng tạo và công nghệ mới nhằm giảm thiểu tác động môi trường của sản xuất nhựa nguyên sinh;

- Hỗ trợ tài chính trực tiếp cho cơ sở hạ tầng và đổi mới thông qua Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu và các công cụ tài trợ khác của EU;

- Tiếp tục thực hiện nghiên cứu về các tác động trong vòng đời của những nguyên liệu thay thế cho sản xuất nhựa;

- Xây dựng Chương trình đổi mới nghiên cứu chiến lược về nhựa để hướng dẫn các quyết định tài trợ trong tương lai.

Khai thác các hành đồng toàn cầu

- Các hành động tập trung vào các khu vực chính như Đông Á và Đông Nam Á để hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất bền vững,...;

- Hỗ trợ các sáng kiến đa phương về nhựa;

- Hợp tác song phương với các nước ngoài EU;

- Các hành động liên quan đến thương mại quốc tế, như: hỗ trợ phát triển các tiêu chuẩn công nghiệp quốc tế về phân loại và tái chế chất thải nhựa, phát triển chương trình chứng nhận cho các nhà máy tái chế,...


Nguồn: SAM (2018)

Cơ sở cho các biện pháp trên được dựa trên hai nghiên cứu. Nghiên cứu đầu tiên nhằm mục đích làm rõ các nguồn, con đường và các lựa chọn để giảm vi nhựa phát sinh từ các sản phẩm, chẳng hạn như vải sợi, lốp xe ô-tô và sân thể thao bằng cỏ tổng hợp trong suốt vòng đời của chúng, hoặc bởi các quá trình khác, chẳng hạn như thất thoát hạt nhựa trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Nghiên cứu thứ hai tập trung vào các ngành công nghiệp bổ sung vi nhựa có chủ đích vào sản phẩm (mỹ phẩm, chất làm sạch, sơn, v.v..), nhằm thực hiện đánh giá rủi ro đối với môi trường và sức khỏe con người, cũng như thu thập thông tin để phân tích tác động kinh tế xã hội của những hành động quản lý rủi ro liên quan đến việc sử dụng bị hạn chế.

Các biện pháp giải quyết rác thải và vật chất khác

Các biện pháp liên quan đến quản lý rác thải nhựa được đưa vào Chỉ thị khung về rác thải được sửa đổi gần đây và Chỉ thị về Bao bì và Rác thải bao bì. Để đạt được mục tiêu tái chế 65% rác thải đô thị và 55% rác thải bao bì nhựa vào năm 2030, EU cần tăng cường thu gom rác thải nhựa ngay từ năm 2020. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia thành viên cần cải thiện hệ thống thu gom của mình, các mục tiêu có thể đạt được mà không nhất thiết phải cải thiện việc ngăn ngừa rác thải. Các điều khoản ngăn ngừa rác thải trong Chỉ thị về Bao bì sửa đổi, được xây dựng theo hướng "khuyến khích” tái sử dụng bao bì, về bản chất khá mềm mại. Do đó, việc áp dụng và thực thi đầy đủ Luật Rác thải hiện hành sẽ không ngăn được tình trạng xả rác và rò rỉ nhựa ra môi trường.

Ngoài các chỉ thị khung, nhiều biện pháp khác dành riêng cho từng chất hoặc sản phẩm cụ thể liên quan đến ô nhiễm vi nhựa ở các giai đoạn khác nhau của vòng đời sản phẩm đã được triển khai, bao gồm:

Chỉ thị khung về rác thải

Chỉ thị Khung về rác thải sửa đổi được Hội đồng châu Âu thông qua ngày 22/5/2018 yêu cầu rác thải phải được quản lý để không gây nguy hại cho sức khỏe con người và rủi ro đối với môi trường nước, không khí, đất, thực vật hay sinh vật. Chỉ thị bao gồm các mục tiêu rộng về phòng ngừa và quản lý rác thải với nguyên tắc "người gây ô nhiễm trả tiền”, "trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất”. Chị thị yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng kế hoạch quản lý rác thải và chương trình ngăn ngừa rác thải đồng thời phối hợp các kế hoạch và biện pháp khác nhau này với các kế hoạch và biện pháp khác mà họ được yêu cầu thực hiện theo luật quốc tế và luật của EU. Chỉ thị sửa đổi đặt mục tiêu tăng cường tái chế rác thải gia đình lên mức tối thiểu 50% trọng lượng, bao gồm ít nhất những vật liệu phế thải như giấy, kim loại, nhựa và nhựa  thủy tinh.

Chỉ thị về nhựa sử dụng một lần và ngư cụ

Tháng 5/2018, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một đề xuất lập pháp nhằm tìm cách giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Đạo luật cuối cùng đã được ký vào ngày 5/6/2019. Các quốc gia thành viên có 2 năm (tức là đến ngày 3/7/2021) để chuyển chỉ thị mới thành luật quốc gia.

Tương tự như cách tiếp cận tại Chỉ thị về Túi nhựa đã được triển khai thành công, các biện pháp trong Chỉ thị về nhựa sử dụng một lần và ngư cụ bao gồm: 

- Giảm tiêu dùng: giảm tiêu dùng đáng kể việc sử dụng hộp đựng thức ăn và cốc đựng đồ uống; 

- Hạn chế đưa ra thị trường: cấm đưa ra thị trường sản phẩm nhựa sử dụng một lần như tăm bông; nĩa, dao thìa, đũa; đĩa; ống hút; dụng cụ khuấy nước; que cắm bóng bay; hộp đựng thực phẩm, hộp/cốc đượng đồ uống và các sản phẩm làm từ nhựa phân hủy quang hóa; 

- Yêu cầu về sản phẩm: các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, cụ thể là hộp/ chai đựng đồ uống, phải có nắp đậy làm bằng nhựa và chỉ được đưa ra thị trường nếu nắp vẫn được đậy trên hộp/chai trong giai đoạn sử dụng dự kiến của sản phẩm;

- Yêu cầu ghi nhãn: mỗi sản phẩm nhựa sử dụng một lần (băng vệ sinh; khăn ướt; thuốc lá đầu lọc, cốc đựng đồ ăn) được đưa ra thị trường phải có nhãn dễ thấy, rõ ràng và không thể tẩy xóa trên bao bì hoặc trên chính sản phẩm để thông báo cho người tiêu dùng: các phương án quản lý chất thải thích hợp đối với sản phẩm hoặc các biện pháp xử lý chất thải cần tránh đối với sản phẩm, phù hợp với hệ thống phân cấp chất thải; và sự hiện diện của nhựa trong sản phẩm và hậu quả là tác động tiêu cực của việc thải bỏ hoặc các phương tiện thải bỏ sản phẩm không phù hợp khác đối với môi trường; 

- Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: đối với nhựa sử dụng một lần, các nhà sản xuất hộp đựng thực phẩm; bao bì và giấy gói thực phẩm; hộp/cốc đựng đồ uống và túi nhựa nhẹ bằng nhựa sử dụng một lần phải trang trải các chi phí nâng cao nhận thức; chi phí thu gom chất thải đối với các sản phẩm được loại bỏ trong hệ thống thu gom công cộng;  chi phí dọn dẹp rác thải của các sản phẩm trên, chi phí vận chuyển và xử lí sau đó. Đối với ngư cụ, các nhà sản xuất ngư cụ có nhựa phải trang trải chi phí thu gom riêng các ngư cụ chứa nhựa khi được giao đến các thiết bị tiếp nhận tại cảng và chi phí vận chuyển và xử lý tiếp theo cũng như chi phí về nâng cao nhận thức 

- Thu gom riêng: các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thu gom 77% chai nhựa đựng đồ uống sử dụng một lần vào năm 2025 và 90% chai nhựa đựng đồ uống sử dụng một lần vào năm 2029; 

Các biện pháp nâng cao nhận thức: yêu cầu các quốc gia thành viên nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về các hệ thống tái sử dụng sẵn có và các lựa chọn quản lý chất thải cũng như về những tác động tiêu cực của việc thải bỏ không phù hợp. Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Theo đó, đối với nhựa sử dụng một lần, các nhà sản xuất hộp đựng thực phẩm; bao gói và giấy gói thực phẩm; hộp/cốc đựng đồ uống và túi nhựa nhẹ bằng nhựa sử dụng một lần phải trang trải các chi phí nâng cao nhận thức; chi phí thu gom chất thải đối với các sản phẩm được loại bỏ trong hệ thống thu gom công cộng;  chi phí dọn dẹp rác thải của các sản phẩm trên, chi phí vận chuyển và xử lý sau đó. Đối với ngư cụ, các nhà sản xuất ngư cụ có nhựa phải trang trải chi phí thu gom riêng các ngư cụ chứa nhựa khi được giao đến các cơ sở tiếp nhận tại cảng và chi phí vận chuyển và xử lý tiếp theo cũng như chi phí về nâng cao nhận thức.

Chỉ thị đặt mục tiêu thu gom 77% chai nhựa đựng đồ uống sử dụng một lần vào năm 2025 và 90% chai nhựa đựng đồ uống sử dụng một lần vào năm 2029.

Quy định về hóa chất và vi nhựa

Quy định về Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế sử dụng các loại hóa chất (REACH) của Châu Âu được thông qua vào năm 2006 quy định việc sản xuất và sử dụng hóa chất với mục đích chính là đảm bảo mức độ bảo vệ cao đối với sức khỏe con người và môi trường. REACH cũng được xây dựng để thúc đẩy các giải pháp thay thế cho việc thử nghiệm trên động vật cũng như việc lưu hành tự do hóa chất trong thị trường EU, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo. Theo REACH, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và người sử dụng hạ nguồn phải đăng ký hóa chất của họ và chịu trách nhiệm về việc sử dụng chúng an toàn. Các chất đã chọn được đánh giá và các hạn chế có thể được áp dụng để giải quyết những rủi ro không được chấp nhận. Về vi nhựa, REACH đề cập đến các monome và phụ gia nhựa. Tuy nhiên, các chất polyme như vậy được miễn đăng ký và đánh giá trừ khi hàm lượng của monome (không phản ứng) vượt quá giới hạn nhất định hoặc chứa một số chất phụ gia cần đăng ký và đánh giá. 

Bao bì và rác thải bao bì

Chỉ thị về bao bì và rác thải bao bì năm 1994 và được sửa đổi vào năm 2018. Chỉ thị đưa ra các biện pháp nhằm mục đích ngăn chặn việc phát sinh chất thải bao bì, tái sử dụng, tái chế và các hình thức thu hồi bao bì khác và do đó giảm xử lý cuối cùng để góp phần chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn. Các biện pháp tái sử dụng có thể bao gồm: sử dụng các chương trình đặt cọc hoàn trả; thiết lập các mục tiêu định tính hoặc định lượng; sử dụng các biện pháp khuyến khích kinh tế; thiết lập tỷ lệ phần trăm bao bì có thể tái sử dụng được đưa ra thị trường hằng năm cho mỗi dòng bao bì. Chỉ thị đặt mục tiêu đến năm 2030, tái chế 55% rác thải bao bì là nhựa, cấm chôn lấp rác thải được thu gom riêng và đưa ra nghĩa vụ về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và các yêu cầu tối thiểu đối với các chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. 

Bãi chôn lấp

Chất thải chôn lấp phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt của Chỉ thị về Chôn lấp chất thải nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực của bãi chôn lấp đối với nước ngầm, nước mặt và sức khỏe con người. Chỉ thị xác định các bãi chôn lấp cho (1) rác thải nguy hại, (2) rác thải không nguy hại và (3) rác thải trơ. Theo Chỉ thị, không có giới hạn nào đối với lượng chất thải nhựa có thể được chôn lấp mặc dù một số quốc gia thành viên đã đưa ra các giới hạn riêng của họ. Việc bảo vệ đất, nước ven biển và nước ngọt gần đó cũng phải được tính đến khi quyết định vị trí và thực hiện/thiết kế bãi chôn lấp. Các quốc gia thành viên được yêu cầu giảm đáng kể việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp và đảm bảo rằng, kể từ năm 2030, rác thải thích hợp cho tái chế, đặc biệt là rác thải đô thị, sẽ không bị chôn lấp. Ngoài ra, các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng đến năm 2035, không quá 10% rác thải đô thị được xử lý bằng cách chôn lấp.

Ước tính mỗi năm lượng rác thải nhựa phát sinh khoảng 12 triệu tấn
Ước tính mỗi năm lượng rác thải nhựa phát sinh khoảng 12 triệu tấn

Các biện pháp giảm ô nhiễm nước

Các đạo luật quan trọng nhất liên quan đến nước là Chỉ thị khung về Nước (WFD) và Chỉ thị khung về Chiến lược biển (MSFD). Hai chỉ thị này thiết lập tương ứng các khuôn khổ pháp lý để bảo vệ môi trường nước ngọt và môi trường biển của Châu Âu. 

Chỉ thị khung về nước (WFD)
 
WFD có hiệu lực vào tháng 12/2000 và không bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp chống xả rác ở các vùng nước mặt, nhưng nếu có thì họ phải báo cáo việc này. Vi nhựa không được đề cập rõ ràng trong WFD tuy nhiên rác thải nhựa đã được WFD gián tiếp đề cập vì rác - bao gồm cả vi nhựa - có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước, nên nó liên quan đến việc xác định tình trạng sinh thái tốt của các hệ thống nước ngọt.

Chỉ thị khung Chiến lược biển (MSFD) 

MSFD được ban hành ngày 17/6/ 2008 là công cụ pháp lý duy nhất của EU giải quyết vấn đề rác thải trên biển một cách rõ ràng và trực tiếp. Chỉ thị yêu cầu các quốc gia thành viên đạt được Tình trạng môi trường tốt (GES) vào năm 2020 trên cơ sở 11 bộ mô tả (Hộp 1). Trong khuôn khổ MSFD, các quốc gia thành viên đã áp dụng các biện pháp để giải quyết rác thải trên biển, tuy nhiên, các chương trình không thể tính toán được sẽ giảm bao nhiêu rác thải trên biển. Các biện pháp phổ biến nhất được báo cáo là dọn dẹp bãi biển và "đánh bắt để lấy rác” - tức là các biện pháp hạ nguồn tốn kém, trong khi các chương trình triển khai biện pháp quản lý và ngăn chặn rác thải thượng nguồn hiệu quả hơn đó là giúp nâng cao nhận thức nhưng chỉ có tác động khiêm tốn. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi các biện pháp như vậy cuối cùng có thể dẫn đến sự hài hòa ở cấp độ EU, chuyển trọng tâm sang các biện pháp thượng nguồn. 

Hộp 1. Tình trạng môi trường tốt

Tình trạng môi trường tốt (GES) là tình trạng môi trường của các vùng nước biển nơi cung cấp cho các đại dương và biển năng động, đa dạng về mặt sinh thái, sạch sẽ, lành mạnh và hiệu quả trong điều kiện nội tại của chúng, và việc sử dụng môi trường biển ở mức độ bền vững, do đó bảo vệ tiềm năng sử dụng và hoạt động của các thế hệ hiện tại và tương lai. 11 bộ mô tả định tính để xác định GES gồm:

(1) Đa dạng sinh học được duy trì;
(2) Các loài phi bản địa do con người đưa vào có mức độ không làm thay đổi bất lợi cho hệ sinh thái;
(3) Quần thể của tất cả các loài cá và sinh vật có vỏ được khai thác thương mại đều nằm trong giới hạn sinh học an toàn;
(4) Các yếu tố của lưới thức ăn đảm bảo sự phong phú và sinh sản lâu dài;
(5) Giảm thiểu hiện tượng phú dưỡng do con người gây ra;
(6) Tính toàn vẹn của đáy biển ở mức đảm bảo rằng cấu trúc và chức năng của các hệ sinh thái được bảo vệ;
(7) Sự thay đổi vĩnh viễn của điều kiện thủy văn không ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái biển;
(8) Nồng độ chất gây ô nhiễm không làm phát sinh các tác động ô nhiễm;
(9) Chất gây ô nhiễm trong các loài cá và hải sản khác không vượt quá mức quy định;
(10) Các đặc tính và số lượng của rác biển không gây nguy hại cho môi trường biển và ven biển;
(11) Việc sử dụng năng lượng (kể cả tiếng ồn dưới nước) không ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái.

Nguồn: Marine Strategy Framework Directive

Thiết bị tiếp nhận tại cảng

Chỉ thị 2000/59 /EC về các cơ sở tiếp nhận rác thải do tàu tạo ra tại cảng và chất cặn hàng rời rắn (Chỉ thị PRF) nhằm mục đích giảm thiểu việc xả rác thải từ tàu trên biển, bao gồm tàu đánh cá và tàu giải trí. Chỉ thị yêu cầu các quốc gia thành viên phải cung cấp đầy đủ các cơ sở tiếp nhận tại cảng và các tàu phải chuyển rác thải đến những thiết bị này trước khi rời cảng. Chỉ thị cũng yêu cầu các quốc gia thành viên thiết lập hệ thống phục hồi chi phí để đảm bảo không có động cơ nào để các tàu xả rác thải trên biển. Năm 2018, Ủy ban châu Âu đã thông qua đề xuất Chỉ thị PRF mới nhằm tìm kiếm sự phù hợp hơn nữa với Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu với trọng tâm đặc biệt là giải quyết vấn đề rác biển từ các nguồn trên biển. Thông qua việc kết hợp các biện pháp khuyến khích và thực thi, Chỉ thị được đề xuất sẽ giúp tối đa hóa việc vận chuyển rác từ tàu đến các cơ sở tiếp nhận rác tại cảng. Phí đưa rác vào bờ, bao gồm cả rác thu được trong quá trình đánh bắt, sẽ không phụ thuộc vào số lượng. Đề xuất sẽ cải thiện sự đầy đủ của các cơ sở tiếp nhận tại cảng, đặc biệt là hoạt động của các thiết bị này phải tuân theo luật rác thải của EU, bao gồm nghĩa vụ thu gom riêng rác thải từ tàu.

Xử lý nước thải đô thị

Cũng như rác thải rắn, một lượng đáng kể nhựa được đưa vào hệ thống nước thải đô thị. Để bảo vệ môi trường khỏi những tác động tiêu cực của việc xả nước thải đô thị và xả thải từ một số lĩnh vực công nghiệp, Chỉ thị Xử lý nước thải đô thị Châu Âu (UWWTD) được thông qua vào năm 1991.  Chỉ thị này liên quan đến việc thu gom, xử lý và xả nước thải nước sinh hoạt hoặc hỗn hợp nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp nhất định và/hoặc nước mưa. Trong khi UWWTD đã cải thiện chất lượng xả thải qua nhiều năm, Chỉ thị không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào khi nói đến lượng nhựa trong nước thải. Có những trường hợp nhựa và rác thải khác xâm nhập vào môi trường qua mạng lưới thoát nước thải, ví dụ như qua tràn cống kết hợp (CSO). Vi nhựa hoặc không được thu giữ hoàn toàn (khả năng chỉ giữ được từ 50-80%) trong các nhà máy xử lý hoặc tích tụ trong bùn - một phần trong số đó được tái sử dụng trong nông nghiệp với nguy cơ rõ ràng là thải vi nhựa trở lại môi trường. Về vấn đề này, không có yêu cầu giám sát đối với vi nhựa và không có kết quả so sánh cho các loại phương tiện hoặc phương pháp xử lý khác nhau, cũng không có phương pháp nào được biết đến để loại bỏ vi nhựa khỏi bùn.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP HƯỚNG ĐẾN NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN

Rác thải không còn gọi là rác thải nữa mà được gọi là nguyên liệu đầu vào cho một ngành sản xuất mới. Các chuyên gia đã đưa ra bảng giải pháp cụ thể xử lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Thúc đẩy các lợi ích kinh tế xã hội của việc thiết lập các chính sách ngăn chặn rác thải trên biển bằng các giải pháp cụ thể sau:

Thừa nhận và thúc đẩy các lợi ích kinh tế - xã hội của các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu xả rác trong việc tạo việc làm bao gồm khu vực phi chính thức, phát triển du lịch, nghề cá bền vững, quản lý chất thải và nước thải, đa dạng sinh học và các lĩnh vực khác; Xác định các biện pháp chính sách trên cơ sở đánh giá rủi ro và tác động (bao gồm chi phí và lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường); Tạo điều kiện thuận lợi cho giao tiếp và hợp tác giữa các thành phố và khu vực bị ảnh hưởng cũng như với các bên liên quan khác; Thúc đẩy quan hệ đối tác với các bên liên quan thuộc các lĩnh vực kinh tế như du lịch, thủy sản, lĩnh vực vận tải biển và tàu biển, quản lý chất thải, nước thải và bến cảng, cũng như các ngành công nghiệp nhựa và hàng tiêu dùng; Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật có trình độ cao để theo dõi, đánh giá và giảm thiểu tác động của rác thải trên biển (ví dụ: các trung tâm điều trị cho động vật bị thương như rùa, v.v..).

Thúc đẩy ngăn ngừa lãng phí và sử dụng tài nguyên hiệu quả:

Sử dụng hệ thống phân cấp chất thải và cách tiếp cận ‘3R’ (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế), theo đó ngăn ngừa chất thải nên là lựa chọn đầu tiên, tiếp theo là tái sử dụng và tái chế; Thúc đẩy các cơ chế thu hút sự tham gia của các nhà sản xuất, nhập khẩu và bán lẻ trong việc thiết lập các chuỗi giá trị sản phẩm hiệu quả về tài nguyên từ thiết kế đến xử lý cuối đời và tài trợ cho việc thu gom và xử lý chất thải; Giảm đáng kể việc sử dụng vi hạt và túi nhựa sử dụng một lần và loại bỏ chúng khi thích hợp; Thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguồn, ví dụ: Quản lý vật liệu bền vững, bằng cách chú ý đến đổi mới sản phẩm, thiết kế sản phẩm và hành vi của người tiêu dùng; Giảm đáng kể sự thất thoát của hạt nhựa trong quá trình sản xuất và vận chuyển.

Thúc đẩy quản lý rác thải bền vững:

Hỗ trợ quản lý tổng hợp chất thải bền vững bao gồm cơ sở hạ tầng (thu gom và xử lý); Thúc đẩy khả năng tiếp cận với các dịch vụ thu gom chất thải thường xuyên và tạo điều kiện đầu tư vào cơ sở hạ tầng quản lý chất thải nhằm ngăn chặn chất thải rò rỉ ra biển; Hỗ trợ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác khác, để phát triển năng lực và đầu tư cơ sở hạ tầng để cải thiện hệ thống quản lý chất thải ở các vùng ven biển, thành thị và nông thôn; Thiết lập các cơ sở tiếp nhận tại các cảng và huyến khích các cơ sở này áp dụng chi phí hợp lý hoặc khi áp dụng hệ thống không thu phí đặc biệt đối với chất thải phát sinh từ biển; Thúc đẩy các khuôn khổ quy định về quản lý chất thải lành mạnh với môi trường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện ở cấp địa phương; Đảm bảo tài trợ chéo cho các hoạt động quản lý chất thải (ví dụ: thông qua các biện pháp khuyến khích kinh tế, phí, lệ phí, đặt cọc hoặc thuế); Vượt qua các rào cản đối với việc tài trợ quản lý chất thải, ví dụ: bằng cách giảm rủi ro đầu tư cơ sở hạ tầng quản lý chất thải tư nhân.

Thúc đẩy xử lý nước thải hiệu quả và quản lý nước mưa:

Xem xét cung cấp và mở rộng phạm vi xử lý nước thải; Tạo điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý nước thải để chống thất thoát chất thải ra biển; Thúc đẩy các công nghệ sẵn có để tránh chất thải rắn lớn đi vào sông và đại dương.

Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục và nghiên cứu:

Đẩy mạnh các chiến dịch thông tin công khai cho người dân và doanh nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải, tái sử dụng và tạo điều kiện cho họ tham gia vào hệ thống thu gom chất thải và tránh xả rác; Hỗ trợ nghiên cứu và phối hợp giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế để xác định và xử lý các nguồn chất thải biển, các khu vực tập trung rác thải biển (quốc gia, khu vực, địa phương) bằng các phương pháp hợp lý về môi trường; Hỗ trợ nghiên cứu thực trạng phát sinh, đánh giá tác động của ô nhiễm vi nhựa đến hệ sinh thái và sức khỏe con người; Thúc đẩy chia sẻ kiến thức, ví dụ: bằng cách trao đổi chuyên gia, do đó tăng cường năng lực thể chế và con người; Bao gồm các khía cạnh khoa học và kỹ thuật trong các cân nhắc liên quan đến các biện pháp, ngoài ra bằng cách thúc đẩy và hỗ trợ các nỗ lực liên quan đến hài hòa giám sát rác biển toàn cầu, cũng như bằng cách tiêu chuẩn hóa các phương pháp, dữ liệu và đánh giá.

Hỗ trợ hành động loại bỏ và khắc phục:

Hỗ trợ nghiên cứu và phối hợp để xác định các hành động loại bỏ và khắc phục hậu quả môi trường; Xây dựng hướng dẫn, bộ công cụ và hỗ trợ việc thực thi chúng; Đẩy mạnh các hoạt động dọn rác biển một cách có kế hoạch và thường xuyên.

Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan:

Tiếp tục trao đổi về rác biển giữa các đối tác cũng như với các bên thứ ba; Đóng góp vào việc thực hiện các kế hoạch khu vực hiện có để giải quyết rác thải trên biển và phát triển các kế hoạch mới; Tiếp tục thu hút sự tham gia của các bên liên quan (cụ thể là chính quyền địa phương, tổ chức xã hội dân sự, ngành công nghiệp, tổ chức tài chính và các chuyên gia khoa học); Khuyến khích và hỗ trợ hợp tác công - tư (PPP) khi có liên quan; Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc giảm thiểu rác thải trên biển và phát triển các giải pháp quản lý tổng hợp chất thải và xử lý nước thải; Thúc đẩy chia sẻ kiến thức, ví dụ: bằng cách trao đổi chuyên gia, do đó tăng cường năng lực thể chế và con người; Khai thác sự tham gia của doanh nghiệp hiện có để thúc đẩy đối thoại về những đóng góp của ngành công nghiệp trong việc giải quyết rác thải; Truyền đạt kết quả, tác dụng, thành tựu của các biện pháp, hoạt động và dự án giải quyết vấn đề xả rác trên biển; Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan có trách nhiệm về nước ngọt và nước biển.

CHUYÊN TRANG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG
-------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jiajia Wang (2018), A critical review on the sources and instruments of marine microplastics and prospects on the relevant management in China, Waste Management & Research 2018, Vol. 36(10) 898-911 

2. SAM (2018). ‘Microplastic Pollution: The Policy Context - Background Paper’, The Scientific Advice Mechanism Unit of the European Commission, 68 p. web version 



Tags vi nhựa luật pháp hiệp định quốc tế ô nhiễm môi trường rác thải nhựa ô nhiễm môi trường biển Liên minh Châu Âu Kinh tế tuần hoàn

Các tin khác

Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.

Các mục tiêu phát triển thường xung đột với nỗ lực giảm thiểu rủi ro lũ lụt. Rủi ro lũ lụt không thể bị loại bỏ hoàn toàn, vì vậy, chính quyền và người dân phải xác định mức độ rủi ro lũ lụt có thể chấp nhận được. Một môi trường thể chế thuận lợi là điều cần thiết để phát triển một vùng đất có rủi ro lũ lụt.

Sự xuất hiện của công nghệ vệ tinh là cuộc cách mạng hóa việc giám sát môi trường, mang đến một cái nhìn toàn cảnh chưa từng có về các hệ sinh thái trên hành tinh của chúng ta.

Trận động đất cường độ mạnh 7,2 độ richter gây sụp đổ nhiều tòa nhà nhưng thiệt hại về người được giảm tối thiểu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục