Thực hiện nếp sống văn minh trong bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/6/2022 | 4:47:34 PM

Những năm qua, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn TP Hà Nội được các cấp, ngành và toàn dân chung tay thực hiện đem lại những kết quả đáng ghi nhận.


Công nhân môi trường đô thị Hà Nội dọn vệ sinh tại khu vực tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. 

Với xấp xỉ 8 triệu dân, Hà Nội là đô thị lớn thứ hai cả nước, chính vì vậy lượng rác thải nói chung (rác thải sinh hoạt, rác thải rắn, rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp, rác thải độc hại…) thải ra môi trường ngày càng lớn với số lượng ngày càng tăng.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, số rác thải sinh hoạt của người dân thành phố Hà Nội trung bình khoảng hơn 6.000 tấn/ngày. Lượng rác thải xả ra mỗi ngày lớn như vậy, thế nhưng hiện Hà Nội chỉ có hai bãi xử lý rác chính là bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây, Ba Vì) và cả hai bãi rác này đều đang bị quá tải khi số lượng rác thải tăng lên quá nhanh. Bên cạnh vấn đề về các khu xử lý rác thải, ý thức người dân cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng mất vệ sinh môi trường.

Điều đáng nói ở đây là hành động ấy lại đang diễn ra ở tất cả các lứa tuổi, thậm chí của cả những người là công chức nhà nước, học sinh, sinh viên. Hằng năm, chúng ta vẫn phải chứng kiến những lễ hội mở đầu với sắc màu rực rỡ, nhưng những gì còn lại sau ngày hội lung linh là khung cảnh tan hoang, nhếch nhác bởi rác do chính người đi dự lễ hội xả ra một cách bừa bãi. Sau mỗi lễ hội đi qua là ngổn ngang rác thải, là mồ hôi và thậm chí là cả nước mắt nhọc nhằn của những người lao công khi phải "tiếp nhận” hàng núi rác thải trên đường.

Chị Thu Hằng, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, vào mỗi mỗi dịp lễ lớn (30/4, 1/5, 2/9, Nô-en, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán), mặc dù Công ty huy động gấp hai lần số công nhân so với ngày thường, nhưng vẫn không dọn xuể lượng rác người dân xả ra. Cách 100m đơn vị bố trí một thùng rác, nhưng rác chưa đầy thùng, mà túi giấy, ni-lông, đồ ăn thừa vẫn rơi khắp thềm tòa nhà Bưu điện Hà Nội, phố Đinh Tiên Hoàng, gốc cây quanh Hồ Gươm.

Trước thực trạng này, mặc dù Hà Nội đang nỗ lực chấn chỉnh những hành vi "lệch chuẩn” văn hóa nơi công cộng bằng cách ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất trong công tác triển khai là còn thiếu chế tài xử phạt, khiến không ít người dân chưa thật sự nghiêm túc chấp hành quy tắc.

Liên quan vấn đề thực hiện nếp sống văn minh trong bảo vệ môi trường, vừa qua Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố và phục vụ SEA Games 31 Việt Nam 2021, Hà Nội tổ chức đợt phát động cao điểm với chủ đề "Vì một Hà Nội sáng, xanh, sạch, đẹp” tuyên truyền đề cao vai trò, ý thức của mỗi người dân trong việc tham gia phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường làm sạch nhà, sạch phố, sạch các nơi công cộng và làm đẹp Thủ đô.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố; các quận, huyện, thị xã tổ chức phát động đợt cao điểm về vệ sinh môi trường trên toàn thành phố, với chủ đề "Vì một Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp”; quy mô, phạm vi bảo đảm đến từng thôn, tổ dân phố, từng hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh thương mại…

Phát động phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông. Đẩy mạnh việc chỉnh trang đô thị với phương châm "Trật tự, kỷ cương, an toàn, sáng, xanh, sạch, đẹp”. Trong đó, đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, các thôn, làng, tổ dân phố, trong mỗi gia đình và mọi người dân. Xây dựng văn hóa người Hà Nội bằng những việc làm cụ thể, như: "Nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”…

Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, không vứt rác ra đường, không lấn chiếm vỉa hè... phấn đấu mỗi công dân sống trên địa bàn Thủ đô đều là những công dân văn minh, thanh lịch; mỗi thôn, làng, tổ dân phố đều bảo đảm vệ sinh môi trường với tiêu chí "sáng, xanh, sạch, đẹp”. Các đơn vị vệ sinh môi trường có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình, duy trì bảo đảm vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, tuyến phố, khu dân cư; thu dọn, vận chuyển kịp thời, không để rác thải tồn đọng trong ngày, vệ sinh các thùng rác công cộng, các xe gom rác bảo đảm mỹ quan đô thị…

Hà Nội là một trong 12 địa phương được lựa chọn đăng cai và tổ chức 28 trên tổng số 40 bộ môn thi đấu. Thông qua việc tổ chức các môn thi đấu của SEA Games 31 trên địa bàn, thành phố cũng mong muốn tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, đặc biệt về công tác môi trường, trang hoàng đường phố với tiêu chí xanh - sạch - đẹp, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện đối với du khách trong nước và quốc tế.

Do vậy, để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, cùng với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cùng vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới mọi tầng lớp nhân dân; chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô.

Quang Minh/Báo Nhân dân


Tags bảo vệ môi trường nếp sống văn minh vệ sinh môi trường

Các tin khác

Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.

Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.

30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Ở Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, chị Lê Thị Mai trú tại phố 2, P.Đông Cương, TP Thanh Hóa được biết đến là nữ công nhân có hoàn cảnh quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó con trai thứ 2 bị bệnh bại não.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục