Kỷ vật thời giãn cách

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/10/2021 | 8:25:38 AM

QLMT - Từ khi có dây chăng chung quanh hồ trong đợt giãn cách lần thứ tư này không thấy ai đi trên vỉa hè nữa. Dây chăng đã trở thành “nhân chứng” lịch sử đợt giãn cách này.

Khoảng năm 2017, trong một lần đến Bảo tàng Dân tộc học trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội) làm việc, tôi được đồng chí Giám đốc, PGS.TS Võ Quang Trọng dẫn đi thăm quan khu trưng bày hiện vật văn hóa vùng Đông Nam Á trong tòa nhà Cánh diều. Ông đã đi nhiều nước, đến nhiều nơi trong khu vực để sưu tầm hiện vật. Quan điểm của ông là không chỉ  sưu tầm những hiện vật được ngành văn hóa nước bạn lưu giữ trong kho bảo tàng mà cả những hiện vật người dân bản địa đang dùng. 

PGS.TS Võ Quang Trọng kể:Trong một lần đi sưu tập hiện vật, đến một ngôi chùa của Căm – pu – chia thấy các nhà sư đang dùng một bộ trống trong buổi lễ, tôi đã đề nghị ngành văn hóa nước bạn cho mua bộ trống đó để về trưng bầy tại bảo tàng. Được sự đồng ý của nhà sư trụ trì ngôi chùa đó và ngành văn hóa nước bạn, bộ trống đó đã có mặt tại khu trưng bầy này.

Thống nhất quan điểm đó của PGS. TS Võ Quang Trọng, tôi cho rằng đối với người chụp ảnh: Sau mỗi cú bấm máy bức ảnh đã trở thành quá khứ. Đó là lý do tôi làm tư liệu, sưu tầm hiện vật về hồ Hoàn Kiếm ngay trong thời hiện tại để mang về cho ngay vào "bảo tàng” riêng của mình. Những hiện vật đang còn "nóng hổi” tính thời sự, đang phủ trên mình lớp bụi của thời hiện tại khi cho vào tủ kính trưng bày, nó đã trở thành quá khứ, đại diện cho sự kiện tiêu biểu vừa mới xảy ra. 


Sắp hết đợt giãn cách lần thứ tư, tôi đang băn khoăn không biết kiếm hiện vật gì bên hồ để chứng minh nó là "nhân chứng” lịch sử thời gian này? Trong đợt đầu phòng chống Covid – 19 lần thứ nhất tôi  xin được bức tranh cổ động dán trên tường rào công trường đang tu bổ Đình Nam Hương phố Hàng Trống. Thời điểm đó Hà Nội chú ý công tác truyền thông cộng đồng, đi đâu cũng thấy tranh cổ động phòng chống Covitd – 19 được dán trên tường, bản tin, thành xe ô – tô đi trên phố. Đợt giãn cách này là dây chăng. Đi đến đoạn phố nào thấy có dây chăng thì biết bên trong là khu vực cách ly y tế, có người mắc F0. Đến chợ, siêu thị trước cửa hàng, quầy hàng có dây chăng thì người mua phải đứng bên ngoài. Người mua, người bán cách nhau bằng chiếc dây mỏng đó. Đến cửa hiệu thuốc gần phố Đặng Dung người mua không vào cửa hàng mà phải đừng bên ngoài dây chăng. Người bán cho thuốc vào một cái giỏ, cái giỏ đó được buộc vào đầu một cái sào dài khoảng 2m, đủ để đưa thuốc đúng vào vị trí người mua. Người bán nhận lại tiền khi khách hàng bỏ tiền vào chiếc giỏ nhựa đó.  


Thật vui, đúng ngày kết thúc đợt giãn cách lần thứ tư (28 – 9 - 2021) anh Hùng ở Đội An ninh trật tự hồ Hoàn Kiếm, gọi điện: "Em sưu tầm cho anh một đoạn dây dùng để chăng chung quanh hồ những ngày giãn cách, nay dỡ bỏ. Anh ra ngay nhé”. Sau vài phút tôi có mặt và được tặng hộp đựng một đoạn dây dùng để cuốn chung quanh hồ. Không biết ai nghĩ ra cách cuốn dây chung quanh 1,7km vòng hồ. Thật hiệu quả, chỉ cần đường dây mảnh mai đó mọi người biết là danh giới không được đi bộ trên vỉa hè. Các lần trước đội viên đội an ninh trật tự Hồ Gươm rất vất vả, anh em phải dàn người ra đứng chung quanh hồ từ sáng đến tối, thổi còi khô cả miệng mà vẫn  không ngăn được dòng  người đi bộ, đi tập thể dục trên vỉa hè. Chỗ nào có đội viên đứng, thổi còi nhắc nhở  thì mọi người đi bộ dưới lòng đường, đi một đoạn lại "trèo” lên vỉa hè. Từ khi có dây chăng chung quanh hồ trong đợt giãn cách lần thứ tư này không thấy ai đi trên vỉa hè nữa. Dây chăng đã trở thành "nhân chứng” lịch sử đợt giãn cách này. Từ nay chỉ cần nhìn thấy bức ảnh nào chụp Hồ Gươm mà có dây chăng ta có thể khẳng định ngay đó là thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách phòng chống Covid -19 lần thứ tư.


Và trong bảo tàng của tôi, từ nay có thêm một hiện vật mới: dây chăng chung quanh hồ thời Hà Nội thực hiện đợt giãn cách lần thứ tư.    


Tags giãn cách covid-19 giãn cách xã hội

Các tin khác

Sáng 19/9, Hội Chữ thập đỏ cùng Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã thăm và tặng 200 suất quà cho công nhân lao động của Công ty CP Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang.

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội đã đến thăm hỏi, động viên các nữ công nhân môi trường đô thị đang vất vả thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các phường trên địa bàn Hà Nội.

“Mấy ngày này đi làm cũng sốt ruột ở nhà lắm. Thỉnh thoảng lại gọi điện về cho 2 con ở nhà dặn nếu nước vào nhà thì trèo lên tầng 2. Cũng chỉ có thể làm được như thế vì ở đây việc dọn dẹp cây đổ sau bão số 3 vẫn bộn bề...” - chị Ninh Thị Loan - tổ trưởng tổ thu gom rác thuộc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm chia sẻ.

Chị Hiếu là nhân viên của Công ty TNHH Nga Hải, chịu trách nhiệm thu gom rác tại phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Chị là một trong những công nhân môi trường kỳ cựu của thành phố Cao Bằng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục