Bao giờ mình mới bằng người ta?

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/10/2021 | 9:10:10 AM

QLMT - Ngày 16 - 9 – 2021, trên đường đi trực ở cơ quan tình cờ tôi nhìn thấy ba xác chuột chết trên đường Đê La Thành, phố Nguyễn Tri Phương, ngã tư Cửa Nam. Buổi trưa đi lại trên con đường này, xác những con chuột đã bị xe cán bẹp dí mỏng như tờ giấy. Những vi khuẩn gây bệnh mà những con chuột đó mang trên mình được phát tán đi nhiều nơi thông qua những hạt bụi nhỏ li ti.


Xác chuột trên trên đường Đê La Thành

Lục phủ ngũ tạng của con chuột bị vứt ra đường, sau khi bị xe cán mỏng đó đã được chuyển đi các nơi khi dắt vào lốp xe máy, xe ô- tô, bụi đường,  đồng nghĩa với  việc con người, nhất là trẻ em khi hít phải đám bụi nhỏ li ti, vi khuẩn trong đó  sẽ bám vào thành mũi, gặp môi trường có độ ẩm cao sẽ sinh sôi và lây lan, truyền bệnh vào cơ thể con người.


Xác chuột chết trên phố Hoàng Diệu


Xác chuột chết tại ngã tư Cửa Nam

Chắc nhiều người cũng cùng nhận xét như tôi: Không phải lần đầu nhìn thấy xác chuột chết trên đường. Tìm hiểu nguyên nhân chúng tôi được biết có hai tình huống chủ yếu có xác chuột trên đường: Chuột chạy qua đường bị xe cán và trường hợp một số ít người dân thiếu ý thức vứt xác chuột ra đường sau khi đánh bả. Chị Nguyễn Thị Bích Tổ trưởng tổ Môi trường phường Mỹ Đình 2 (Công ty TNHH MTV Môi trường và đô thị Hà Nội chi Chi nhánh Cầu Diễn – URENCO 7) cho tôi biết thêm một nguyên nhân khác mà chị trực tiếp nhìn thấy. Đó là trường hợp một người dắt chó đi dạo. Con chó đó đã bắt được một con chuột rồi vờn, cắn chết, để xác chuột lại trên đường, rồi chạy theo chủ. Tôi góp ý với người đó sao không nhặt xác con chuột cho vào thùng rác? Người đó nói, chó nhà tôi cắn chết chuột chứ có phải tôi đánh bả đâu mà phải dọn, thế rồi người đó dắt chó về nhà. Chẳng còn cách nào khác, tôi lại phải lấy xẻng hót xác chuột cho vào thùng rác. Nhiều lần trên đường đi làm khi thấy xác chuột tôi dừng xe, đi găng tay nhặt xác chuột cho vào túi ni - lông mang vứt vào thùng rác. Có lần nhìn thấy xác một con mèo trên sân chung cư do ai đó vứt từ trên cao xuống. Chị Bích kể tiếp, có lần ứa nước mắt anh à. Đó là lần vào hầm rác của chung cư, đang kéo xe rác ra thì "nhận” luôn một bịch rác của ai đó vứt từ trên cao xuống qua cửa sổ. 

Đa phần người dân chung cư sống có ý thức bảo vệ mô trường, giữ gìn vệ sinh chung, tuy vậy vẫn có một số ít người vứt rác qua cửa sổ xuống sân chung cư. Có lần em nhận ra một ô - sin mà em hay gặp vứt rác xuống đường. 

Trong cuốn sách Người Việt Phẩm chất và Thói hư – tật xấu do Nhà Xuất bản Thanh niên – Báo Tiền Phong phát hành có in bài viết của tác giả Nguyễn Thế thụ với nhan đề: Xả rác vô tội vạ. Bài viết có đoạn viết: "Cuộc sống ai cũng muốn có một môi trường sống trong lành sạch sẽ, nhưng rất tiếc với không ít người sự mơ ước đó còn xa vì thói quen xả rác vô tội vạ”. "Ăn uống có lẽ là nơi cần vệ sinh, sạch sẽ nhưng những nơi này khi chúng ta vào kể cả các quán tương đối lịch sự không khỏi ngán ngẩm khi thấy trên nền quán giấy ăn, giấy lau, xương, nước … được xả trắng xóa và nhe nhép. Thấy người mình xả rác ra như vậy tôi cứ thầm tự hỏi bao giờ mình mới được bằng người ta?” (người ta ở đây được hiểu là người dân sống trong đô thị ở các nước phát triển và các nước trong khu vực)

Thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản, quy định mức phạt với số tiền cụ thể, chi tiết những trường hợp vứt rác thải ra nơi công cộng, kể cả trường hợp vứt xác chuột chết ra đường, nhưng nhiều chục năm nay tôi chỉ nhìn thấy người vứt rác ra đường mà không lần nào thấy lực lượng chức năng phạt những người đổ rác bậy. 

Tôi cùng chung câu hỏi (kèm theo tiếng thở dài) với bạn Nguyễn Thế Thụ: "Bao giờ mình mới bằng người ta?”.  


Hà Hồng

Tags chuyện phố phường vứt chuột chết nạn vứt rác mỹ quan đô thị

Các tin khác

30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Ở Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, chị Lê Thị Mai trú tại phố 2, P.Đông Cương, TP Thanh Hóa được biết đến là nữ công nhân có hoàn cảnh quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó con trai thứ 2 bị bệnh bại não.

Mỗi ngày, bất kể thời gian nào, kể cả đêm hay lúc rạng sáng, những người công nhân quét rác vẫn miệt mài làm việc trên khắp mọi ngả đường, góc phố.

“Nghề nào cũng có khó khăn, vất vả riêng, chỉ cần mình tìm thấy niềm vui trong chính công việc hằng ngày thì mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn”, đó là chia sẻ của chị Hà Thị Nga, công nhân VSMT vừa được trao giải “Cây chổi Vàng” năm 2003.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục