Lý do Copenhagen được coi là thành phố xanh và an toàn nhất thế giới

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2023 | 4:13:01 PM

QLMT - Thành phố Copenhagen (Đan Mạch) đặt phát triển bền vững lên hàng đầu. Họ đang tiếp tục thực hiện nhiều sáng kiến và nỗ lực để thủ đô này trở thành thành phố trung hòa khí carbon đầu tiên vào năm 2025.

Thành phố xanh

Theo đánh giá trên trang sgi-network.org, Đan Mạch nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về các chính sách môi trường với những mục tiêu đầy tham vọng nhằm loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp đã giảm khoảng 20% kể từ giữa những năm 1990 và đã có thỏa thuận rộng rãi về mục tiêu giảm 70% vào năm 2030 so với năm 1990. Thị phần năng lượng tái tạo hiện là 23% trên cơ sở tiêu thụ. Chính phủ nước này cũng thông qua một thỏa thuận nhằm sản xuất 100% điện năng tiêu thụ ở Đan Mạch từ các nguồn tái tạo vào năm 2030, loại bỏ dần ô tô chạy bằng xăng và dầu vào năm 2030 và sớm hơn đối với phương tiện công cộng như xe bus, taxi.

Từ lâu, Copenhagen đặt phát triển bền vững lên hàng đầu. Họ đang tiếp tục thực hiện nhiều sáng kiến và nỗ lực để thủ đô này trở thành thành phố trung hòa khí carbon đầu tiên vào năm 2025.

Năm 2014, thủ đô Copenhagen đạt danh hiệu "Thủ đô xanh của châu Âu” và đến năm 2016 đã là "Thành phố xanh nhất thế giới” theo đánh giá của Global Green Economy Index. Từ đó đến nay, thành phố này là hình mẫu về xây dựng đô thị xanh của thế giới. Để làm được điều này, thành phố Copenhagen đã thực hiện thành công giải pháp môi trường đồng bộ, quyết liệt vì mục tiêu phát triển bền vững.

Chẳng hạn như hệ thống giao thông công cộng với quy mô lớn sử dụng năng lượng tái chế như thuyền sử dụng điện mặt trời, xe bus điện. Ngoài ra, người dân nơi đây cũng có thói quen đi xe đạp, Copenhagen được coi là thủ phủ của những chiếc xe đạp, đường sá được quy hoạch, mở rộng phần đường cho phương tiện thô sơ. Ngay cả các nghị sĩ cũng đạp xe đi làm hằng ngày.



Đây cũng được coi là thành phố đáng sống nhất trên thế giới (Nguồn: Internet)

Nếu muốn di chuyển bằng đường thủy, bạn có thể thuê thuyền GoBoat để đi trên các con kênh trong thành phố. Những con thuyền bằng gỗ hoặc vật liệu bền vững này có thể chở tới 8 người, với động cơ chạy bằng năng lượng mặt trời hoặc điện. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm về độ an toàn của phương tiện này, nhưng ngay cả khi bị ngã xuống kênh, dòng nước cũng đủ sạch để bơi lội.

Tại Copenhagen, người ta còn thấy những "biểu tượng cho cuộc sống xanh”, chẳng hạn như nhà máy xử lý chất thải Copenhill. Nhà máy điện độc đáo này có phần mái là một trong những dốc trượt tuyết nhân tạo lớn nhất thế giới. Trong khi ở phía dưới, hơn 400.000 tấn rác thải được xử lý thành năng lượng cung cấp cho hàng chục nghìn gia đình và doanh nghiệp mỗi năm.

Bên cạnh hệ thống công viên, khu bảo tồn thiên nhiên, Copenhagen còn khiến du khách ngạc nhiên khi thiết kế bền vững được áp dụng ở hầu khắp các công trình từ công cộng đến dân sự. Hơn 60% phòng khách sạn trong thành phố có giấy chứng nhận thân thiện với môi trường. Hoạt động tái chế được coi trọng, bởi thành phố có những máy thu gom trả lại tiền khi bạn nhét vỏ hộp hay chai nhựa vào đó. Khoảng 3/4 thực phẩm phục vụ tại nơi công cộng dùng nguyên liệu hữu cơ, từ pizza, burger hot dog, bia thủ công...

Nhà hàng Amass còn có một khu vườn riêng, trồng 80 loại rau củ. Những đầu bếp luôn cố gắng tận dụng càng nhiều nguyên liệu càng tốt, để tránh lãng phí – ví dụ như tự nấu bia và lấy ngũ cốc nấu bia dùng trong các công thức nấu ăn. Nhà hàng Gro Spiseri cũng có một vườn rau trên mái nhà, với phòng ăn nằm sát đó và khách có thể làm nông dân ngay tại đây. Trong khi đó, nhà hàng sao Michelin, Relæ, đảm bảo mọi nguyên liệu phải được nhập từ những nhà cung cấp canh tác hữu cơ hoặc sinh học. Địa chỉ ẩm thực này được xếp hạng là nhà hàng bền vững nhất thế giới năm 2015 và 2016.

Không chỉ nhà hàng, tiểu thương tại phố ẩm thực Reffen cũng tuân thủ những quy định về môi trường. Toàn bộ hàng quán phải dùng bao bì tự hủy sinh học và sản phẩm từ động vật chăn thả tự do.

Thành phố an toàn nhất thế giới   

Không chỉ là thành phố xanh bậc nhất, tháng 9-2021, Copenhagen còn được tổ chức Economist Intelligence vinh danh là "Thành phố an toàn nhất thế giới”, đạt 82,4 điểm trên thang điểm 100 theo báo cáo. Các chỉ số an toàn của một thành phố (SCI) bao gồm an ninh kỹ thuật số, an ninh y tế, cơ sở hạ tầng, an ninh cá nhân và môi trường. Báo cáo của Economist Intelligence nhận định, Copenhagen xứng đáng với vị trí đầu bảng. Thành phố được đánh giá tốt và giữ thứ hạng cao nhờ khả năng đảm bảo sự an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân trong suốt 2 năm dịch Covid-19 khiến thế giới đảo lộn.

Bên cạnh các chính sách bảo vệ môi trường, theo ông Lars Weiss, thị trưởng Copenhagen, một yếu tố quan trọng khiến Copenhagen trở thành điểm đến an toàn là tỷ lệ tội phạm thấp. Hiện tỷ lệ này đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập niên qua. Bên cạnh đó, Copenhagen cũng thuyết phục du khách bởi sự gắn kết xã hội, khoảng cách giàu nghèo tương đối hẹp. Ở thành phố này, công nhân vệ sinh và CEO có thể mua sắm chung ở một siêu thị, con cái của họ học chung trường và không có sự phân biệt giàu nghèo. "Đây cũng là một trong những nền tảng của văn hóa Đan Mạch và nó góp phần to lớn khiến các chỉ số an toàn đạt thang điểm cao”, Thị trưởng Copenhagen nói.



Đây cũng được coi là thành phố đáng sống nhất trên thế giới (Nguồn: Internet)

Bên cạnh yếu tố xanh và an toàn, Copenhagen còn gắn liền với nhiều danh hiệu khác như "Thành phố thông minh nhất thế giới năm 2017” theo đánh giá của EasyPark Group, "Thành phố tốt nhất để ghé thăm năm 2019” theo bình chọn của trang web chuyên về du lịch Lonely Planet... Đan Mạch nổi tiếng là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất còn Copenhagen là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới. Người dân ở xứ sở của truyện cổ tích này đề cao triết lý và phong cách sống "Hygge” - tìm kiếm hạnh phúc từ những điều đơn giản và nhỏ bé. Với người dân nơi đây, "Hygge” là một cách tư duy góp phần biến quê hương của họ thành một trong những vùng đất hạnh phúc nhất thế giới.

Vĩnh Hải




Tags Copenhagen Thành phố xanh Thành phố an toàn

Các tin khác

Trong bối cảnh nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các đơn vị cấp nước thành viên đã thống nhất thủ tục đăng ký, cắt chuyển định mức nước sinh hoạt theo số định danh cá nhân.

Một số vườn hoa - công viên được hoàn thành xây mới, cải tạo gần đây khiến cộng đồng có nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng và hiệu quả sử dụng. Bài toán đặt ra lúc này chính là thiết lập các tiêu chí và chính sách để nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô.

Sáng ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội sẽ phải thực hiện việc tự xác định chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của mình trong năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục