Bộ Xây dựng đang nghiên cứu giải pháp thoát nước mưa bền vững

  • Cập nhật: Thứ bảy, 13/8/2022 | 10:50:07 AM

Bộ Xây dựng cho biết đang triển khai thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị trong đó tiếp tục xem xét ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến giải pháp thoát nước mưa bền vững.

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu giải pháp thoát nước mưa bền vững
Đường phố Hà Nội ngập úng gây khó khăn cho các phương tham gia giao thông, ghi nhận sáng 12/8. (Ảnh: Kiều Anh).

Gửi câu hỏi tới Bộ Xây dựng trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Quảng Bình đặt vấn đề, hiện nay, tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng làm thay đổi mặt bằng đô thị. Các bề mặt bị bê tông hoá như mặt đường, vỉa hè, các công trình... làm giảm bề mặt tự nhiên, giảm khả năng thấm và thoát nước tự nhiên, đồng thời làm tăng tốc độ dòng chảy bề mặt khi mưa lớn, rửa trôi đất cát, lá cây, rác từ mặt đường xuống hệ thống thoát nước gây tắc nghẽn, quá tải hệ thống. Từ đó, tình trạng ngập úng cục bộ xảy ra với tần suất thường xuyên hơn.

Cử tri tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng xem xét ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đối với phương án thoát nước mưa bền vững, áp dụng hệ sinh thái thân thiện với môi trường như vỉa hè tự thấm và lưu trữ nước, bể cấp nước ngầm… để các địa phương có cơ sở áp dụng nhằm giảm thiểu tình trạng trên và tăng khả năng bổ cập cho các tầng nước ngầm.”

Trả lời về vấn đề này tại công văn 2931, Bộ Xây dựng cho biết, việc quản lý thoát nước hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 80 ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, bao gồm việc quản lý các hoạt động về quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.

Về lĩnh vực thoát nước, các Bộ ngành đã ban hành cơ bản đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật tiêu thoát nước.

Tính đến thời điểm hiện tại cả nước có 23/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch chuyên ngành thoát nước. Trong đó, cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt quy hoạch chuyên ngành thoát nước theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

Đối với phương án thoát nước mưa bền vững - một trong các giải pháp thiết kế kỹ thuật đối với công trình thoát nước, hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiến hành sửa đổi, thay thế các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2016/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật; Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 7957:2008 về thoát nước - mạng lưới bên ngoài và công trình; trong đó có yêu cầu kỹ thuật phải thích ứng với biến đổi khí hậu, khuyến khích các đô thị áp dụng hệ thống thoát nước bền vững.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, thời gian qua Bộ đã hỗ trợ ba đô thị Cà Mau, Rạch Giá và Long Xuyên lập quy hoạch thoát nước có lồng ghép các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; thiết kế và xây dựng thí điểm xử lý ba điểm ngập úng cục bộ triển khai mô hình thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững.

Đến nay, giải pháp thiết kế hệ thống thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững đã bước đầu thu được những đánh giá và kinh nghiệm phù hợp. Sau quá trình thí điểm, Bộ Xây dựng cũng đã xuất bản các ấn phẩm liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải như Hướng dẫn áp dụng thiết kế Hệ thống thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững (Nhà xuất bản Xây dựng, năm 2019); Hướng dẫn lập Quy hoạch thoát nước đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (Nhà xuất bản Xây dựng, năm 2020).

Tại Nghị quyết số 77 ngày 8/6 vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có vùng đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM rà soát, đánh giá thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị để có phương án, giải pháp hiệu quả chống ngập úng đô thị nhằm ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Hiện nay Bộ Xây dựng triển khai thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị trong đó tiếp tục xem xét ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến giải pháp thoát nước mưa bền vững.

Theo dongvon.doanhnhanvn.vn

Tags Bộ Xây dựng thoát nước thoát nước mưa ngập úng đô thị

Các tin khác

Đô thị ngày càng nhiều, đến 2030 có tới 50% dân số Việt Nam (khoảng 55 triệu người) bước vào đô thị. Nhưng tích tụ đủ nội hàm phát triển một đô thị di sản thiên niên kỷ thì chỉ duy nhất thành phố Ninh Bình có thể sở hữu.

Trong bối cảnh nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các đơn vị cấp nước thành viên đã thống nhất thủ tục đăng ký, cắt chuyển định mức nước sinh hoạt theo số định danh cá nhân.

Một số vườn hoa - công viên được hoàn thành xây mới, cải tạo gần đây khiến cộng đồng có nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng và hiệu quả sử dụng. Bài toán đặt ra lúc này chính là thiết lập các tiêu chí và chính sách để nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô.

Sáng ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự