Tạo dựng “văn hóa metro” thực sự văn minh

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/11/2021 | 11:48:25 AM

Dù tàu sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới đi vào vận hành thương mại, song hiện tượng một số hành khách mang theo đồ cồng kềnh, gác chân lên ghế, gây ồn ào hoặc không chủ động nhường ghế... đã làm xấu đi hình ảnh của một loại phương tiện giao thông đô thị văn minh.

Gia tăng lượt đi vào ngày cuối tuần

Theo thống kê, trong một tuần đầu hoạt động, đơn vị vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã thực hiện 1.160 chuyến tàu, chở 206.137 lượt hành khách. Riêng trong ngày Chủ nhật 14/11, báo cáo của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, lượng hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong tăng đến 43,8% so với một ngày 13/11 và bằng 74,5% so với Chủ nhật tuần trước đó. Bình quân trong ngày cuối tuần vừa qua, mỗi chuyến tàu vận chuyển 199 người.

Cụ thể, tàu Cát Linh - Hà Đông phục vụ người dân từ 5 giờ 30 đến 22 giờ ngày Chủ nhật, với 203 lượt. Số hành khách vào ga trong ngày 14/11 đạt 40.313 người, trong đó 29,4% hành khách vào từ ga Cát Linh; 27,7% người vào ga Yên Nghĩa; tỷ trọng vào 10 ga giữa là 42,9%.

Trước đó, nhằm tăng cường phục vụ người dân, đơn vị vận hành đã điều chỉnh số tàu trong ngày lên thành 6 đoàn, áp dụng từ ngày 13/11. Tàu chạy giãn cách 10 phút/lượt. Lượng hành khách trong ngày 13/11 cũng tăng 53,3% so với ngày 12/11 và bằng 109,2% so với thực hiện ngày thứ Bảy tuần trước (ngày 6/11). Như vậy, trong 2 ngày cuối tuần, số lượng hành khách lần lượt tăng với tỷ lệ cao cho thấy đường sắt đô thị đang nhận được sự hưởng ứng của người dân. Bên cạnh đó, tỷ lệ hành khách vào các ga đang có chiều hướng trở nên cân bằng hơn.

Một tín hiệu khả quan hơn, hiện tại người dân đã bắt đầu sử dụng tàu phục vụ việc đi lại, sinh hoạt trong TP, thay vì chủ yếu chỉ có mục đích tham quan, trải nghiệm như tại thời điểm đầu tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành thương mại.

Vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp

Ngày 16/11, theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, tổng số hành khách vào ga là 18.390 người, trong đó có 203 lượt tàu vận hành. Tỷ trọng khách vào ga Cát Linh là 27,9%; ga Yên Nghĩa là 24,1%; tỷ trọng 10 ga giữa là 48,0%. Lượng hành khách giảm 6% so với ngày 15/11 và bằng 109% so với thực hiện ngày thứ Ba tuần trước (9/11). Bình quân vận chuyển 91 người/chuyến tàu. Kết quả vận hành đạt các chỉ tiêu kế hoạch về chuyến lượt, đảm bảo an toàn vận hành và công tác phòng, chống dịch bệnh.


 Người dân chờ lên tàu sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phạm Hùng

Dù được đánh giá là loại hình giao thông văn minh, tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, vẫn còn hiện tượng hành khách mang theo đồ cồng kềnh (xe đạp) với mục đích đi lại khi rời ga. Bên cạnh đó, trên một số chuyến tàu cũng còn xuất hiện tình trạng hành khách đi tàu gác chân lên ghế, gây ồn ào hoặc không chủ động nhường ghế... Những điều này vi phạm nội quy đối với hành khách đi tàu và làm xấu đi hình ảnh của một loại phương tiện giao thông văn minh.

Cụ thể, trong 9 quy định mà người đi tàu phải tuân thủ có yêu cầu hành khách không mang hàng hóa, hành lý cồng kềnh, động vật, đồ tươi sống có mùi vào các nhà ga và lên tàu. Hành lý cồng kềnh là hành lý có kích thước vượt quá 56 x 36 x 23cm; trọng lượng vượt quá 18kg. Vật nuôi như chó, mèo.... đồ tươi sống có mùi như thịt, cá. Song song với đó, để đường sắt đô thị thật sự trở nên văn minh, Hà Nội metro đã công khai tại trang chủ về hướng dẫn hành khách thực hiện "Văn hóa metro” như nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và người khuyết tật. Cùng với đó, hành khách phải đặt điện thoại ở chế độ im lặng và nói chuyện với âm lượng vừa phải để không làm phiền những người xung quanh. Không chụp ảnh với đèn flash hoặc sử dụng thiết bị chiếu sáng (bởi điều đó gây nguy hiểm cho lái tàu).

Ngày 17/11, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, đến nay tình trạng hành khách mang theo hàng hóa cồng kềnh đã không còn xảy ra. Đối với việc tuân thủ quy định, Giám đốc Hà Nội metro cho biết, đã ban hành nội quy, phát cho nhân viên bảo vệ làm việc tại các ga để hành khách đã qua cửa soát vé nghĩa là đảm bảo nội quy.

"Trong đêm 17/11, chúng tôi sẽ thực hiện dán nội quy đi tàu ở trước nhà ga, trước cửa soát vé để nếu hành khách có thắc mắc sẽ được hướng dẫn kiểm tra lại thông tin ở các tấm bảng này” - ông Vũ Hồng Trường nói.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành thương mại ngày 6/11/2021, toàn tuyến có 13 đoàn tàu, mỗi chuyến tàu chở trên 950 hành khách lượt. Tàu có vận tốc tối đa 80km/h, tuy nhiên vận tốc khai thác bình quân sẽ chạy ở tốc độ 35km/h và tốc độ cho phép chạy đến 65km/h.

Nguồn: Kinh tế đô thị

Tags văn hóa metro văn minh tàu sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Các tin khác

Sau khi có quyết định thành lập thêm 1 thành phố, tỉnh này sẽ có tổng cộng 5 thành phố và trở thành tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước.

Việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trên thế giới và tại Việt Nam đã mang lại những lợi ích, hiệu quả rõ rệt. Rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng công tác thiết kế, thi công xây dựng và quản lý dự án đầu tư xây dựng…

Với việc khẩn trương phối hợp các cơ quan Trung ương xây dựng chính sách thí điểm các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và sử dụng mái nhà là tài sản công để lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 98), TP.HCM đang từng bước hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

3 cấp độ xây dựng, phát triển mô hình TOD gồm cấp vùng, cấp đô thị và cấp điểm. Nguyên tắc quy hoạch dựa trên trục xương sống là đường sắt đô thị và ưu tiên thúc đẩy đi bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục