Lộn xộn quảng cáo ngoài trời

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/10/2021 | 11:37:28 AM

Mặc dù UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo song thời gian qua, hoạt động quảng cáo ngoài trời ở một số địa phương vẫn chưa tuân thủ đúng quy định, gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Ngang nhiên vi phạm

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 80 bảng quảng cáo tấm lớn (từ 40 m2 đến 200 m2 đứng độc lập); gần 400 bảng quảng cáo trên 20 m2 gắn trên các công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ; hơn 30 nghìn biển hiệu, bảng quảng cáo dưới 20 m2 và hơn 3 nghìn pano tuyên truyền gắn quảng cáo. Hoạt động quảng cáo ngoài trời có ở hầu hết các huyện, TP, tập trung chủ yếu ở những khu đông dân cư, dọc các quốc lộ, tỉnh lộ. 


Biển quảng cáo tại xã Tự Lạn (Việt Yên) đặt sát mặt đường gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Để hoạt động quảng cáo đi vào nền nếp, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09, ngày 4/9/2018 về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 32, ngày 5/10/2020 Quy định quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được ngành chức năng, UBND các huyện, TP quan tâm thực hiện.

Tuy vậy, qua tìm hiểu thực tế và đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động quảng cáo ngoài trời vẫn còn lộn xộn. Nhiều bảng quảng cáo, biển hiệu đặt tại mặt tiền công trình, nhà ở không đúng quy cách, không đúng vị trí, có diện tích lớn hơn so với quy định, che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; chưa xây dựng được hệ thống khung, cột treo băng rôn. Tình trạng lắp đặt, dựng bảng quảng cáo tại các điểm che khuất tầm nhìn; quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định vẫn diễn ra. Nhiều bảng quảng cáo được lắp đặt không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

TP Bắc Giang hiện có hơn 40 biển quảng cáo tấm lớn, khoảng 10 nghìn biểu hiệu, bảng quảng cáo dưới 2 m2 gắn trên công trình xây dựng. Ở một số tuyến đường như: Hùng Vương, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ, nhiều biển quảng cáo cỡ lớn che kín mặt tiền các công trình từ tầng 2 đến tầng 3. Những công trình này hầu hết là nhà ở của hộ dân vừa sinh hoạt kết hợp kinh doanh hoặc cho tổ chức, doanh nghiệp thuê lại. Nếu không may xảy ra sự cố như hỏa hoạn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, khó khăn trong công tác chữa cháy, cứu hộ.

Dọc nhiều tuyến đường ở các thị trấn: Nếnh, Bích Động (Việt Yên), Cao Thượng, Nhã Nam (Tân Yên), Đồi Ngô (Lục Nam)... hàng trăm biển quảng cáo của các hàng quán, hiệu tạp hóa... đặt không đúng vị trí, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ảnh hưởng đến giao thông, mất mỹ quan đô thị. 

Ông Dương Duy Nam, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) cho biết: Trên địa bàn thị trấn có khoảng 700 hộ kinh doanh, phần lớn đều có biển quảng cáo, trong số đó có rất nhiều trường hợp vi phạm khi treo, đặt biển không đúng quy định. Lực lượng chức năng nhiều lần ra quân thu giữ hàng trăm tấm biển các loại, chất đầy nhà kho song tình hình không mấy cải thiện. Do giá trị biển không lớn, các hộ sẵn sàng bỏ lại khi bị cơ quan chức năng thu giữ và tiếp tục vi phạm.

Chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật về quảng cáo của nhiều tổ chức, cá nhân chưa tốt. Một số ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên địa bàn; có nơi còn coi nhẹ, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quảng cáo chưa sâu rộng; sự phối hợp giữa các cấp, ngành thiếu chặt chẽ.

Theo Điều 34, Nghị định 38, ngày 29/3/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng bị xử phạt hành chính từ 1 đến 2 triệu đồng. Quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng. 

Quyết định số 32, ngày 5/10/2020 Quy định quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh cũng nêu rõ nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, các tổ chức, cá nhân. Quy định là thế song việc xử lý vi phạm hành chính của các địa phương rất hạn chế, rất ít trường hợp bị xử phạt, chủ yếu là nhắc nhở.


Lực lượng chức năng thu giữ biển quảng cáo vi phạm tại thị trấn Thắng (Hiệp Hòa).

Theo đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin TP Bắc Giang, phần lớn tổ chức, cá nhân lắp đặt, dán, treo biển quảng cáo vào ngày nghỉ, ngoài giờ nên khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Mặt khác, lực lượng làm công tác quản lý, kiểm tra còn thiếu, hầu hết là kiêm nhiệm. Các phường, xã chưa quyết liệt, chủ yếu nhắc nhở, thu giữ, tháo dỡ biển hiệu, chưa xử lý vi phạm hành chính. Ở thị trấn Đồi Ngô, nhiều biển quảng cáo lấn chiếm vỉa hè, không ít biển rao vặt xuất hiện trên cột điện, bờ tường, nơi công cộng. 

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồi Ngô cho biết: Lực lượng chức năng đã bóc gỡ hàng trăm tờ rao vặt, đồng thời đề nghị cơ quan chuyên môn tạm thời khóa số điện thoại ghi trên tờ rao vặt cho đến khi các trường hợp vi phạm khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều, địa bàn rộng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng chức năng thị trấn chưa được thường xuyên.

Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời; khắc phục hạn chế, ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, TP trong công tác quản lý nhà nước, nhất là việc thực hiện Chỉ thị số 09 và Quyết định số 32 của UBND tỉnh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ về lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn. 

Phương Ngân
Báo Bắc Giang

Tags quảng cáo mỹ quan đô thị biển quảng cáo vi phạm

Các tin khác

Trong bối cảnh nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các đơn vị cấp nước thành viên đã thống nhất thủ tục đăng ký, cắt chuyển định mức nước sinh hoạt theo số định danh cá nhân.

Một số vườn hoa - công viên được hoàn thành xây mới, cải tạo gần đây khiến cộng đồng có nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng và hiệu quả sử dụng. Bài toán đặt ra lúc này chính là thiết lập các tiêu chí và chính sách để nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô.

Sáng ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội sẽ phải thực hiện việc tự xác định chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của mình trong năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục