Quy trách nhiệm người đứng đầu trong kiểm soát ô nhiễm không khí

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/9/2021 | 4:15:46 PM

QLMT - Người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng không đúng quy định gây ô nhiễm trên địa bàn.


Ảnh minh hoạ. 

Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, đặc biệt nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm vi phạm về bảo vệ môi trường. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội luôn nằm ở ngưỡng báo động đỏ. Bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp với lượng thải lớn chưa được kiểm soát chính là nguyên nhân của tình trạng trên. 

Trước tình hình đó, ngày 15-3-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 742/UBND-ĐT về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện của Hà Nội đã vào cuộc rất quyết liệt. Sở TN&MT Hà Nội đã chủ trì tiến hành các cuộc kiểm tra liên ngành, xử lý hành vi vi phạm gây ô nhiễm không khí, như: Phối hợp với công an phát hiện, xử lý 439 vụ việc, 440 cá nhân, 12 tổ chức vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 1.717.750.000 đồng; phối hợp với Sở Giao thông kiểm tra 64 trường hợp, xử phạt thu nộp ngân sách 220.000.000 đồng…Hết quý II-2021, Hà Nội đã loại bỏ được khoảng 53.550 bếp than tổ ong; từng bước siết chặt các hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định.

Thông tin từ Sở TN&MT Hà Nội cho biết, Sở đã tăng cường tiến hành kiểm kê nguồn thải để xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí và thải lượng khí phát sinh để xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện tượng chất lượng không khí. Quản lý vận hành ổn định, liên tục 35 trạm quan trắc không khí tự động và 1 xe quan trắc không khí lưu động thường xuyên cập nhật chỉ số chất lượng không khí AQI để người dân theo dõi; xây dựng kịch bản ứng phó, khuyến cáo tới người dân trong các ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu và nguy hại; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không phù hợp với quy hoạch ra khỏi nội thành…

Ông Mai Trọng Thái - Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, đến nay, một số nhiệm vụ UBND Thành phố đề ra đã được thực hiện nghiêm túc, sát sao và được một số kết quả tích cực. Đặc biệt, nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí được tăng cường áp dụng, bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực. Qua đó, góp phần cải thiện ô nhiễm không khí trên địa bàn. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên dù công tác kiểm soát ô nhiễm không khí có những chuyển biến tích cực, song việc chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND Thành phố còn gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.

Theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, mặc dù đã tăng cường đôn đốc các địa phương nhưng tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, đốt trộm phế thải vẫn diễn ra ở nhiều nơi, do đó, kết quả thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND về đốt rơm rạ, phụ phẩm tính đến quý II-2021 chưa đạt yêu cầu theo chỉ tiêu giao là 100%.

Một trong những bất cập khác về kiểm soát ô nhiễm không khí được Sở TN&MT Hà Nội chỉ ra, đó là cơ chế, chính sách trong việc xử lý chất thải sản xuất nông nghiệp còn thiếu, nhất là chính sách xử lý phụ phẩm cây trồng trên địa bàn. Ngoài ra, các điểm, khu xử lý chất thải tập trung của Hà Nội đang quá tải, không đáp ứng được lượng phát thải thực tế của Thành phố, dẫn đến việc các đối tượng lợi dụng lúc nửa đêm tối, vắng người qua lại, nơi không có phương tiện theo dõi, giám sát đổ chất thải không đúng nơi quy định.

Sở TN&MT Hà Nội kiến nghị UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ chỉ đạo của UBND TP theo Công văn số 742/UBND-ĐT. Đồng thời, UBND TP sớm phê duyệt kinh phí quản lý, vận hành, bảo dưỡng các trạm quan trắc môi trường tự động, đặc biệt là các trạm quan trắc không khí tự động để có cơ sở quản lý, vận hành các trạm quan trắc được ổn định, liên tục nhằm chủ động cảnh báo, phòng, chống ô nhiễm không khí và phục vụ công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Được biết hiện nay 24 trạm quan trắc không khí tự động đang tạm dừng hoạt động do các thiết bị cảm biến bị mất tín hiệu, phần mềm cảm biến của các thiết bị không được cập nhập do thiếu kinh phí. Vì vậy, việc quản lý, vận hành, bảo dưỡng thay thế các trang thiết bị của trạm quan trắc gặp nhiều khó khăn.

Bắc Lãm

Tags trách nhiệm người đứng đầu kiểm soát ô nhiễm ô nhiễm không khí

Các tin khác

Trong bối cảnh nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các đơn vị cấp nước thành viên đã thống nhất thủ tục đăng ký, cắt chuyển định mức nước sinh hoạt theo số định danh cá nhân.

Một số vườn hoa - công viên được hoàn thành xây mới, cải tạo gần đây khiến cộng đồng có nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng và hiệu quả sử dụng. Bài toán đặt ra lúc này chính là thiết lập các tiêu chí và chính sách để nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô.

Sáng ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội sẽ phải thực hiện việc tự xác định chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của mình trong năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục