Định hướng phát triển chính sách công nghiệp xanh ở Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2021 | 3:21:40 PM

QLMT - Công nghiệp xanh đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, hoạch định chính sách công nghiệp xanh ở Việt Nam còn gặp những trở ngại nhất định về thể chế, chính sách và nguồn lực đầu tư. Bài viết nghiên cứu những giá trị, lợi ích trực tiếp mà chính sách công nghiệp xanh mang đến cho các quốc gia phát triển, qua đó, Việt Nam có thể tham khảo trong hoạch định và thực thi chính sách công nghiệp xanh, bảo đảm quá trình thực hiện có thể tối đa hóa hiệu quả lợi ích từ cấp địa phương đến toàn bộ nền kinh tế.

dinh-huong-phat-trien-chinh-sach-cong-nghiep-xanh-o-viet-nam-1
Ảnh minh họa (Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn).

Chính sách công nghiệp xanh

Nhân loại đã và đang chứng kiến những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra, ảnh hưởng tới sự cân bằng của hệ sinh thái và điều kiện môi trường sống hiện tại. Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực tại các quốc gia cũng đang khiến các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác kiệt quệ, gây mất đa dạng sinh học và tác động tiêu cực tới sức khỏe con người và môi trường sống. Trong bối cảnh này, trọng tâm phát triển chính sách kinh tế quốc gia chuyển đổi từ tối đa hóa tăng trưởng sang tăng trưởng gắn liền với các mục tiêu xã hội và kinh tế, gìn giữ bảo vệ các giá trị môi trường bền vững. Đặc biệt hơn, chính sách kinh tế xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng và tương thích với bối cảnh kinh tế của các quốc gia đang phát triển, nơi các nguồn lực tài nguyên và môi trường có khả năng được gìn giữ và phát triển theo mô hình kinh tế bền vững ngay từ giai đoạn đầu của nền kinh tế công nghiệp.

Chính sách công nghiệp xanh (CSCNX) là công cụ pháp lý đặc biệt và phù hợp để đạt được những chuyển đổi căn bản và lâu dài, duy trì điều kiện sống chấp nhận được ở hiện tại và cho các thế hệ tương lai. Theo nghĩa rộng, CSCNX gồm tất cả những chính sách điều chỉnh cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển bền vững, bao hàm cả khả năng tự điều chỉnh và phục hồi của hệ sinh thái và các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên1. Định nghĩa này bao trùm các quan điểm hẹp hơn trước đó về CSCNX, thường chỉ tập trung vào các giải pháp thay thế bằng nhiên liệu hàm lượng cacbon thấp hoặc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường.

CSCNX không chỉ đóng vai trò giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hình thức ô nhiễm môi trường (không khí, nước, đất và biến đổi khí hậu) mà xa hơn là phát triển đất nước theo hướng bền vững lâu dài trong tương lai.

Sự khác biệt của CSCNX so với chính sách công nghiệp truyền thống ở chỗ, CSCNX ra đời giúp ứng phó những mục tiêu mà chính sách công nghiệp chưa đạt được, xúc tiến quá trình chuyển hóa xanh, đưa nền kinh tế tiến tới phát triển bền vững2. Nói cách khác, CSCNX là biện pháp hữu hiệu để khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu toàn cầu – vốn được xem là thất bại lớn nhất trong lịch sử nhân loại gây ra. Trong bối cảnh kinh tế đang phát triển, nền công nghiệp xanh sử dụng một cách hữu hiệu những công cụ pháp lý nhằm thiết lập quyền tiếp cận và hạn ngạch sử dụng nguồn tài nguyên, tối thiểu hóa tác nhân gây ô nhiễm hay chính sách thuế môi trường phản ánh trực tiếp chi phí xã hội từ ô nhiễm vào giá cả, khiến thay đổi hành vi tiêu dùng trong ngắn hạn và hướng tới phát triển ngành công nghiệp sạch theo định hướng bền vững.

Sự khác biệt thứ hai của CSCNX là lường trước những rủi ro không mong muốn khi hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô và dài hạn. CSCNX tuy không dự đoán được hết những rủi ro tiềm ẩn nhưng giảm thiểu được mức độ rủi ro bắt nguồn từ nền công nghệ và kết cấu thị trường. Công nghệ và chính sách kinh tế xanh chủ động loại bỏ các loại hình công nghệ và những tác nhân rủi ro không mong muốn trên thị trường, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả chuyển đổi nền kinh tế xanh3. Thêm vào đó, CSCNX còn hạn chế sự ảnh hưởng từ việc làm lợi cho một số nhóm người có địa vị trong xã hội do hạn chế quyền tiếp cận, sử dụng tài nguyên trái phép và các khoản trợ cấp cho nhóm người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ sự thay đổi của môi trường. Ngoài ra, dưới góc độ sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên ở hiện tại, gìn giữ và phát triển môi trường sống xanh cho thế hệ tương lai, CSCNX vạch rõ những giới hạn thay đổi ở phạm vi chấp nhận được, tránh sự sụp đổ toàn hệ thống trong tương lai.

Hoạch định CSCNX là quá trình phức tạp có tính sáng tạo và linh hoạt cao, kết hợp giữa việc xây dựng những trụ cột của nền kinh tế phát triển xanh và tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng do các ngành công nghiệp ô nhiễm trước đó để lại. Tầm nhìn và sứ mệnh của ngành công nghiệp xanh không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà còn vượt lên, trở thành vấn đề với quy mô toàn cầu. Sự lựa chọn trong việc sớm ứng dụng công nghiệp xanh tại mỗi một quốc gia đem lại những lợi thế cạnh tranh nhất định trong giao thương hội nhập kinh tế. Điển hình là chất lượng cuộc sống, phúc lợi xã hội và nền kinh tế sớm được cải thiện, gia tăng những ưu thế về nguồn lực, nhân công lao động và xác lập vị thế phát triển bền vững.

Lợi ích phát triển chính sách công nghiệp xanh đối với các quốc gia đang phát triển

Việc theo đuổi CSCNX là thực sự cần thiết và đem lại lợi ích trực tiếp cho các quốc gia đang phát triển ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất và phát triển kinh tế. Cụ thể:

Thứ nhất, CSCNX giúp nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, cải thiện đời sống sức khỏe.

Nền kinh tế tại các nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào sự sẵn có của nguồn tài nguyên thiên nhiên, khả năng tiêu dùng và thu nhập của người dân. Suy thoái môi trường đặt ra gánh nặng chi phí cao đối với nhóm quốc gia đại diện 40% dân số toàn cầu ở mức GDP trung bình dưới 8%. Chính vì vậy, những cải tiến trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ sẽ dẫn tới tăng trưởng sản xuất, tiết kiệm chi phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo4.

Thứ hai, ngành công nghiệp thân thiện môi trường giúp tăng trưởng nguồn nhân lực và tránh sự lạm dụng nguồn tài nguyên công. Các sản phẩm hàng hóa môi trường – nguồn tài nguyên công thường xuyên gặp vấn đề, như không rõ ràng về chủ sở hữu hay quyền quản lý sử dụng. Khi tài nguyên bị khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của những người thu nhập thấp phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này. Quản lý đúng cách nguồn tài nguyên chung sẽ làm chậm quá trình suy thoái và tăng trưởng năng suất kinh tế, đồng thời, giá trị và sự khan hiếm của nguồn tài nguyên nên được thể hiện ở các loại phí dịch vụ môi trường – giảm thiểu sự xuống cấp của môi trường sinh thái và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, việc cải tiến quy trình sản xuất, tiết kiệm nguồn tài nguyên có thể sẽ đáp ứng được hết các chi phí vốn ban đầu trong thời gian ngắn hạn, giảm tiêu thụ năng lượng và ô nhiễm, tăng lợi nhuận ròng nền kinh tế và tác động tích cực tới môi trường. Việc đầu tư vào các nguồn năng lượng hiệu quả có thể sinh mức lợi tức gấp ba lần: tiết kiệm lượng lớn năng lượng, giảm thiểu khí thải và tăng tỷ lệ việc làm5.

Thứ ba, công nghiệp xanh giải mã các nguồn lực, đồng thời phát triển hạ tầng đô thị bền vững. Các nước đang phát triển có hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện sẽ giảm thiểu các chi phí môi trường và kinh tế, tận dụng các nguồn nguyên liệu rẻ, sạch và hiệu quả hơn thay vì sử dụng cacbon – gây tốn kém khi phải thay thế các công nghệ lỗi thời và xử lý hậu quả do chúng để lại. Tiếp đó, các nước đang phát triển được hưởng lợi từ việc giảm những ưu đãi trong tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên. Một số ưu đãi từ chính sách công nghiệp thuần túy có thể sẽ làm lợi cho một nhóm người có địa vị trong xã hội, khi họ tận dụng cơ hội để khai thác vượt ngưỡng quy định, bóp méo giá cả thị trường nhiên vật liệu và gây ra những hậu quả xấu tới môi trường. Do đó, thông tin trên thị trường phải được trình bày rõ ràng, đầy đủ, bao gồm cả những thiệt hại từ ưu đãi sai lầm và biện pháp bồi thường cho nhóm người bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là nhóm người có thu nhập trung bình và thấp hơn trung bình.

Thứ tư, các nền kinh tế đang phát triển tạo dựng được lợi thế cạnh tranh mới trong quảng bá và sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường. Tuy hầu hết các nước đang phát triển không thể chấp nhận rủi ro cao khi sử dụng quy trình công nghệ tân tiến nhất, nhưng họ thích ứng tốt với nền tảng công nghiệp hiện có. Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và phong phú là lợi thế và tạo động lực cho sự phát triển ngành công nghiệp xanh tại các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển. Hơn nữa, các quốc gia này cũng trực tiếp hưởng lợi từ quảng bá và ứng dụng nền tảng xanh.

Ngân hàng Thế giới nhận định, mở cửa nền kinh tế đã gia tốc cho quá trình áp dụng, thích ứng và triển khai công nghệ. Các nước có thu nhập thấp nên tập trung vào những đổi mới để thích nghi và đáp ứng với nhu cầu của người tiêu dùng, bao gồm cả các đổi mới chính thức hoặc không chính thức, cung cấp hàng hóa cho nhiều người hơn trong khi sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên sẵn có6.

Thứ năm, bất ổn về giá trên thị trường dầu mỏ khiến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia đang phát triển theo hướng gia tăng lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Các dự án năng lượng tái tạo sẽ hỗ trợ giảm tốn kém trong tiêu thụ nhiên liệu, gia tăng an toàn năng lượng quốc gia, bảo vệ nền kinh tế trước cơn sốc giá dầu và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Các lĩnh vực công nghệ xanh tuy chỉ yêu cầu một số lượng nhỏ lao động có kỹ thuật trong ngắn hạn nhưng bảo đảm một lượng lớn nhu cầu việc làm trong dài hạn. Việc làm đến từ gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ xanh hay chuyển hình thức đánh thuế sang thuế gây thiệt hại môi trường đã tạo ra sự gia tăng nhu cầu lao động do cải cách tài khóa môi trường khiến giá lao động rẻ hơn so với chi trả cho tiêu thụ năng lượng7.

Thứ sáu, việc sớm áp dụng các CSCNX ở các nước đang phát triển cung cấp lợi thế về năng lực công nghiệp ít cacbon, giảm các chi phí chuyển đổi sau đó và hạn chế chi phí giao thương của các nước nhập khẩu áp dụng đánh thuế cacbon.

Ngoài ra, cơ chế phát triển theo hướng công nghiệp xanh cho phép các nước đang phát triển nhận chuyển giao vốn từ những dự án giảm thiểu khí thải ở lĩnh vực năng lượng và sản xuất hoặc giảm khí thải từ nạn phá và suy thoái rừng. Ở mức độ toàn cầu, những đề án này có ý nghĩa ràng buộc với tất cả các quốc gia, khuyến khích các quốc gia đang phát triển tham gia vào các thỏa thuận liên quan đến biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự chuyển đổi xanh. Các quốc gia đang phát triển tiếp nhận chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính và phát triển năng lực cần thiết trong chuyển đổi lĩnh vực năng lượng và sản xuất; kiểm soát, thích ứng và phục hồi nhanh chóng trước sự thay đổi của biến đổi khí hậu.

Những định hướng phát triển chính sách công nghiệp xanh ở Việt Nam

Phát triển CSCNX của các nền kinh tế phát triển đã để lại nhiều bài học thực tế đắt giá đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam cần phải nghiên cứu học tập.

Một là, thực tiễn trên thế giới đã chứng minh về khả năng áp dụng và thực thi CSCNX vào thực tiễn hơn bất cứ một chính sách công nghiệp nào trước đó. Minh chứng rõ ràng nhất đến từ định hướng chuyển đổi ngành sản xuất công nghiệp sạch theo thị hiếu tiêu dùng của các quốc gia trong khu vực châu Âu. Nhu cầu sống trong môi trường xanh luôn thường trực trong chính bản thân xã hội và cộng đồng, đặt mạnh áp lực lên Chính phủ các nước phải không ngừng khắc phục, cải thiện các công cụ pháp lý thích hợp, bảo đảm chất lượng cuộc sống và loại bỏ những tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Hai là, giải quyết các vấn đề gây ô nhiễm phải từ các nhân tố trực tiếp, thay vì gián tiếp ảnh hưởng tác động. Điều này thể hiện rõ khi Chính phủ nhiều nước vẫn tiếp tục tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khai thác mỏ quặng bất chấp những hệ lụy về suy thoái môi trường trong tương lai. Áp dụng đánh thuế hay bất kỳ công cụ pháp lý nào được cụ thể hóa dưới hình thức chi phí môi trường sẽ góp phần thể hiện rõ giá trị và sự khan hiếm của các nguồn tài nguyên hiện tại.

Ba là, CSCNX cần được hoạch định bởi một cơ chế thi hành pháp lý cao nhất, có phạm vi ảnh hưởng tới tất cả các ngành trong nền kinh tế, có khả năng tự điều chỉnh, phối hợp giữa các cấp từ trung ương tới địa phương. Điều này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải trực tiếp kiểm soát các quy định và cơ chế trong chính sách xanh, đồng thời gắn liền phát triển kinh tế bền vững với việc gia tăng cơ hội việc làm, tăng cạnh tranh cho sản phẩm nội địa, đột phá trong công nghệ và cải thiện phúc lợi xã hội.

Bốn là, Việt Nam cần thiết lập từng mục tiêu phát triển cụ thể trong chiến lược CSCNX theo các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn của nền kinh tế. Ở mỗi giai đoạn, Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu, thách thức của mục tiêu và các chỉ số đề ra cùng với báo cáo đánh giá hiệu quả phương hướng và kết quả hoạt động. Quá trình đánh giá phải dựa trên cơ sở khách quan về tính hiệu quả và phạm vi thực hiện để rút kinh nghiệm và xây dựng các hướng đi tốt hơn trong tương lai.

Năm là, cơ chế cạnh tranh sẽ khuyến khích sự phát triển không ngừng của nền công nghiệp xanh khi các doanh nghiệp liên tục đổi mới sáng tạo công nghệ để sản phẩm của họ thích ứng với nhu cầu tiêu dùng xanh. Hơn hết, Chính phủ sẽ để "ngỏ” cho các doanh nghiệp một "sân chơi” giống như một trọng tài trung gian không thiên vị với bất kỳ người chơi nào. Việt Nam cần thiết lập được một cơ chế như vậy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cùng tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm xanh.

Sáu là, CSCNX tại Việt Nam phải tương thích và tuân thủ với những quy định về công nghiệp xanh trên thế giới. Vì nền kinh tế xanh là mục tiêu toàn cầu của nhiều quốc gia trên thế giới, do đó, để tạo sự cân bằng trong phát triển, những thỏa thuận môi trường quốc tế sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt thương mại đối với nền kinh tế không tuân thủ các chính sách kinh tế xanh. Để phát triển kinh tế bền vững và hưởng lợi từ quá trình này, Việt Nam cần cân nhắc kỹ các yêu cầu trong CSCNX toàn cầu để nhanh chóng thích ứng và nắm bắt cơ hội.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Việt Nam cần hoàn thiện một thể chế pháp lý toàn diện bao gồm những quy định và xử phạt chặt chẽ trong hoạch định CSCNX. Ngoài ra, sự phối hợp và liên kết giữa các ban ngành từ trung ương đến địa phương cũng cần được thiết lập một cách chặt chẽ hơn. Cần đẩy mạnh hơn việc quảng bá, tuyên truyền về lợi ích của tăng trưởng xanh với nền kinh tế và môi trường, gắn kết các thành phần xã hội từ cấp độ cá nhân tham gia vào công cuộc đổi mới nền kinh tế. Thêm vào đó, việc tái cấu trúc nền kinh tế cần được Chính phủ hoạch định theo từng giai đoạn, thúc đẩy hiệu quả về chi phí và nguồn lực. Trong tương lai, Chính phủ cần có những biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tích cực tham gia và tận dụng lợi ích từ các dự án chuyển đổi xanh trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới.

Chú thích:

1. Lütkenhorst Wilfried, Altenburg Tilman, Pegels Anna, Vidican Georgeta (2014). Green Industrial Policy: Managing Transformation Under Uncertainty. https://ssrn.com.

2. Nguyễn Văn Thông, Hoàng Thu Hà, Phạm Khánh Toàn và Trần Duy Lạc. Nghiên cứu, đánh giá khả năng phát triển công nghiệp xanh trong xử lý hoàn tất – ngành dệt may Việt Nam. Đề tài khoa học cấp Bộ, 2010, tr.104.

3. Altenburg T. Pegels A. (2012). Sustainability – oriented innovation systems: Managing the green transformation. Innovation and development, 2 (1), 5 – 22.

4, 6. World Bank (2012). Inclusive green growth: The pathway to sustainable development, Washington, DC.

5. Đức Thành. Công nghiệp xanh, hướng đi mới của các khu công nghiệp. Tạp chí Công nghiệp, số 9/2010.

7. Schlegelmilch K. Eichel H. Pegels, A (2017). Pricing environmental resources and pollutants and the competitiveness of national industries. Altenburg T. Assmann, C. (Eds). (2017), Green Industrial Policy. Concept, Policies, Country Experiences (pp. 102 – 119). Geneva, Bonn: UN Environment; German Development Institute/Deutsches Institut für Entwicklungspolitk (DIE).

TS. Nguyễn Hoàng Quy*- ThS. Lê Ánh Tuyết**
*  Học viện Hành chính Quốc gia
**  Trường Chính trị tỉnh Yên Bái

Theo quanlynhanuoc.vn

Tags Công nghiệp xanh ô nhiễm môi trường Định hướng phát triển

Các tin khác

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Việc xây dựng môi trường, tạo cảnh quan xanh tại Khu Công nghiệp (KCN) Long Đức (Trà Vinh) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần xây dựng “lá phổi xanh” vừa nâng cao sức khỏe cho công nhân và người lao động cũng như cộng đồng dân cư xung quanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục