Khu công nghiệp: Muốn thông minh cần kết nối và quản trị thông minh

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/12/2020 | 4:59:48 PM

QLMT - Ứng dụng công nghệ thông tin là mấu chốt trong tiến trình xây dựng một khu công nghiệp thông minh. Tính "thông minh" khởi đầu từ những việc nhỏ như: hệ thống SMS tức thời, quản lý cây xanh, chiếu sáng công cộng, phương tiện lưu thông ra sao cho đến quản lý hạ tầng, an ninh trật tự, truyền tải thông tin, bảo mật dữ liệu...

"Bắt nguồn từ ý tưởng mô hình đô thị thông minh, về một nơi đáng sống, đáng làm việc và phát triển bền vững dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, chúng tôi áp dụng mô hình này vào phát triển khu công nghiệp, tạo thành nơi gọi nôm na là khu công nghiệp thông minh,” ông Lâm Nguyễn Hải Long, giám đốc công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) chia sẻ tại hội thảo về khu công nghiệp thông minh hồi tuần rồi. 

QTSC được xem là một trong những điển hình về quá trình triển khai nhiều dự án ứng dụng công nghệ trong quản trị khu công nghiệp từ năm 2016 đến nay, tạo ra những chuyển đổi rõ nét trong nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nhìn chung, việc quản trị một khu công nghiệp có nhiều khó khăn đặc thù về quản lý hạ tầng, an ninh trật tự, truyền tải thông tin… Nguyên nhân do khu vực rộng và quá trình triển khai các giải pháp chưa được tối ưu bằng công nghệ. Chẳng hạn, việc ra – vào một khu công nghiệp thường ít được kiểm soát. Dù có trang bị hệ thống camera toàn khu nhưng khi xảy ra sự cố, quá trình phản ứng của nhân viên thường chậm. Hoặc về quản lý hạ tầng, việc gom chung tất cả bản vẽ để tạo ra một bức tranh tổng thể cũng không dễ dàng.

"Chúng tôi có đến 300 camera, nhưng khi có sự cố mất mát tài sản, 5 phút sau nhân viên mới bắt đầu chạy loạn xạ để giải quyết. Hay khi một nhà đầu tư yêu cầu cung cấp thông tin tổng thể về hạ tầng, đặt ra các câu hỏi đơn giản như toàn khu có bao nhiêu cây xanh, bao nhiêu xe máy, ô tô, xe chở hàng... cũng khó thể được giải đáp ngay,” ông Long chia sẻ những thử thách đặc thù của lĩnh vực này sau 20 năm kinh nghiệm quản trị khu công nghiệp.

Bắt nguồn từ những bất cập đó, từ năm 2016 đến nay, QTSC ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ trong nỗ lực phát triển một khu công nghiệp thông minh. Xác định cần đi từ những bước nhỏ, dự án đầu tiên của QTSC là xây dựng hệ thống SMS. Đến nay hệ thống này giúp giảm thời gian cung cấp thông tin đến khách hàng từ trung bình 2 ngày còn 2 phút. Chi phí chuyển thông tin cho khách hàng cũng giảm đến 80%.

Sau đó, QTSC lần lượt triển khai các hệ thống quản lý tài sản giúp truy xuất dữ liệu từng mảng hạ tầng riêng biệt trên cùng một ứng dụng, hệ thống lưu trữ và bảo mật dữ liệu giúp tiết kiệm hơn 30% chi phí lưu trữ và đảm bảo độ an toàn 100%, hệ thống quản lý và giám sát môi trường giúp phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề môi trường, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh giúp tiết kiệm 35% điện năng tiêu thụ…

Để xây dựng một khu công nghiệp thông minh, QTSC đã và đang từng bước triển khai nhiều ứng dụng số vào việc quản trị khu. Nguồn: QTSC 
Việc đẩy mạnh ứng dụng số tại QTSC được triển khai nhanh chóng và thuận lợi một phần đến từ thế mạnh của công viên phần mềm này vốn là nơi đóng đô của nhiều doanh nghiệp công nghệ. Nhưng đây vẫn là kinh nghiệm đáng tham khảo cho các khu công nghiệp khác.

Tại Việt Nam hiện có 326 khu công nghiệp - khu chế xuất với tổng diện tích 95.000 héc-ta. Trong đó có 251 khu hoạt động với hơn 66.000 héc-ta, có tỷ lệ lấp đầy 73%, mang đến doanh thu bình quân 1 triệu USD/héc-ta.

Theo tổ chức Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), việc đánh giá một khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu công nghệ dựa trên các tiêu chuẩn: tính kinh tế cao, bền vững, giảm khí thải, tính xanh và cuối cùng là kinh tế tuần hoàn.

Thực tế việc đầu tư các khu công nghiệp - khu chế xuất ở Việt Nam được đánh giá vẫn trong quá trình khá sơ khai, chỉ mới tập trung vào tính kinh tế để đo hiệu quả, chủ yếu tận dụng lợi thế đất đai và lao động giá rẻ.

TP.HCM hiện có 17 khu hoạt động với tổng diện tích hơn 3.800 héc-ta, theo số liệu thống kê từ Hepza. Ông Trần Thiên Long, phó chủ tịch hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) nhìn nhận, các khu công nghiệp hoạt động đa dạng nhưng thiếu kết nối, vì thế không tận dụng thế mạnh của các doanh nghiệp để tạo ra chuỗi cung ứng bền vững.

Nhận thấy điều này, từ năm 2018 HBA đã bắt đầu các hoạt động kết nối giao thương và xây dựng chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM. Theo đó HBA đã triển khai giải pháp quản trị chuỗi cung ứng nhằm kết nối hơn 1.000 doanh nghiệp trong các khu này và mở rộng kết nối đến gần 800.000 doanh nghiệp khác với vai trò là nhà cung cấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt khai thác tối đa thị trường trong nước để phát triển bền vững.

Cũng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững này, sau 5 năm thực hiện nhiều dự án ứng dụng số, sắp tới công viên phần mềm Quang Trung sẽ xây dựng nền tảng mở cho bên thứ ba khai thác, tích hợp dữ liệu trên cùng nền tảng và triển khai các ứng dụng mở rộng.

"Giống như các khu công nghiệp khác, QTSC xuất phát là một công ty hạ tầng, hoạt động đơn giản bằng cách cho thuê đất. Nhưng với tác động của các công nghệ thông minh, bây giờ chúng tôi đã chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, hướng đến mô hình một đô thị xanh và thông minh,” ông Lâm Nguyễn Hải Long khẳng định./.

Bích Trâm/forbesvietnam.com.vn

Tags khu công nghiệp kết nối công nghệ thông tin

Các tin khác

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm sớm phổ biến Nghị định số 32 về cụm công nghiệp và thông tư hướng dẫn thực hiện.

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự