Năm khu công nghiệp được chọn làm khu công nghiệp sinh thái

  • Cập nhật: Chủ nhật, 22/11/2020 | 2:09:40 PM

QLMT - Dự án được thực hiện trong 36 tháng và 5 nơi được chọn là các khu công nghiệp Đình Vũ (DeepC – Hải Phòng), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Amata (Đồng Nai), Hiệp Phước (TP.HCM), Trà Nóc (Cần Thơ).

Thông tin này được chia sẻ trong khuôn khổ Hội thảo khởi động Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” được tổ chức chiều 20/11 tại TP.HCM.

Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cùng đại diện các bên liên quan ký kết Dự án

Dự án có tổng kinh phí là 1.821.800 đô la Mỹ, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại 1.683.000 đô la Mỹ từ Chính phủ Thụy Sỹ thông qua SECO, vốn đối ứng là 138.800 đô la Mỹ. Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và 5 tỉnh/thành phố, gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Tính đến tháng 6/2020, cả nước có tổng số 366 khu công nghiệp, trong đó có 279 khu công nghiệp đang hoạt động tại 61 tỉnh, thành phố. Năm 2019, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt tổng doanh thu khoảng 235 tỷ USD (tăng hơn 8% so với năm 2018); kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 142 tỷ USD, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng khoảng 115 so với năm 2018), tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp.

Trong những năm qua, hệ thống khu công nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và các cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21)...

Để góp phần giải quyết thách thức trên, trong giai đoạn 2014 – 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO và một số nhà tài trợ triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái, đạt được các kết quả tích cực trong xây dựng thể chế và áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ thí điểm đã hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm trên 22.000 Mwh điện, 600.000 m3 nước sạch, 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm.

Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước trong giai đoạn tới.

Thông qua 2 hợp phần với các nội dung chính: (i) Hoàn thiện cơ chế chính sách và hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái và (ii) Triển khai các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường thành khu công nghiệp sinh thái, Dự án sẽ hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng nền tảng thông tin, kỹ thuật để kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện các giải pháp chuyển đổi khu công nghiệp thông thuờng thành khu công nghiệp sinh thái.

Việc triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ góp phần quan trọng trọng việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về khu công nghiệp sinh thái nói riêng, cũng như lồng ghép trong các quy định của pháp luật về môi trường, công nghiệp và các chính sách có liên quan.

Phát triển công nghiệp hướng tới bền vững về môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng đang là xu hướng phát triển chung tại nhiều quốc gia, thì khu công nghiệp sinh thái có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển công nghiệp bền vững tại Việt Nam. Các bên liên quan hy vọng kết quả của Dự án sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên phạm vi cả nước.

Theo Báo Đầu tư

Tags khu công nghiệp khu công nghiệp sinh thái ô nhiễm khu công nghiệp quy hoạch khu công nghiệp

Các tin khác

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm sớm phổ biến Nghị định số 32 về cụm công nghiệp và thông tư hướng dẫn thực hiện.

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự