Yên Bái triển khai nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/4/2022 | 8:05:47 AM

QLMT - Có thể thấy, thời gian qua, các mô hình phân loại rác đã phát huy hiệu quả trong việc biến rác trở thành "tài nguyên”, giảm thiểu rác thải sinh hoạt ra môi trường.

Tại một tỉnh miền núi như Yên Bái, việc làm này đang từng bước được chính quyền và người dân quan tâm triển khai với nhiều mô hình phù hợp.

Yên Bái triển khai nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn
Các mô hình phân loại rác giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Nhiều năm nay, người dân xã Việt Thành, huyện Trấn Yên đã quen với việc phân loại rác thải tại nguồn. Vốn là xã triển khai mô hình điểm phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại nguồn của tỉnh, người dân Việt Thành đã được hỗ trợ để xây dựng mô hình xã hội hóa thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đồng thời được hướng dẫn các kiến thức để phân loại rác.

Hay mô hình "Ngôi nhà xanh” của các cấp hội phụ nữ, Đoàn thanh niên cũng được triển khai ở hầu khắp các xã, phường, trị trấn trên địa bàn tỉnh. Mô hình này thực chất là các "ngôi nhà” được dựng lên bằng khung thép, có mái che để chứa đựng các loại vật liệu tái chế như: vỏ lon, chai, lọ, giấy, báo, bìa cát tông…

Tùy thuộc vào tình hình cụ thể, khi "Ngôi nhà xanh” đầy, các chi hội, cơ sở đoàn sẽ tiến hành phân loại, bán cho các đơn vị thu mua phế liệu để gây quỹ hoặc ủng hộ các em học sinh nghèo. Hội Nông dân tỉnh cũng đã triển khai Mô hình Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình… Tất cả đã giúp nhân dân nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn như: các quy định về BVMT nông thôn; cách phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt; hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón.

Có thể thấy, thời gian qua, các mô hình này đã phát huy hiệu quả trong việc biến rác trở thành "tài nguyên”, giảm thiểu rác thải sinh hoạt ra môi trường. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tăng dần mỗi năm, đến năm 2021 là trên 24%.

Đây cũng là tín hiệu vui cho những bước đầu tiên để Yên Bái đi vào thực thi Luật BVMT 2020. Một trong những điểm mới của Luật BVMT 2020 là quy định về việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì sẽ phải chịu phí xử lý rác thải khá cao.

Quan điểm của tỉnh là chất thải rắn sinh hoạt phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có nhà máy đầu tiên và duy nhất áp dụng công nghệ tái chế rác thành phân vi sinh và hạt nhựa của Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành. Tuy nhiên, do hệ thống đốt đã cũ, hiệu quả xử lý giảm, tình hình tiêu thụ sản phẩm tái chế không tốt nên lượng rác thải vẫn chủ yếu được chôn lấp.

Bởi vậy, cùng với các mô hình phân loại rác tại nguồn đã triển khai, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư xã hội hóa, dự kiến xây dựng 2 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt sử dụng công nghệ đốt có thu hồi năng lượng để phát điện vào giai đoạn sau năm 2025. Đồng thời, tích cực tuyên truyền thay đổi nhận thức về phân loại rác thải. Khi mỗi người dân thay đổi nhận thức, thay vì bị chôn lấp, rác thải có thể được tái sinh, tái chế giảm thiểu rác thải nhựa hay trở thành nguồn phân bón hiệu quả cho cây trồng, vừa an toàn, tiết kiệm vừa BVMT.

Tùng Ngân (T/h)

Tags Yên Bái mô hình phân loại rác phân loại rác tại nguồn phân loại rác

Các tin khác

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Sáng ngày 8/3, tại chợ nông thôn Vị Thanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Lễ ra mắt thực hiện mô hình "Phụ nữ xách giỏ đi chợ" nhằm vận động tuyên truyền bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng túi nilon.

Mô hình “Hố rác xanh” được xây dựng tại 10 hộ gia đình ở thôn An Mỹ. Hố được xây dựng bằng gạch, thể tích chứa 0,7 m3, phía trên có nắp đậy kín.

Vừa qua, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình Mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa năm 2024 tại chợ Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, nhằm tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên, người dân nâng cao ý thức, hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục