Tản mạn hồ và bờ hồ

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/12/2020 | 8:33:57 AM

QLMT - Tên hồ hay tên cửa ô thường khơi gợi kỷ niệm, nó vẫn quay trở lại một thời mà nó đã trở thành tài sản vô giá của ký ức, của những người muôn năm cũ và tôi chỉ nhớ về Hà Nội cũ.

Có người từng lớn lên ở một làng quê hẻo lánh, có người cất tiếng khóc chào đời ở thị trấn một ga xép, có người lớn lên trong con ngõ nhỏ, phố nhỏ và lại có người sinh ra ở ngôi nhà ven biển, không có hồ ao… để rồi ai cũng có bến đỗ tuổi thơ quay về.

Tôi đã sinh ra bên hồ nước lớn, hồ Bảy Mẫu. Phía bên kia đường Lê Duẩn là hồ Ba Mẫu, rồi cách một con đường không rộng lắm có hồ Thiền Quang. Nếu đi bộ khoảng 1 cây số nữa là hồ Gươm, Tháp Rùa. Cây cầu Thê húc đỏ như dải khăn cong, đem may mắn đến cho ai đặt chân tới đây.


ho-guom

Hà Nội của tôi không chỉ có ngõ, phố, có cả hai hàng cây cơm nguội tít tận trên đê Yên Phụ, rồi có phố cổ trưng bày cả nghề tiện gỗ ở phố Tô Tịch (phường Hàng Gai). Hà Nội vẫn còn một người làm khuôn gỗ để giỗ chạp, tết nhất về thì người dân đóng oản và đóng bánh nướng bánh dẻo cổ truyền ngày rằm tháng 8. Nghề được giữ ngàn năm đều do bàn tay cha truyền con nối. Phố lan man phố, ngõ lan man ngõ, lan man phận đời người. Nhưng hồ cũng có phận hồ lan man sau nhiều năm tuổi. Tôi nhớ hồ Bảy Mẫu đi sang hồ Thiền Quang là con đường đất, ven bờ hồ là đất, chưa hề lát đá và cỏ mọc um tùm. Hồi đó, dân cư chung quanh ngõ nghèo Trung Phụng, rồi dân chạy chợ ở ngõ chợ Khâm Thiên, cũng có gia đình chăn nuôi thỏ hay ra bên hồ cắt cỏ nuôi ngỗng. Ngày xưa ven hồ còn có một con đường ray ọp ẹp chở vài chiếc xe goòng, chả rõ chở đất hay chở cành cây khô xung quanh (công viên Lê Nin khi ấy).


Hồ Thiền Quang.

Với tôi hơi thở của hồ luôn có nước và bờ đất cây mọc râm mát khi chạy chân trần. Mùa hè lũ con trai trong ngõ đi đổ nước ở bãi cỏ và có thể đổ nước chờ dế chui lên, để bắt dế mèn. Khi bắt được con dế mèn, chúng tôi buộc chỉ vào chân và cho vào một bao diêm để chơi cả buổi. Trò chơi với dế mèn, với hộp diêm là cái thú của tuổi thơ thời ấy. Bọn con trai chơi đánh khăng đánh đáo, rồi nhảy ùm xuống hồ bơi, hết bơi lại lên bờ chơi khăng, chơi đáo tiếp.

Có hôm chúng tôi chơi bên hồ, hôm thì đi bộ lên hồ Gươm ăn kem Tràng Tiền dù chỉ có mấy xu. Những người cùng tuổi tôi, thuở ăn kem mấy xu, nay tóc đã trắng như sương, ăn phở gánh nghe tiếng kéo bễ xịch tắc, xịch tắc… vui tai ra phết. Còn nữa, cái mùi nước phở gánh luôn ám ảnh trong trí nhớ mùa đông không mờ. Hồi đó, ven bờ hồ Gươm là đất, tha hồ nhảy dây và tha hồ chơi tập trận giả. Cây lộc vừng già nua ra hoa, bọn con gái nhặt về xâu thành chuỗi đeo trên đầu chơi trò chơi làm cô dâu và đeo vòng cổ giả vờ làm công nhân lao động tiên tiến. Cái bằng khen lao động tiên tiến ngày xưa nhà nào cũng treo trong nhà, mỗi khi năm mới đến, cốt để khoe thành tích và cũng là cách làm đẹp nhà. Nhà nào sắm được 1 cái phích nước Rạng Đông cũng sẽ bầy trên bàn trà nom cho nó sang nhà cùng bộ ấm chén làng Bát Tràng, thời còn đốt lò nung gốm bằng than cũng cũ như màu đất. Ngày đó, người dân Hà Nội toàn uống trà xanh, trà cám, có gói trà tem phiếu ngày tết thì dành dụm khi có khách mới dám pha. Đời người bên phận hồ lắm nông nỗi, lắm nỗi niềm để ngoảnh lại.

ho-guom-1

Hà Nội bên hồ xưa vẫn có những quán trà chén đặc sản 5 xu, rồi trà chén lên giá một hào, giờ thì đã ba ngàn đồng một cốc trà chén. Đâu đó trong ngõ hàng, vẫn còn có vài quán trà chén, nhất là gần quán phở, quán bún. Hè phố là nơi nhiều phận người nghèo mưu sinh. Hè phố cũng đã đổi thay, năm nay dù có dịch giã Covy, thành phố Hà Nội vẫn ốp đá xung quanh bờ hồ Gươm và các phố cổ lân cận. Các hồ nước xung quanh nơi tôi sống cũng đã ốp đá. Nghe nói đá có độ bền 70 năm mà đá mới lát vỉa hè mới được hơn ba tháng tại con đường uốn quanh công viên Thống Nhất, đã thấy nhiều viên đá đã vỡ và đá cập kênh, rất nhiều chỗ cập kênh.




Chỉ là viên đá lát hè phố, lại có câu chuyện buồn của đá lát. Ý thức công dân của người dân xây dựng xem ra còn thấp lắm, họ chỉ lát hè như lát cho xong. Kiểu cha chung không ai khóc. Đá vỉa hè đã vỡ mới hai tháng, không có ai thay, không có ai kêu và đá đã vỡ người ta vẫn hồn nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Trong công viên Thống Nhất đã có nhiều đổi thay, nhiều trò chơi cho trẻ và cỏ cũng mướt mát xanh trên những bãi cây vả, cây me và phượng vĩ. Rồi những quán ăn nhanh, uống nhanh trên chiếc xe ba bánh, xung quanh hồ Bảy Mẫu nó còn nhuôm nhoam lắm, nhếch nhác lắm và hàng quán đang làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của thiên nhiên. Tôi đã được một lần chứng kiến hồ Bảy Mẫu nạo vét đáy hồ, có những thảm cỏ lọc nước sạch và quán gió với cây cầu cong, hoa thơm cả bốn mùa. Bây giờ hồ không có bờ đất, ngày xưa khi trở giời tôm cá nổi lên nhiều vô kể. Người dân quanh hồ đi vớt tôm vớt cá vui vẻ bình dị như cuộc đời thường nhật của dân cư ở các hồ ao làng quê Bắc Bộ.

Con đường đất xưa chạy sang hồ Thiền Quang, người dân của xóm Hạ Hồi hay chạy ra hồ khi ngày hè nóng bức. Trong ký ức của tôi, xóm Hạ Hồi vẫn hắt lên ngọn đèn đỏ trong một ngôi nhà của nhà văn Kim Lân. Đi ra một quãng ngắn là nhà của nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từng một thời ở đó, Nguyễn Đình Thi đã viết tiểu thuyết Vỡ bờ ở xóm Hạ Hồi. Đến nay thì xóm Hạ Hồi chỉ còn có gia đình nhiếp ảnh Hà Nội, nghệ sỹ Quang Phùng. Đi xuống một đoạn ngắn thì gặp phố Liên Trì, rẽ phải xuống ngõ Đoàn Nhữ Hài là nhà của nhà văn Tô Hoài, nhà của nhà văn Tô Hoài gần hồ Thiền Quang. Bên hồ có bao nhiêu câu chuyện hoài niệm về mỗi phận người, mỗi gia đình thành phố và bao nhiêu nhà văn, nghệ sỹ họ đã sống, đã ngang qua và đã khuất. Nhưng đọc tác phẩm của họ, hồ nước vẫn ánh lên như chiếc gương soi xuống phận người.



Đáng nhớ nhất là hồ Thiền Quang còn đó ba ngôi chùa cổ kính chùa Thiền Quang, chùa Quang Hoa và Pháp Hoa… mỗi ngôi chùa đều có vẻ đẹp riêng của nó. Nó khác biệt với hồ Bảy Mẫu, đó là hồ có tới ba ngôi chùa. Hồ Bảy Mẫu thì ở giữa đảo có một cái miếu nhỏ xinh thờ Phật và thờ cô Ba cậu Bảy ở giữa hồ. Đi qua hồ Bảy Mẫu một đoạn sẽ gặp một ngôi đền có tên Đền Roi, đi một đoạn ngắn nữa sang phố Lê Đại Hành sẽ là chùa Vân Hồ được xếp hạng di tích quốc gia. 

Còn hồ Gươm, có vẻ đẹp đặc biệt. Hồ Gươm có cây cầu Thê húc dẫn bạn vào đền Ngọc Sơn, nơi thờ Đức Thánh Trần Triều và ba vị thánh văn Xương, Lã Tổ và Quan Đế linh thiêng. Du khách quốc tế biết đến hồ Gươm nhiều hơn du khách Việt, là tôi trộm nghĩ thế. Có thể ba hồ nước gắn bó với cuộc đời tôi như ba chiếc gương dưới trời, hồ thật gần với ba cửa ô xưa, ô Quan Trưởng, ô cầu Dền và ô Đông Mác. Tên hồ hay tên cửa ô thường khơi gợi kỷ niệm, nó vẫn quay trở lại một thời mà nó đã trở thành tài sản vô giá của ký ức, của những người muôn năm cũ và tôi chỉ nhớ về Hà Nội cũ.


Theo Nhà thơ Hoàng Việt Hằng/Reatimes

Tags Hà Nội Hồ Gươm kỷ niệm tản mạn ký ức

Các tin khác

Vì sao người Hà Nội lại trồng sen ở Hồ Hoàn Kiếm? Có hai dữ kiện chúng tôi sưu tầm được, từ đó đưa ra giả thuyết về việc người Hà Nội trồng sen ở hồ Hoàn Kiếm.

Ngày 18/12/2010, khi đến đây chúng tôi thấy cây si nói trên đã được dựng lên, tán cây đã được chặt.

Điều đặc biệt trong ba lần tổ chức liên hoan múa cổ Thăng Long, diễn viên đều là những người nông dân, nghệ nhân các làng, xã của Hà Nội.

Hàng ngày đi bộ qua đấy chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy hai cây vông ở Thuỷ Tạ đang bị "bức tử".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự