Tìm thấy hậu duệ của rùa hồ Hoàn Kiếm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/12/2020 | 2:42:20 PM

QLMT - Kết quả phân tích gen cho thấy rùa mai mềm ở hồ Đồng Mô thuộc loài giải Sinhoe (Rafetus swinhoei) hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm.

Sáng 18/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các đơn vị liên quan đã công bố kết quả trên.

Theo ông Tạ Văn Sơn, Chi cục trưởng Thủy sản Hà Nội, ngày 22/10 tổ công tác tại hồ Đông Mô bẫy, bắt được con rùa mai mềm. Các đơn vị liên quan đã cân, đo và lấy mẫu gồm máu, mô... gửi đi xét nghiệm gen, sau đó thả rùa lại hồ.


Con rùa ở Hồ Đồng Mô được bẫy bắt và lấy mẫu phân tích gen. Ảnh ATP cung cấp.

Hai trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đã phân tích, kết luận gen của rùa mai mềm ở hồ Đồng Mô thuộc loài giải Sinhoe (Rafetus swinhoei) hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm. Đây là cá thể rùa cái, nặng 86 kg, dài mai 99,5 cm, rộng mai 75,5 cm.

Quỹ Bảo tồn rùa châu Á (IMC) cho biết, trên hồ Đồng Mô hiện có ít nhất hai con rùa vì đã phát hiện cả hai cùng nổi lên mặt nước tại một thời điểm và chụp được hình ảnh. Hôm 11/12, bộ phận thường trực của quỹ tại hồ Đồng Mô chụp ảnh một con rùa mai mềm, ước tính 130-150 kg. Dự kiến, con này được bẫy, bắt xác định giới tính trong năm 2021. Trường hợp là con đực, nhà chức trách sẽ tạo khu bãi cát ở hồ để rùa có thể sinh sản tự nhiên.

Ngoài ra, còn một con rùa Hoàn Kiếm đã được phát hiện tại hồ Xuân Khanh. Dự kiến đến năm 2021, cơ quan chức năng sẽ bẫy, bắt nó để xác định loài và giới tính. Các đơn vị bảo tồn cũng đề xuất mở rộng vùng tìm kiếm rùa mai mềm ở các hồ lớn khác trên địa bàn như Suối Hai, Đồng Quan...


TS Bùi Quang Tề vui mừng trước kết quả phân tích gen cho thấy đã tìm được rùa cùng loài rùa hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Võ Hải.

Theo kế hoạch bảo tồn các cá thể giải Sinhoe của UBND Hà Nội, giai đoạn 2021-2025 thành phố sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất ghép đôi sinh sản; sau đó sẽ thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản loài rùa Hoàn Kiếm.

Chúc mừng các đơn vị "đã tìm thấy hậu duệ rùa Hồ Gươm", chuyên gia thủy sản Bùi Quang Tề cho rằng kết quả xét nghiệm gen của các đơn vị có tư cách pháp nhân đã khẳng định nhận định của ông rằng không chỉ có một con rùa Hoàn Kiếm là đúng. Trước mắt, cần đặt tên cho con rùa đã được xác định gen và mở rộng tìm kiếm vì "tôi tin chắc hồ Đồng Mô không chỉ có một con".

Ông Nguyễn Thanh Bình, Vụ bảo tồn thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đề xuất trước mắt để bảo vệ rùa ở hồ Đồng Mô, thành phố có thể thành lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm bảo vệ nơi sống, sinh sản tự nhiên của chúng.

Đại diện thị xã Sơn Tây (nơi có hồ Đồng Mô) và huyện Ba Vì (nơi có hồ Xuân Khanh) đã cam kết thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phối hợp bảo vệ những con rùa trên địa bàn.

Rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoe, Rafetus swinhoei) được mô tả lần đầu tiên từ năm 1873, nhưng thực tế có rất ít nghiên cứu về loài rùa mai mềm khổng lồ này. Rùa Hoàn Kiếm hiện còn bốn con, trong đó hai ở Trung Quốc, một ở Đồng Mô và một ở Xuân Khanh. Con rùa Rafetus swinhoei duy nhất sống ở Hồ Gươm đã chết vào tháng 1/2016.

Từ năm 2003, Chương trình bảo tồn rùa châu Á thực hiện các cuộc điều tra phỏng vấn tại nhiều khu vực thuộc 18 tỉnh miền Bắc Việt Nam để tìm kiếm. Loài rùa đặc biệt này từng được tìm thấy tại hầu hết khu vực thuộc đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, chúng đã bị săn bắt mạnh mẽ trong suốt thập niên 1970 và 1980, cho đến tận những năm cuối của thập niên 1990.

Con rùa Hoàn Kiếm vừa bẫy bắt ở hồ Đồng Mô được các nhà bảo tồn của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á phát hiện lần đầu vào năm 2007. Năm 2008, trong trận lụt lịch sử của Hà Nội, nó đã lọt ra ngoài hồ và bị ngư dân bắt. Nhờ sự vận động của cơ quan chức năng và giới bảo tồn, rùa Hoàn Kiếm được đưa lại hồ và được theo dõi đến ngày nay.


Theo Võ Hải/ Vnexpress

Tags Hà Nội rùa Hoàn Kiếm hồ Đồng Mô rùa mai mềm

Các tin khác

Vì sao người Hà Nội lại trồng sen ở Hồ Hoàn Kiếm? Có hai dữ kiện chúng tôi sưu tầm được, từ đó đưa ra giả thuyết về việc người Hà Nội trồng sen ở hồ Hoàn Kiếm.

Ngày 18/12/2010, khi đến đây chúng tôi thấy cây si nói trên đã được dựng lên, tán cây đã được chặt.

Điều đặc biệt trong ba lần tổ chức liên hoan múa cổ Thăng Long, diễn viên đều là những người nông dân, nghệ nhân các làng, xã của Hà Nội.

Hàng ngày đi bộ qua đấy chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy hai cây vông ở Thuỷ Tạ đang bị "bức tử".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục