UNESCO công nhận thêm hai khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/9/2021 | 10:21:57 AM

QLMT - Ngày 15-9 vừa qua, hai khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam vừa được tổ chức UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới, nhân kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra từ ngày 13 đến ngày 17-9-2021 tại Abuja (Nigeria).

Như vậy, với hai khu DTSQ Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng, Việt Nam đã có tổng cộng 11 khu DTSQ thế giới được công nhận trong giai đoạn từ năm 2000  đến năm 2020 và trở thành quốc gia có số lượng Khu DTSQ đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia).

Những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất

Khu DTSQ Núi Chúa có vùng lõi là vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa với tổng diện tích 106.646,45 ha, chính là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam Đông Nam Á. Hệ sinh thái rừng ở khu vực đề cử có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites- thuộc khu vực SA4), là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất.

Núi Chúa - Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Vườn quốc gia Núi Chúa

Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, được thành lập vào năm 2003, giáp với tỉnh Khánh Hòa. Ở vị trí cực đông của Nam Trung Bộ, nơi tiếp giáp giữa vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, có toạ độ từ 11°35'25" đến 11°48'38" vĩ bắc và 109°4'5" đến 109°14'15" kinh đông, giới hạn phía bắc là ranh giới giáp tỉnh Khánh Hòa. Nếu dựa trên địa hình tự nhiên cả quần thể vùng núi thì ranh giới phía bắc phải đến 11°52'27" tại Mũi Xốp thuộc Hòn Một ngay cửa vịnh Cam Ranh, như vậy chiều bắc nam sẽ là khoảng 33 km và tổng chiều dài đường bờ biển sẽ đến 57 km.

Khu vực Núi Chúa có ba mặt giáp biển. Ngay phía bắc là phần dưới của vịnh Cam Ranh thuộc xã Cam Lập thành phố Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa, Phía đông và nam là Biển Đông với các xã Vĩnh Hải và Nhơn Hải thuộc huyện Ninh Hải. Phía nam là đầm Nại, phía tây giới hạn bằng chính quốc lộ 1A. Vườn Quốc Gia Núi Chúa nằm trong miền Trường Sơn Nam thuộc địa đới Kontum, có tuổi địa chất cách đây hàng triệu năm, nằm lọt hoàn toàn trong khu vực khí hậu ven biển miền trung thuộc vùng khí hậu Nam Trung Bộ với đặc điểm là khô hạn cao trong toàn bộ chế độ mưa-ẩm.

Cao nguyên Kon Hà Nừng
Cao nguyên Kon Hà Nừng

Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng có tổng diện tích 413.511,67ha gồm 2 vùng lõi là VQG Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng với hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình, còn tương đối nguyên vẹn. Hai khu vực này có tính đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên. Khu DTSQ Kon Hà Nừng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên, khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ. 

Kon Hà Nừng còn được gọi là "Nóc nhà Đông Dương” với đỉnh núi cao nhất hơn 1.700m cùng nhiều loại đặc hữu mới phát hiện gần đây như loài Khứu Kon Ka Kinh, Chà vá chân xám là loại linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Không chỉ sở hữu những cánh rừng rộng lớn với các đặc điểm chuyên biệt rừng Tây Nguyên, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng cơ bản giữ vẹn nguyên hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới với cây xanh lá rộng, cây lá kim, rừng thưa xanh lá kim, thảm cây bụi, trảng cỏ… có tính đa dạng sinh học cao. Trong đó, các loài động, thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao; 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú; 326 loài chim; 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là vùng rừng nhiệt đới xanh núi thấp, đặc biệt là nằm ở một phần diện tích có cư dân bản địa sinh sống.

Bên cạnh hệ sinh thái độc đáo, hai khu DTSQ Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng đều chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây. 

Động lực để phát triển kinh tế - xã hội

Việc UNESCO công nhận thêm 2 Khu DTSQ của Việt Nam thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam. Đó là điều kiện tuyệt vời để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Các khu DTSQ khi được UNESCO công nhận sẽ là mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học… 

Khu vực dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận có ý nghĩa to lớn trong việc cung cấp các giải pháp giải quyết một trong những thách thức quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt, đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội và giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu như nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu đối với nhân loại.

Sông Thương

Tags UNESCO núi Chúa Cao nguyên Kin Hà Nừng bảo tồn khu dự trữ sinh quyển

Các tin khác

Nhờ vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá, thiên nhiên, Tạp chí du lịch Times Out đã bình chọn Sapa là một trong 16 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, nhất là sau khi thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, du lịch xanh, bền vững ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo được đông đảo du khách lựa chọn. Trong rất nhiều điểm đến ồn ào khói bụi và đông đúc, du lịch huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đang là một điểm đến xanh, để du khách có thể thảnh thơi tận hưởng kỳ nghỉ của mình.

Na Hang (tên chính xác là Nà Hang - với ý nghĩa trong tiếng Tày là ruộng cuối hoặc ruộng dưới thung lũng) là một huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang, Việt Nam. Những năm gần đây, Na Hang được biết đến là địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Tuyên Quang với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

ếu dòng sông là báu vật thiêng liêng mà tạo hóa sinh ra, thì đô thị là sản phẩm kiến trúc - văn hóa vĩ đại của loài người. Và cũng chính các dòng sông đã mang đến cho đô thị một diện mạo văn hóa khác biệt, tạo nên bản sắc của đô thị đó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục