Hùng tráng chương trình nghệ thuật "Tình yêu Hà Nội" lần thứ XIII

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/12/2020 | 4:17:35 PM

QLMT - Tối 14-12, chương trình nghệ thuật "Tình yêu Hà Nội" lần thứ XIII – năm 2020 do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức, kỷ niệm 48 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" (1972-2020) và tôn vinh các nhạc sĩ Ngô Hoàng Dương, Đặng Hữu Phúc, Vũ Thiết, đã diễn ra hùng tráng và giàu ý nghĩa tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI, theo dõi, hướng dẫn Đảng bộ thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng.

hn-vinh-danh
Các nhạc sĩ được tôn vinh tại chương trình

Đây là chương trình nghệ thuật thường niên nhằm tôn vinh các nhạc sĩ hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và giới thiệu với công chúng Thủ đô những tác phẩm âm nhạc hay về Hà Nội, thông qua đó khơi dậy tình yêu, lòng tự hào của nhân dân với Thủ đô và đất nước.

Phát biểu tại chương trình, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhấn mạnh, chương trình "Tình yêu Hà Nội" lần thứ XIII - năm 2020 như một cuốn nhật ký bằng âm thanh ghi lại những thăng trầm của đất nước, những kỷ niệm 12 ngày đêm "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không" và những ký ức yêu thương, tự hào về Hà Nội của các nhạc sĩ Hà Nội.

Chương trình được dàn dựng công phu, giàu nghệ thuật với hai phần. Trong phần đầu "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không", khán giả được thưởng thức những ca khúc chứa đựng lịch sử hào hùng của quân và dân Thủ đô trong kháng chiến, như: "Bài ca Hà Nội" (Vũ Thanh), "Hà Nội những đêm không ngủ" (Phạm Tuyên), "Hà Nội của tôi" (Tiến Minh), "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không" (Phạm Tuyên), "Hà Nội niềm tin và hy vọng" (Phan Nhân).

Phần sau chương trình dành để tôn vinh 3 nhạc sĩ Thủ đô đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật là Ngô Hoàng Dương, Đặng Hữu Phúc, Vũ Thiết. Trong đó, nhạc sĩ Ngô Hoàng Dương (1933-2017), là nghệ sĩ biểu diễn, giảng dạy và sáng tác âm nhạc tên tuổi của Việt Nam. Ông có công đầu trong việc xây dựng Bộ môn Violon - cello và Khoa Dây của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Trong đêm nhạc, khán giả được thưởng thức các tác phẩm nổi bật của ông như "Hướng về Hà Nội", "Ru lại tình sau", "Tiếng hát anh tìm em", "Tiếng mưa rơi". Đặc biệt, bản độc tấu violon "Hát ru", bản độc tấu cello "Tiếng hát sông Hương" do các con ông là Nghệ sĩ nhân dân Ngô Hoàng Quân, Nghệ sĩ ưu tú Ngô Hoàng Linh thể hiện.

Chương trình nghệ thuật được nối tiếp bằng các tác phẩm nổi bật của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: "Lời ru trống đồng", "Lời ru mùa đông", "Hà Nội mưa mùa đông", "Bên dòng sông năm tháng", "Trăng chiều", độc tấu piano "Chùm hoa Việt Nam". Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sinh năm 1953, theo học sáng tác và biểu diễn piano tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và tu nghiệp tại Nhạc viện quốc gia Paris (Pháp). Ngoài viết nhạc giao hưởng thính phòng, ông còn viết hàng trăm ca khúc, nhạc phim và nhạc sân khấu.

Khép lại chương trình là phần tôn vinh nhạc sĩ Vũ Thiết qua các tác phẩm: Song tấu sáo và piano "Rừng gọi", "Hà Nội thu", ca khúc "Nghe câu quan họ trên cao nguyên", "Lời sóng hát", "Tiếng hát bên dòng sông Trà", "Khúc tráng ca biển". Nhạc sĩ Vũ Thiết sinh năm 1956, tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông viết nhiều ca khúc, trong đó nổi bật là các sáng tác về Tây Nguyên, biển đảo.

Với sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam do nhạc trưởng Tetsuji Honna chỉ huy, nhiều giọng ca nổi tiếng như Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, ca sĩ Phạm Thu Hà, Vũ Thắng Lợi, Minh Chuyên, Đăng Thuật, Hoàng Quyên, Lương Nguyệt Anh, cùng nhóm Ngũ Lão, nhóm Pha Lê, nhóm Thăng Long, Dàn hợp xướng Hanoi Harmony, chương trình đã để lại ấn tượng sâu đậm trong khán giả.

Theo Hà Nội Mới

Tags tình yêu Hà Nội văn hóa Hồ Gươm vẻ đẹp Hồ Gươm

Các tin khác

Với giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, những giếng cổ không chỉ là nơi cung cấp nước mà còn là nơi linh thiêng, được dân làng tôn kính và giữ gìn như một phần không thể tách rời của cuộc sống.

Nhờ vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá, thiên nhiên, Tạp chí du lịch Times Out đã bình chọn Sapa là một trong 16 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, nhất là sau khi thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, du lịch xanh, bền vững ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo được đông đảo du khách lựa chọn. Trong rất nhiều điểm đến ồn ào khói bụi và đông đúc, du lịch huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đang là một điểm đến xanh, để du khách có thể thảnh thơi tận hưởng kỳ nghỉ của mình.

Na Hang (tên chính xác là Nà Hang - với ý nghĩa trong tiếng Tày là ruộng cuối hoặc ruộng dưới thung lũng) là một huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang, Việt Nam. Những năm gần đây, Na Hang được biết đến là địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Tuyên Quang với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục