Đảm bảo an ninh nguồn nước vì sự phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2020 | 4:37:34 PM

Sáng 29/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo thường niên các Tổ chức xã hội năm 2020 với chủ đề “An ninh nước vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.

nc
Quang cảnh buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA cho biết: Nước là nguồn sống của mọi con người, là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội. Nước quyết định sự tồn vong của một quốc gia - dân tộc. Nguồn nước và nước sạch liên quan trực tiếp đến tất cả mọi người, mọi vùng, kể cả ở nông thôn và đô thị. Bảo đảm nguồn nước và nước sạch đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, đồng thời cũng là vấn đề cấp thiết của nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó từ nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ tài nguyên nước (TNN) và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát triển TNN của Việt Nam chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ liên quan đến nguồn nước và chất lượng nguồn nước. Mặc dù nguồn TNN rất dồi dào song phân bố không đều theo thời gian và không gian, có tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, khô hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn. Ngoài ra, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, các nhà khoa học đã chia sẻ, thảo luận các vấn đề về nước với cuộc sống và sức khỏe con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu; các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần vào phát triển bền vững ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng: Việc cấp nước an toàn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu bệnh tật liên quan đến nước; nâng cao ý thức tiết kiệm của cộng đồng trong việc sử dụng nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngoài ra, cấp nước an toàn góp phần tiết kiệm nước, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc cấp nước an toàn còn gặp một số hạn chế như nước chưa được coi trọng là hàng hóa đặc biệt, hoạt động cấp nước nguy cơ mất an toàn cao do nguồn nước thiếu, nhiễm mặn, ô nhiễm. Mô hình quản lý cấp nước khu vực nông thôn chưa hợp lý. Chất lượng nước sạch nông thôn không đồng đều, tại một số trạm xử lý chưa thực sự đảm bảo chất lượng do công nghệ xử lý đơn giản và lạc hậu.

Chia sẻ về các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, bà Lê Thị Việt Hoa, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết: Cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch TNN quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN; nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN; hoàn thiện việc xây dựng hệ thống giám sát TNN, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc khai thác sử dụng nước; nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với vùng.

Theo Hoàng Ngân/Báo TNMT

Tags an ninh nguồn nước phát triển bền vững nước sạch

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục