Cô giáo 9X đam mê tái chế rác

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2022 | 11:54:41 AM

Hộp xốp đựng thực phẩm, những tấm bìa carton, khay xốp, lõi giấy vệ sinh, vải vụn… tưởng như vô dụng đã trở thành những món đồ trang trí độc đáo nhờ sự khéo léo và sáng tạo của cô giáo Lê Nguyễn Tố Dzi ở TP.HCM.

Niềm đam mê với tái chế

Ngoài việc sở hữu cái tên đặc biệt, nụ cười tươi tắn, mọi người còn biết đến Tố Dzi bởi niềm đam mê với tái chế của cô.

Từ lúc còn nhỏ, cô đã có thói quen nhặt lại nắp chai, thùng carton, lõi cuộn chỉ, lõi giấy vệ sinh… để làm những món đồ trang trí đơn giản mà mình yêu thích. "Sau này mình thấy trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều đồ bỏ đi như khay xốp đựng thực phẩm, thùng giấy, lõi giấy vệ sinh… Những thứ này hình dạng rất đồng đều và đẹp. Mình thấy phí lắm nên đã tích trữ lại để tái chế dần, sử dụng cho hết vòng đời của nó”, Tố Dzi chia sẻ.

Với bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ, Tố Dzi đã làm ra những món đồ trang trí đẹp, độc, lạ cho ngôi nhà nhỏ của mình như: khung ảnh, lò sưởi, nhà cho thú cưng, hộp khăn giấy làm từ thùng carton, bàn trà, khay trang trí...



Tố Dzi và ngôi nhà của chó cưng tái chế từ thùng carton. Ảnh nvcc

Tố Dzi kể lại: "Tùy vào độ khó của những món đồ khác nhau nhưng trung bình sẽ mất 4 tiếng để hoàn thành một sản phẩm. Công đoạn khó nhất, mất nhiều thời gian nhất có lẽ là lên ý tưởng và phác thảo ý tưởng. Đôi khi mình tưởng tượng các mẫu rất đẹp nhưng khi thực hiện thì khả năng cắt, dán hoặc do tính chất của vật liệu không đạt được tính thẩm mỹ như mình muốn”.

Thông qua những món đồ tái chế và các video hướng dẫn làm đồ tái chế trên Youtube của mình, Tố Dzi luôn có niềm tin, hi vọng mọi người sẽ dần thay đổi thói quen và khi thấy các thùng giấy, khay xốp, chai lọ… sẽ giữ lại để tái chế thành những món đồ rất hữu ích.

Lan tỏa ‘sống xanh’ đến cộng đồng

Tố Dzi cho biết, may mắn nhất của cô là sự quan tâm, yêu thích của những người xung quanh đối với những món đồ tái chế của mình. Hiện tại cô vẫn chưa có ý định kinh doanh mà chỉ muốn chia sẻ cho mọi người cùng tái chế với mình.

Có sẵn niềm đam mê với những món đồ handmade từ nhỏ, kết hợp với tình yêu môi trường đã đưa Tố Dzi đến với quyết định lập kênh Youtube ‘Dzi Lê diy’ vào khoảng năm 2018 để hướng dẫn mọi người cùng tái chế. Đến hiện tại kênh Youtube đã có hơn 1,6 triệu người theo dõi.


Chậu cây tái chế từ các hộp nhựa. Ảnh nvcc

Chị Phương một thành viên trong nhóm ‘Ý tưởng tái chế’ cho biết: "Tôi theo dõi Tố Dzi vì các sản phẩm bạn ấy làm rất ấn tượng, các video trên youtube hưỡng dẫn dễ làm theo, nguyên liệu dễ kiếm nên tôi hay làm cùng các con”.

Là giáo viên mầm non, cô Hoa (Q.Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên tham khảo các sản phẩm hộp bút, khung ảnh, lò sưởi để hướng dẫn và tái chế cùng các em nhỏ trong các giờ học. "Các con thích lắm. Được học thực tế, được gấp giấy, cắt dán và có sản phẩm về tặng bố mẹ thì các con lại càng háo hức để học”, cô Hoa kể.

Chia sẻ thêm về những việc mình làm, Tố Dzi cho biết cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi mọi người yêu mến và lan tỏa được những giá trị tích cực đến cho cộng đồng. "Mình hi vọng kênh Youtube, Fanpage của mình sẽ ngày càng đến với nhiều người hơn, nhất là với các bạn trẻ. Việc tái chế của mình góp phần nào vào việc giảm rác thải từ các vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Mang lại cái nhìn mới mẻ hơn cho mọi người về tái chế”, Tố Dzi vui vẻ nói.

Theo Thanhnien.vn

Tags tái chế rác sáng tạo cô giáo

Các tin khác

Từ đống rác thải hữu cơ tưởng chừng vô dụng, qua sáng chế tài hoa của kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh, chúng lại biến thành phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường.

Thổi hồn vào những phế liệu bỏ đi bằng cả niềm đam mê và kiến thức, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân đã tạo nên một dòng chảy nghệ thuật khác biệt – nghệ thuật tái sinh.

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa đến từ Đại học Huế vừa vinh dự nhận được Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 vì có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Nhận thức về tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, BĐKH đối với môi trường sống, em Phạm Nguyễn Minh Quang, trường THCS Thị trấn Lấp Vò đã có những hoạt động bảo vệ môi trường. Em là một trong 18 gương mặt được vinh danh "Trẻ em của năm" 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự