"Hiệp sĩ" bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/11/2020 | 2:32:01 PM

QLMT - Đó là những người không phải dấn thân “hành hiệp” vì những điều gì cao cả “trọng nghĩa khinh tài” như người xưa hay nói, đơn giản chỉ là muốn giữ cho cảnh quan môi trường luôn được gần với Mẹ thiên nhiên như vốn có.


Ngày càng có nhiều bạn trẻ "hiệp sĩ” làm sạch Sơn Trà.
Chưa bước qua tuổi "tam thập nhi lập”, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) Lê Thị Trang 6 năm trước đã làm một việc đáng để giới trẻ ngưỡng mộ. Năm đó, xuất phát từ ý tưởng của GreenViet và Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý), hai bên đã "bắt tay” thực hiện kế hoạch phối hợp hàng quý làm sạch rác ở bán đảo Sơn Trà qua chương trình Vì một Sơn Trà xanh.

Những bạn trẻ như Trang đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của bán đảo với những việc làm tưởng chừng cỏn con nhưng mang lại hiệu quả khá bất ngờ trong việc giảm những rủi ro mà rác thải có thể gây ra cho động vật và thực vật hoang dã ở Sơn Trà. Ví như động vật, ở đây là loài Voọc chà vá chân nâu, sẽ không bị bệnh dịch khi ăn phải thức ăn thừa có dính mầm bệnh từ con người. Hay như không còn tai nạn với các cá thể chồn móc cua đã từng mắc đầu vào lon bia khi cố gắng uống nước. Hoặc túi ni-lông tồn tại trong đất làm ngăn chặn dòng nước,...

Mạng lưới tình nguyện viên của GreenViet có tên gọi là Mạng lưới Tình nguyện Sơn Trà Xanh do Trang quản lý, ra đời vào tháng 3-2014 xuất phát từ ý tưởng kết nối các CLB, đội nhóm, các cá nhân yêu thiên nhiên và môi trường để cùng thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái của bán đảo Sơn Trà.

Trong năm 2016, qua "mai mối” của Ban quản lý, đơn vị đã "bắt tay” với Let’s Do It! Vietnam tại Đà Nẵng tổ chức chiến dịch Làm sạch Sơn Trà (Clean for Son Tra). Đây là hoạt động thú vị, vừa kết hợp dọn rác góp phần bảo vệ môi trường, nhằm giảm lượng rác thải rắn trái phép trên toàn thành phố Đà Nẵng, vừa trả lại một Sơn Trà xanh đẹp trong mắt người Đà Nẵng và du khách từ khắp nơi.

Năm 2017, chiến dịch tiếp tục được tổ chức giữa GreenViet và Ban quản lý, huy động từ 100 - 300 tình nguyện viên tham gia. Mới đây, nhằm hưởng ứng Ngày Trái Đất năm 2018 chủ đề "Chấm dứt ô nhiễm do rác thải nhựa”, hai đơn vị tiếp tục tổ chức chiến dịch "Clean for Son Tra” nhằm bảo vệ môi trường nước và đất ở Sơn Trà khỏi sự xâm chiếm của những bao ni-lông, chai nhựa, hộp xốp và những loại khó phân hủy khác.

Những cái bắt tay vì môi trường đó đã mang lại những hoạt động thiết thực như thu gom rác thải trên bán đảo Sơn Trà, các hoạt động truyền thông khác... vừa thể hiện tình yêu, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường vừa nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Bán đảo Sơn Trà có vai trò quan trọng đối với giữ gìn đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu cho thành phố Đà Nẵng và phục vụ giá trị tinh thần cho du khách đến tham quan cũng như an ninh quốc gia và chủ quyền đất nước.

Lượng khách đến bán đảo Sơn Trà tăng nhanh qua các năm, theo thống kê của Ban quản lý, 5 năm qua, đã tăng từ 502.000 (năm 2013) lên 2.188.390 (năm 2017). Số lượng du khách đến tham quan một điểm đến sẽ tỷ lệ thuận với số rác do họ thải ra ở nơi đó, nếu như họ không có ý thức về bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Phó ban quản lý, năm 2013 đơn vị bắt đầu chuỗi hoạt động ra quân dọn vệ sinh "Vì một Sơn Trà Xanh” kêu gọi sự tham gia của các tình nguyện viên dọn rác tại khu vực các điểm dừng chân tại bán đảo Sơn Trà. Đến nay, hoạt động nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị liên quan tham gia phối hợp tổ chức như: Xí nghiệp môi trường Sông Biển, GreenViet, Công ty TNHH Tư vấn Mãi Mãi Xanh LABS và các hộ kinh doanh dịch vụ tại bán đảo Sơn Trà; đồng thời thu hút sự tham gia của các tình nguyện viên đến từ các CLB như Mạng lưới tình nguyện xanh, Go Green… Mọi người tham gia dọn rác với độ tuổi rất đa dạng từ 5 đến hơn 40 tuổi, trong đó chiếm phần lớn là các bạn sinh viên, học sinh các trường THPT, cao đẳng và đại học ở Đà Nẵng.

"Hiện nay, đã có rất nhiều các hoạt động dọn vệ sinh khu vực Sơn Trà và các bãi biển do các đơn vị Nhà nước hoặc tư nhân tự nguyện tiến hành. Đây là dấu hiệu cho thấy đã có sự lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường bán đảo Sơn Trà của cộng đồng”, ông Vũ lạc quan.

Các bạn trẻ tham gia hoạt động "Clean for Son Tra - Vì một Sơn Trà xanh"
Các bạn trẻ tham gia làm sạch bán đảo Sơn Trà
Các bạn trẻ tham gia làm sạch bán đảo Sơn Trà
Có thể thấy sự lan tỏa này qua hình ảnh "hiệp sĩ” bảo vệ môi trường được các nhiếp ảnh gia, các nhà thơ đưa đi đưa lại trên mạng xã hội. Chị Lê Thị Trang nhắn gởi đến các "hiệp sĩ” này: "Thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng những tài nguyên độc đáo mà không đâu có được, có giữ được hay không, là nhờ ở những người trẻ có giáo dục, có tâm huyết với quê hương, đất nước. Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên địa phương cho phát triển bền vững, để con cháu mai sau còn có cái để mà tự hào, chính là cách đi tốt nhất cho những thành phố như chúng ta”.
Những điều không được làm khi tham quan tại bán đảo Sơn Trà

1. Đối với khu vực trên cạn

- Không vứt rác bừa bãi;
- Không đốt lửa;
- Không săn, bắt động vật hoang dã;
- Không chặt cây, bẻ cành, không thu nhặt thực vật hoặc các bộ phận của thực vật;
- Không viết, vẽ bậy lên đá, công trình công cộng;
- Không cắm trại qua đêm tại khu vực công cộng;

2. Đối với khu vực biển quanh bán đảo Sơn Trà

- Không vứt rác bừa bãi và thực hiện các hành vi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến san hô và hệ sinh thái biển khu vực bán đảo Sơn Trà;

- Không lội bộ, dẫm đạp lên các rạn san hô; không khai thác, thu thập san hô, mẫu khoáng sản và động thực vật thủy sinh.

(Theo Quyết định số 2693/QĐ-UBND ngày 5-4-2011 của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quy chế Tổ chức hoạt động du lịch tại khu vực bán đảo Sơn Trà)


Văn Thành Lê/Báo Đà Nẵng

Tags bảo vệ môi trường GreenViet Sơn Trà Xanh

Các tin khác

Từ đống rác thải hữu cơ tưởng chừng vô dụng, qua sáng chế tài hoa của kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh, chúng lại biến thành phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường.

Thổi hồn vào những phế liệu bỏ đi bằng cả niềm đam mê và kiến thức, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân đã tạo nên một dòng chảy nghệ thuật khác biệt – nghệ thuật tái sinh.

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa đến từ Đại học Huế vừa vinh dự nhận được Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 vì có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Nhận thức về tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, BĐKH đối với môi trường sống, em Phạm Nguyễn Minh Quang, trường THCS Thị trấn Lấp Vò đã có những hoạt động bảo vệ môi trường. Em là một trong 18 gương mặt được vinh danh "Trẻ em của năm" 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự