Xác định sức tải của thủy vực ven biển để dự báo ô nhiễm trong tương lai

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/5/2022 | 9:18:57 AM

QLMT - Trong nhiều năm, TS. Cao Thị Thu Trang và các đồng nghiệp tại Viện Tài nguyên và Môi trường Biển đã đi khắp các vùng biển từ Bắc vào Nam để đánh giá sức chịu tải của nhiều dạng thủy vực khác nhau, từ đó xây dựng nên Quy trình xác định sức tải của thủy vực ven biển để báo ô nhiễm trong tương lai.

Quy trình nói trên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số2-0001872 công bố ngày 01/10/2018.

Xác định sức tải của thủy vực ven biển để dự báo ô nhiễm trong tương lai - Ảnh 1
Thực hiện thí nghiệm khuếch tán tại Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long. Ảnh: NVCC

Các nhà nghiên cứu đã khoả sát thực tế nhiều địa điểm, từ các hòn đảo, vùng nuôi cá lồng bè tập trung, khu công nghiệp ở hạ lưu sông, đến các vùng vịnh tập trung cho phát triển du lịch và giao thông đường thủy, và các vùng đầm phá dùng để bảo tồn sinh thái nhưng đồng thời cũng cho phép khai thác nguồn lợi có kiểm soát và phát triển du lịch sinh thái.

Ở mỗi nơi này, họ đều thiết lập những bể thí nghiệm nằm sát đáy biển trong khoảng độ sâu vài chục mét, sau một khoảng thời gian sẽ thu lại mẫu nước, thực vật và trầm tích để đem về phòng thí nghiệm phân tích nồng độ các chất, từ đó tính toán ra khả năng tự làm sạch của vực nước. Mỗi đợt khảo sát, đánh giá tỉ mỉ như thế có thể kéo dài từ 1-2 năm để đảm bảo thu được số liệu đặc trưng nhất trong suốt mùa mưa và mùa khô.

Xác định sức tải của thủy vực ven biển để dự báo ô nhiễm trong tương lai - Ảnh 2
Trong thí nghiệm quang hợp cho rong biển, các nhà nghiên cứu thả các hộp chứa rong biển ở những độ sâu khác nhau. Ảnh: NVCC

Các nhà khoa học đúc kết rằng, nhìn chung ở Việt Nam, khả năng trao đổi nước là quá trình tự làm sạch chủ đạo ở các vùng cửa sông, trong khi ở vùng vịnh là quá trình quang hợp và ở đầm phá là quá trình lắng đọng cơ học.

Kết quả nghiên cứu ở Viện Tài nguyên và Môi trường Biển từ năm 2012 đến nay chỉ ra rằng môi trường nước và trầm tích ở nhiều thủy vực đã có biểu hiện ô nhiễm. Thí dụ như: Vùng cửa sông Bạch Đằng (TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh) đã vượt tải môi trường với các chất amoni, nitrat, TSS và Asen, dự kiến đến năm 2025 khu vực này sẽ có thể ô nhiễm thêm Phosphat; Vịnh Đà Nẵng hiện đã quá tải đối với nitrat, Cu, Asen, chất hữu cơ 4,4’-DDE và 4,4’-DDD và có thể sẽ quá tải thêm amoni, phosphat vào năm 2025.; Đầm Thị Nại thuộc Bình Định đã có nhiều chất bị quá tải và theo thời gian mức độ quá tải sẽ còn trầm trọng hơn, chẳng hạn chất hữu cơ vượt tải dưới 17% vào năm 2012 sẽ tăng đến 50% vào năm 2025. Những cảnh báo như vậy có thể là chỉ dấu vững chắc để địa phương có những hành động cụ thể nhằm tăng khả năng chịu tải của thủy vực.

TS. Cao Thị Thu Trang nói rằng có rất nhiều cách để can thiệp thuận theo quy luật tự làm sạch của thủy vực. Chẳng hạn, người ta có thể loại bỏ, bố trí hoặc thiết kế lại các đăng, đó, lồng bè cản trở việc trao đổi nước của thủy vực, hoặc khôi phục lại các hệ sinh thái biển quan trọng như rừng ngập mặn ở vùng cửa sông, thảm cỏ biển ở đầm phá và rạn san hô ở vũng vịnh - vốn là những nơi có khả năng quang hợp và cung cấp chất dinh dưỡng cho các loài sinh vật biển nhưng không thể tự tái sinh do sức ép quá lớn từ hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản của con người.

Nhưng mặt khác, vì khả năng tự làm sạch của thủy vực là hữu hạn trong khi lượng chất thải của con người lại ngày càng gia tăng nên các nhà khoa học biển nhấn mạnh rằng giải pháp căn cốt nhất vẫn phải bắt nguồn từ việc quản lý chất thải tại nguồn. Ở nhiều khu vực, chất thải từ chăn nuôi, sinh hoạt và thậm chí từ công nghiệp vẫn được đổ trực tiếp vào cống, rãnh, sông, hồ mà không hề qua xử lý.

"Điều này dẫn đến dư thừa các chất dinh dưỡng đổ vào thủy vực, dần dần sẽ tạo ra hiện tượng ‘tảo nở hoa’ hoặc sản sinh ra những ‘vùng biển chết’ có hàm lượng oxy cực thấp, gây nguy hại cho sự sống của các sinh vật biển” TS. Cao Thị Thu Trang cảnh báo.

Mặc dù việc đánh giá sức tải của các thủy vực vẫn còn khá mới mẻ và tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện của địa phương nhưng nó đang phát đi một tín hiệu tích cực về việc các địa phương đang quan tâm nhiều hơn tới tác động môi trường của mình và mong muốn đưa ra những quyết định quy hoạch, điều chỉnh kinh tế-xã hội trên cơ sở tính toán khoa học.

Các kết quả tính thải lượng được phép đưa vào thủy vực sẽ mở ra một loạt cơ hội chính sách mới – từ việc phân định nguồn thải được phép cho các ngành/địa phương ven bờ thủy vực thông qua quota cấp phép thải, đến viễn cảnh hình thành các ngành kinh tế dịch vụ môi trường trên biển như dịch vụ thu gom và xử lý chất thải, mua bán hoặc chuyển nhượng giấy cấp phép thải…

Hiện nay đã có một số tỉnh đã bắt đầu "đặt hàng” các nhà khoa học để tính toán sức tải dựa trên những yêu cầu cụ thể của mình như Quảng Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Hải Thanh (T/h)

Tags sức tải thủy vực ven biển dự báo ô nhiễm

Các tin khác

Graphene có thể tạo ra các vật liệu mới, giúp ngành xây dựng tăng hiệu suất và giảm tác động ra môi trường. Tuy nhiên, thị trường của chúng tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu.

Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ Vietdream nghiên cứu phát triển công nghệ CDI ứng dụng trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, từ đó cho ra đời các thế hệ lõi lọc với nhiều ưu điểm nổi trội.

Những đổi mới về công nghệ tiến bộ sẽ mang lại nhiều hứng thú hơn trong việc tái chế rác thải, đặc biệt là trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng xung quanh việc chất thải ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta.

Công ty khởi nghiệp AirX Carbon có trụ sở tại TPHCM đang cung cấp một loại nguyên liệu carbon âm tính có nguồn gốc từ phụ phẩm nông nghiệp và nhựa tái chế. Giá thành của chúng cạnh tranh trực tiếp với nhựa truyền thống khi được sản xuất trên quy mô lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục