Thành lập Liên minh rừng ngập mặn ứng phó vì khí hậu

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/12/2022 | 4:52:25 PM

QLMT - Vừa qua tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27), Liên minh rừng ngập mặn được thành lập, trở thành một bước tiến mới trong nỗ lực bảo vệ rừng ngập mặn, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu

Liên minh rừng ngập mặn về khí hậu (Mangrove Alliance for Climate) được thành lập tại COP27. Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Sri Lanka là những quốc gia đầu tiên tham gia liên minh này.

Đây là một liên minh quốc tế của các chính phủ, do Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Indonesia dẫn dắt, với hy vọng sẽ cứu những khu rừng ngập mặn đang bị suy giảm diện tích ở nhiều nơi trên thế giới.

Rừng ngập mặn bao gồm những cây thân gỗ và bụi cây sống trong vùng ngập nước thủy triều ở các khu vực ven biển, là môi trường sống của cá, động vật giáp xác (như tôm, cua), và một số loài động vật hoang dã khác.

Cây ngập mặn (hay cây chịu mặn) là các loài cây có khả năng đặc biệt để có thể sinh tồn trong môi trường nước lợ, nơi có độ mặn cao, lượng oxy thấp. Mỗi cây ngập mặn đều có một hệ thống siêu lọc để bảo vệ cây khỏi sự xâm nhập của muối biển, cùng với một bộ rễ chuyên dụng giúp cây có thể hô hấp trong bùn lầy hoặc lúc triều dâng.

Giải pháp chống biến đổi khí hậu

Hiện nay, khoảng 123 quốc gia trên giới có rừng ngập mặn, với khoảng 80 loài cây ngập mặn khác nhau. Rừng ngập mặn có trữ lượng carbon cao gấp bốn lần so với rừng trên đất liền.

Rừng ngập mặn được cho là giải pháp dựa vào tự nhiên để đối phó với biến đổi khí hậu. Bởi chúng cung cấp khả năng chống lũ trị giá 65 tỷ USD mỗi năm, đồng thời giúp giảm xói mòn bờ biển.

Theo báo cáo năm 2022 của Liên minh rừng ngập mặn toàn cầu-một liên minh gồm các nhà khoa học, tổ chức phi lợi nhuận, ngành công nghiệp và cộng đồng địa phương, tính đến năm 2020, trên thế giới có khoảng 147.000 km2 rừng ngập mặn.

Đông Nam Á là khu vực chiếm phần lớn diện tích rừng mặn trên thế giới. Trong đó, chỉ riêng diện tích rừng ngập mặn ở Indonesia đã chiếm một phần năm tổng diện tích toàn cầu.

Cũng theo báo cáo này, Indonesia, Brazil, Australia, Mexico và Nigeria sở hữu gần một nửa diện tích rừng ngập mặn của thế giới.

Tuy nhiên, độ che phủ rừng ngập mặn đã giảm 35% trên toàn cầu trong ba thập kỷ qua. Châu Á đã mất đi diện tích rừng ngập mặn nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới trong hai thập kỷ qua, do ô nhiễm môi trường và người dân chặt phá rừng để phát triển du lịch và làm trang trại nuôi tôm.

Bộ trưởng môi trường và biến đổi khí hậu của UAE, bà Mariam Mohammed Almheiri cho biết, mục tiêu của Liên minh rừng ngập mặn vì khí hậu là tìm cách "mở rộng quy mô và đẩy nhanh bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn vì lợi ích của các cộng đồng trên toàn thế giới”.

UAE đã lên kế hoạch trồng 3 triệu cây ngập mặn trong hai tháng tới, đây cũng là một phần trong cam kết đến năm 2030 trồng 100 triệu cây ngập mặn của nước này.

Những kinh nghiệm thực tiễn

Khảo sát rừng của Ấn Độ năm 2021 cho thấy, độ che phủ của rừng ngập mặn (4.975 km2) đã tăng 1,10% so với năm 2020 nhờ hoạt động bảo tồn rừng của cộng đồng ngư dân, cũng như các biện pháp do chính phủ đưa ra nhằm bảo vệ rừng và tìm sinh kế thay thế cho người dân để họ không phá rừng kiếm sống.

Các nhóm bảo tồn lưu ý, liên minh liên chính phủ về rừng ngập mặn hoạt động trên cơ sở tự nguyện.

Điều này có nghĩa là các nước thành viên sẽ tự quyết định các cam kết và thời hạn của mình về việc trồng và phục hồi rừng ngập mặn và liên minh không quy trách nhiệm cho các bên. Đồng thời cho phép các quốc gia chia sẻ về chuyên môn và kinh nghiệm để cùng nhau bảo vệ các hệ sinh thái ven biển quan trọng.



Rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau, Việt Nam. (Nguồn: thamhiemmekong.com)

Tại Việt Nam, có tới 29 tỉnh và thành phố có rừng và đất ngập mặn ven biển chạy suốt từ Móng Cái đến Hà Tiên, phân bố và phát triển mạnh ở phía Nam, đặc biệt là vùng Cà Mau-Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài ra còn một phần nhỏ ở phía Bắc.

Việt Nam có khoảng 37 loài thực vật ngập mặn, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng và chủng loại cây ngập mặn đa dạng nhất. Nổi tiếng nhất là các cánh rừng ở vùng U Minh (tỉnh Cà Mau) và rừng Sác ở huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh). Cả hai đều được UNESCO liệt vào danh sách những khu dự trữ sinh quyển quan trọng bậc nhất trên thế giới.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), từ năm 2017 tính đến tháng 8/2022, Chính phủ Việt Nam, Quỹ Khí hậu xanh cùng UNDP đã phục hồi và trồng mới được hơn 337 ha rừng ngập mặn và xây dựng 1.403 ngôi nhà an toàn cho các hộ gia đình nghèo và cận nghèo.

Vĩnh Hải (T/h)

Tags Thành lập Liên minh rừng ngập mặn Vì khí hậu

Các tin khác

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành công văn số 612/UBND-KT về việc chỉ đạo thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về công tác quản lý, bảo tồn Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Để du lịch phát triển và bền vững trong tương lai thì xu hướng chuyển đổi Xanh được cho là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết trong thời gian tới. Đây cũng là xu thế tất yếu của du lịch thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục