Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/5/2021 | 9:37:03 AM

QLMT - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc-va-an-toan-ho-dap-1
Ảnh minh hoạ

Theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2025, tiếp tục xây dựng hoàn thành sửa chữa, nâng cấp toàn bộ các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực chống lũ; xây dựng mới một số hồ chứa nước lớn để tăng dung tích trữ, hoàn thiện hệ thống công trình khai thác sau đập dâng, hồ chứa đã được duyệt trong quy hoạch.
 
Tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị đạt 95%-100%, nông thôn đạt 93%-95%; tỉ lệ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng được xử lý. Duy trì tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức 42%-43% đóng góp hiệu quả vào thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định; 10% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng.
 
Đến năm 2030, xây dựng hoàn thành hồ chứa nước lớn còn lại. Hoàn thành hệ thống chuyển nước, liên kết nguồn nước giữa các lưu vực sông lớn để bảo đảm tích trữ, điều hòa, cân bằng nguồn nước tại chỗ đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh, các ngành kinh tế.
 
Hiện đại hóa công tác quản lý khai thác và nâng mức bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế. 100% dân cư thành thị, 70% dân số nông thôn được cấp nước sạch đạt quy chuẩn nước sinh hoạt; 30% diện tích trồng lúa thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Cơ bản chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản từ những thảm họa, thiên tai liên quan đến nước. 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững; 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng; giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm an ninh môi trường. Hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống thuỷ lợi bảo đảm chủ động điều tiết đủ nguồn nước có chất lượng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, hoạt động kinh tế biển.
 
Đến năm 2045, hình thành mạng liên kết nguồn nước quốc gia, chủ động nguồn nước nội sinh, không phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài lãnh thổ. Xây dựng hoàn thành các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước trữ nước trên hệ thống sông. Cơ bản dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn nước sinh hoạt; 70% diện tích trồng lúa thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Cơ bản đập, hồ chứa nước lớn được hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý, vận hành. Chủ động, ứng phó kịp thời với mọi thảm họa về thiên tai do nước gây ra.
 
Bảo đảm chủ động cấp nước cho sinh hoạt
 
Một trong những giải pháp được dự thảo đưa ra là bảo đảm chủ động cấp nước cho sinh hoạt. Cụ thể, hoàn thiện thể chế trong hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch khu vực thành thị, nông thôn; ổn định hoạt động của các trung tâm nước sạch nông thôn trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu cấp nước nông thôn với vai trò an sinh xã hội. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung cấp nước sinh hoạt trong hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về kết cấu hạ tầng, tạo kết nối liên thông giữa hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn, thành thị; triển khai đánh giá, kiểm kê nguồn nước cấp sinh hoạt hiện có; xây dựng kế hoạch sử dụng nước hàng năm, 5 năm bảo đảm cân đối nước tại chỗ, liên kết các nguồn nước theo mùa, theo địa phương và lưu vực, từng bước thay thế nguồn nước thô ổn định cấp cho sinh hoạt từ hệ thống hồ chứa, đập dâng, công trình thủy lợi; nghiên cứu, bổ sung các giải pháp tạo nguồn tại chỗ để phục vụ cấp nước sinh hoạt trong trường hợp sự cố về nguồn nước, xảy ra thiên tai (hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ ngập lụt, úng).

Bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc-va-an-toan-ho-dap-2
 
Tổ chức lập danh mục nguồn nước tạo nguồn cấp cho sinh hoạt phải lập hành lang bảo vệ theo quy định. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp hành vi vi phạm, phá hoại nguồn nước, an toàn hệ thống cấp nước sinh hoạt; thiết lập hệ thống giám sát trực tuyến số lượng, chất lượng nước các công trình cấp nước sinh hoạt; chia sẻ dữ liệu cấp nước giữa các cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp.
 
Tập trung nguồn vốn trung hạn để đầu tư các công trình cấp nước sạch kết nối liên tỉnh, liên vùng, công trình cấp nước cho các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai (hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ ngập lụt, úng), cấp nước sinh hoạt cho vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc và các sự cố về nguồn nước. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tiếp tục thực hiện tín dụng ưu đãi để thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn, khơi thông nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp. Khuyến khích và huy động nguồn vốn xã hội hóa, hợp tác công tư để đầu tư, quản lý vận hành công trình cấp nước sinh hoạt, nhất là khu vực nông thôn.
 
Rà soát, điều chỉnh khung giá nước bảo đảm thu đúng, thu đủ chi phí cho quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt; thực hiện nghiêm túc việc cấp bù giá nước theo quy định, quy định giá trần nước sinh hoạt gắn với bù giá hợp lý cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, vùng biên giới, hải đảo.
 
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý lợ, mặn; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, mặn tại các đảo đông dân cư, đồng bằng sông Cửu Long và các vùng ven biển.
 
Kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đầu tư, nâng cấp sửa chữa, quản lý vận hành các công trình cấp nước, bảo đảm bền vững. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thách thức, các mối đe dọa trong lĩnh vực cấp nước; các âm mưu, hoạt động phá hoại nguồn nước, an toàn hệ thống cấp nước sạch... 
 
 
Theo Tuệ Văn/ Baochinhphu.vn

Tags an ninh nguồn nước an toàn hồ đập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các tin khác

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành công văn số 612/UBND-KT về việc chỉ đạo thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về công tác quản lý, bảo tồn Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Để du lịch phát triển và bền vững trong tương lai thì xu hướng chuyển đổi Xanh được cho là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết trong thời gian tới. Đây cũng là xu thế tất yếu của du lịch thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục