Đẩy mạnh triển khai các giải pháp tuần hoàn, tái chế chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/11/2020 | 5:14:56 PM

QLMT - Ngày 21/9/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức rà soát tình hình phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2018. Qua rà soát, tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ khu công nghệ cao và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm trong ba năm trở lại đây.

(Thu gom rác thải tại KCN Hòa Khánh)

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CHUNG CỦA CÁC KCN, KCNC TRONG THỜI GIAN QUA

Tình hình sử dụng đất, thu hút đầu tư và lao động

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 01 khu công nghệ cao với diện tích 1.128,40 ha và 06 khu công nghiệp tập trung bao gồm: Hòa Khánh, Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng (HKMR), Hòa Cầm và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng (DVTS) với tổng diện tích 1,066.52 ha; Trong 06 KCN, gần như 03 KCN đã lấp đầy, diện tích đất công nghiệp còn lại có thể cho thuê không nhiều và diện tích các lô còn lại cũng rất nhỏ. Tính đến cuối năm 2018, Ban Quản lý đã thu hút được 475 dự án (356 dự án trong nước, 119 dự án FDI), tổng vốn đầu tư 17.560,64 tỷ đồng và 1.085,112 triệu USD. Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 693.54 ha, chiếm tỷ lệ 85.92%. Diện tích còn lại có thể cho thuê là 113.61 ha. Phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng được cắt chuyển làm khu dân cư, khu đô thị. Tỷ lệ lấp đầy dự án đạt 13,32% trên tổng diện tích đất các khu chức năng của Khu CNC Đà Nẵng.

Trong năm 2017, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng đã phối hợp các đơn vị liên quan, triển khai các thủ tục liên quan đến việc thành lập 03 KCN mới, bao gồm: KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Ninh, với tổng diện tích là. Tính đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn đồng ý chủ trương vào quy hoạch tổng thể KCN; theo đó đồng ý diện tích KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 là 119 ha, Hòa Nhơn 393.57 ha và Hòa Ninh 400 ha. Hiện đang triển khai các thủ tục liên quan đến quy hoạch chi tiết và tìm chủ đầu tư.

Công tác bảo vệ môi trường

Trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động tại KCNC và các KCN Đà Nẵng thực hiện tốt các giải pháp để giảm thiểu tác động đến môi trường và các nội dung theo các quy định của Luật bảo vệ môi trường, các thông tư, nghị định hướng dẫn về bảo vệ môi trường trong KCN, KCNC. Kết quả thanh tra, kiểm tra tại KCNC và các KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 - 2018 cũng cho thấy các KCN, KCNC trên địa bàn thành phố về cơ bản chấp hành nghiêm các quy định BVMT, chưa có trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ban Quản lý đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, KCNC, cụ thể:

      + Nước thải: Ban Quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp trong KCN tách riêng hệ thống nước mưa và nước thải; Xây dựng các hố ga nước mưa, nước thải tại vị trí đấu nối ngoài tường rào doanh nghiệp; Cắm biển báo tại vị trí đấu nối; Thường xuyên hàng quý phải báo cáo kế hoạch sản xuất đầu tư, lưu lượng xả thải về Ban Quản lý và Công ty kinh doanh hạ tầng để kiểm tra, theo dõi và lập kế hoạch phương án tiếp nhận, xử lý phù hợp với thực trạng của từng khu vực.

      + Nước mưa chảy tràn: Nước mưa chảy tràn có cuốn theo dầu mỡ và chất rắn lơ lửng. Vì vậy, để hạn chế tác động đến môi trường, các KCN đã xây dựng hệ thống thoát nước mưa tách riêng với nước thải. Ban Quản lý thường xuyên rà soát, yêu cầu các Công ty kinh doanh hạ tầng tổ chức ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước.

      + Khí thải, bụi: phần lớn là bụi lơ lửng do hoạt động giao thông, san lấp nền hoặc bụi từ hoạt động xay nghiền xi măng của các trạm trộn. Các cơ sở trong KCN đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu khí thải, bụi thải theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt. Để đánh giá hiện trạng môi trường không khí, tiếng ồn trong KCN, hằng năm, Ban Quản lý đã phối hợp với các Công ty kinh doanh hạ tầng lấy mẫu giám sát định kỳ môi trường không khí theo tần suất quy định tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường KCN được phê duyệt. Trong giai đoạn 2015 - 2018, các chỉ số về chất lượng môi trường không khí đều nằm trong giới hạn cho phép theo các quy chuẩn quốc gia về khí thải công nghiệp.

      + Mùi hôi: Đối với mùi hôi phát sinh từ quá trình phân hủy các chất thải của các nhà máy, chế biến thủy sản đông lạnh, từ quá trình sấy sản phẩm của các nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm tại KCN Dịch vụ thủy sản, Ban Quản lý đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện xử lý theo quy định: (i) Chất thải rắn sản xuất và rác tại hố tách rác của hệ thống xử lý cục bộ phải được thu gom và xử lý ngay trong ngày, không để lâu sẽ phân hủy gây mùi; (ii) Khu vực nhập liệu phải thường xuyên làm vệ sinh; (iii) Phun phế phẩm khử mùi để giảm thiểu mùi hôi; (iv) Đối với mùi hôi phát sinh từ quá trình sấy sản phẩm thức ăn nuôi tôm.... áp dụng biện pháp hấp phụ với vật liệu hấp phụ như than hoạt tính...

      + Quản lý chất thải rắn công nghiệp (CTRCN): Chất thải rắn công nghiệp phát sinh tại văn phòng công ty và trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp thực hiện phân loại, bố trí khu vực lưu giữ đúng quy định và hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định. Đối với phế thải thuỷ sản có thể tận dụng như đầu cá, xương cá, … các nhà máy hợp đồng với các nhà thu mua thu gom ngay trong ngày. Để tránh gây mùi hôi trong thời gian lưu trữ tạm thời chờ đơn vị thu mua đến vận chuyển, các nhà máy phải có biện pháp bảo quản phế thải tránh gây mùi hôi.

      + Quản lý chất thải nguy hại: các doanh nghiệp có phát sinh chất thải nguy hại được yêu cầu đăng ký trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại; Chất thải nguy hại được doanh nghiệp phân loại, lưu giữ đúng nơi quy định và hợp đồng với đơn vị có chức năng tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý; tỷ lệ thu gom đạt 100%.

      + Tiếng ồn: Nguồn phát sinh tiếng ồn chủ yếu do xe lưu thông trên đường, do các doanh nghiệp dập, cán thép... Công ty kinh doanh hạ tầng đã cho trồng cây có tán trên tất cả các tuyến đường đồng thời khuyến khích giao khuôn viên mặt tiền cho Doanh nghiệp trồng và chăm sóc cây xanh nhằm giảm thiểu tiếng ồn, tạo môi trường xanh sạch đẹp và mỗi doanh nghiệp khi đầu tư vào khu công nghiệp đều có biện pháp giảm thiểu tiến ồn theo cam kết môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt. Đa số các doanh đều tuân thủ tiêu chuẩn giảm tải nên tiếng ồn và độ rung đều nằm trong giới hạn cho phép.

TÌNH HÌNH PHÁT SINH CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP

Chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau nhưng chủ yếu từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; gồm chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTRCNTT) và chất thải rắn công nghiệp nguy hại (CTRCNNH). Kết quả rà soát tổng lượng phát sinh CTR tại các KCN, KCNC giai đoạn 2017, 2018 như sau:

Bảng 1. Khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh tại các KCN, KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017, 2018



Qua Bảng 1, tổng khối lượng phát sinh CTRCN tại các KCN, KCNC trong năm 2018 giảm so với năm 2017; nguyên nhân chính là do một số các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thị trường khó khăn; mặt khác cùng với việc đẩy mạnh thực hiện dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt nam” trong năm 2017, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp, mô hình hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, làm giảm đáng kể lượng phát sinh CTRCN tại KCN Hòa Khánh.

Thành phần và tính chất của CTRCN phát sinh từ hoạt động sản xuất, bảo trì máy móc thiết bị, từ hoạt động của các hệ thống xử lý chất thải cục bộ tại doanh nghiệp rất đa dạng tùy thuộc vào từng loại công nghệ sản xuất, nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tạo thành của từng công nghệ và các dịch vụ có liên quan. CTRCN gồm nhiều thành phần, gồm các chất hữu cơ, vô cơ hoặc lẫn cả hai loại. Thành phần CTRCN phát sinh từ các ngành sản xuất chính được nêu trong bảng dưới đây. Trong năm 2018, khối lượng CTRCNTT chiếm khoảng 47,93% trong tổng khối lượng CTRCN phát sinh và phần lớn tập trung ở nhóm ngành như: sản xuất giấy, bìa carton, bao bì, cao su, nhựa, vật liệu xây dựng,… CTRCNNH phát sinh chiếm khoảng 52,07% trong tổng lượng CTRCN phát sinh, chủ yếu phân bổ ở các ngành nghề như: sản xuất sắt, thép và các kim loại; nhóm thực phẩm, đồ uống. 

Bảng 2. Thành phần chính của CTRCN phân theo ngành nghề



TÌNH HÌNH THU GOM, LƯU GIỮ, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP

Chất thải rắn công nghiệp thông thường

CTRCNTT được các doanh nghiệp phân loại thành chất thải có thể tái chế - tái sử dụng như: giấy catton, nhựa, kim loại... và chất thải không thể tái chế - tái sử dụng. Đối với các loại chất thải có thể tái chế - tái sử dụng, phần lớn doanh nghiệp hợp đồng riêng và bán cho các đơn vị thu mua tại chỗ. Đối với chất thải thông thường không thể tái chế - tái sử dụng (chứa hợp chất hữu cơ, rác lá cây,...), các doanh nghiệp hợp đồng với các đơn vị có chức năng để tiến hành thu gom và xử lý theo quy định. Kết quả khảo sát cuối năm 2018 cho thấy lượng CTRCNTT phát sinh được xử lý bằng phương pháp thuê đơn vị thu gom và xử lý vẫn còn phổ biến và chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 45,36%) trong các phương pháp xử lý. Hầu hết lượng chất thải thu gom sẽ được đưa về các bãi rác tập trung để chôn lấp; gia tăng gánh nặng môi trường cho địa phương. Vì vậy, cần có các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phân loại nhằm tái sử dụng, tái chế CTRCNTT phát sinh nhằm giảm thiểu chất thải cũng như giảm chi phí cho việc thuê đơn vị thu gom xử lý và hướng đến phát triển bền vững.

Bảng 3: Tỷ lệ CTRCNTT được thu gom, xử lý theo từng phương pháp (số liệu năm 2018)



Chất thải rắn công nghiệp nguy hại

CTRCNNH phát sinh được thu gom và lưu giữ tại khu riêng biệt; được đặt trong các thùng chứa có ký hiệu dán nhãn phân biệt với các loại chất thải khác. Kho lưu chứa chất thải nguy hại được xây dựng tại khu vực riêng biệt so với nhà xưởng và có che chắn kỹ càng, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN, KCNC có phát sinh CTRNH đã lập sổ chủ nguồn chất thải nguy hại được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển theo đúng quy định.

Trong năm 2018, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Miền Trung thu gom, vận chuyển gần 50% lượng CTRCNNH phát sinh tại các KCN, KCNC trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngày 22/7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường có Thông báo số 322/TB-STNMT về việc thu gom, xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; thông báo việc tạm ngưng thu gom chất thải nguy hại, chất thải y tế của Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng từ ngày 28/6/2019. Ban Quản lý đã có Công văn số 1834/BQL-QLMT-KHCN&ƯT ngày 16/8/2019 đề nghị doanh nghiệp tại các KCN, KCNC chỉ ký hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại với đơn vị có giấy phép thu gom, xử lý theo quy định; khi chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi hoặc chưa tìm được đơn vị thu gom, xử lý chất thải nguy hại phù hợp, doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ việc lưu giữ chất thải nguy hại về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định./.

Theo BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng

Tags Đà Nẵng KCN tái chế chất thải rắn chất thải rắn công nghiệp

Các tin khác

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành công văn số 612/UBND-KT về việc chỉ đạo thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về công tác quản lý, bảo tồn Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Để du lịch phát triển và bền vững trong tương lai thì xu hướng chuyển đổi Xanh được cho là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết trong thời gian tới. Đây cũng là xu thế tất yếu của du lịch thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự