Rác thải nông thôn - Cần giải pháp hữu hiệu

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/11/2020 | 2:57:08 PM

QLMT - Nhiều năm qua, vấn đề rác thải sinh hoạt nông thôn đang càng ngày càng trầm trọng gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường sống. Để giải quyết được vấn đề này, cần có sự quy hoạch tổng thể, sớm đưa ra các giải pháp phù hợp.

Bài toán rác thải nông thôn đã được đặt ra từ lâu, song đến nay hiệu quả đạt được vẫn rất hạn chế. Tình trạng RTSHNT ùn ứ tại các điểm tập kết, tại các ao hồ, kênh mương và trong các khu dân cư đang ngày càng trở nên bức xúc, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân.

Lâu nay, các làng quê ở vùng nông thôn vẫn được coi là khu vực có môi trường sống trong lành, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều làng quê nông thôn đã và đang nảy sinh các vấn đề về RTSH, tác động xấu tới đất canh tác, nước tưới tiêu, môi trường không khí và sức khỏe của người dân. Trong đó, RTSHNT là bài toán đau đầu với các cấp chính quyền và các công ty vệ sinh môi trường. Theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mỗi xã phải có một bãi rác, nhưng đến nay, số xã có bãi rác chưa nhiều. Hầu hết các xã dù đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng cũng chỉ có các bãi chứa rác tạm thời hoặc các bãi rác trung chuyển và luôn ở trong tình trạng quá tải. Bởi lẽ, các biện pháp thu gom rác còn ở quy mô nhỏ, phần lớn do các HTX tự tổ chức thu gom, với phương tiện xe thô sơ, không đúng quy cách và thời gian thu gom cũng không thống nhất. Tại nhiều địa phương, việc thu gom rác chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, chưa đáp ứng được yêu cầu thu gom rác toàn khu vực. Dẫn tới tình trạng rác thải sinh hoạt ứ đọng thường xuyên, tràn ra lòng đường với đủ loại từ xương động vật, đến túi nilon, rác thải hữu cơ, chất thải từ các làng nghề…


Rác thải tràn ngập tại điểm tập kết xã Gia Tiến (Gia Viễn). Ảnh: P.V

Số liệu thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, mỗi ngày trên địa bàn cả nước có khoảng 78.000 tấn RTSHNT phát sinh, nhưng tỷ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 50-60%, có nơi chỉ đạt 30%; phần lớn rác thải tồn đọng được chôn lấp thủ công sơ sài, xử lý không hợp vệ sinh. Bên cạnh số đông người dân có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường chung, thì có không ít hộ dân chỉ quan tâm làm sạch gia đình mình, mà chưa quan tâm đến môi trường sống của cộng đồng, vứt bừa bãi RTSH ra ngoài khu vực gia đình mình sinh sống, ra bờ mương, ra đường làng, khiến tình trạng ô nhiễm trầm trọng thêm. Tại một số xã sau khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom RTSH. Hiện đã có hơn 40% tổng số thôn, xã hình thành các tổ thu gom rác tự quản, thực hiện thu gom rác trong cộng đồng dân cư, vận chuyển đến địa điểm tập kết, sau đó DN thu gom vận chuyển về khu xử lý rác tập trung của huyện (hoặc tỉnh). Tuy nhiên, do chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý RTSHNT, nên các hoạt động thu gom rác vẫn còn nhiều bất cập. Ở khu vực đô thị, các công ty dịch vụ môi trường là các DN công ích, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, 20% do người dân đóng góp. Trong khi đó ở nông thôn, kinh phí hoạt động của các tổ thu gom rác tự quản chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp, chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác, với thu nhập chỉ bằng 30-40% so với thu nhập của người thu gom rác ở đô thị. Hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới thực hiện được các nội dung về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về những nguy hại của rác thải sinh hoạt, chưa có các biện pháp xử lý, dẫn đến tình trạng ứ đọng, ô nhiễm môi trường do RTSHNT ngày càng gia tăng.

Tình trạng quản lý, xử lý RTSHNT kém hiệu quả đã và đang là nỗi trăn trở trong cộng đồng dân cư, đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành tài nguyên và môi trường. Giải quyết bài toán RTSHNT không chỉ một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có sự thay đổi từ nhiều phía, theo hướng chuyên nghiệp, bài bản trong việc thu gom, xử lý rác thải. Để hướng tới bảo vệ môi trường nông thôn bền vững, trả lại môi trường sống trong lành và bảo đảm sức khỏe cho người dân, trước hết phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để cho mọi người dân thấy được bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp ở đường làng, ngõ xóm là bảo vệ cho chính mình. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần thực hiện nghiêm các biện pháp đã quy định trong việc xử lý RTSH tại địa phương. Bãi rác thải của thôn, xã phải được đưa đi xử lý kịp thời, đúng quy trình đến các bãi rác thải tập trung, hạn chế RTSHNT ứ đọng nhiều ngày.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Môi trường Nguyễn Thượng Hiền : Vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn hiện nay đang gặp nhiều bất cập, việc quy hoạch không hợp lý đã dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải nhưng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Việc đầu tư công tác quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế, xã hội, tự nhiên từng địa phương, từng vùng miền. Mặt khác, các địa phương cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn vận hành lò đốt, chưa tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đồng thời không phù hợp với mục tiêu xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BTNMT ngày 10/3/2016 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đây là căn cứ kỹ thuật quan trọng mang tính sàng lọc cho việc sản xuất lựa chọn và thẩm định lò đốt ngay từ giai đoạn đầu. Đồng thời, cần dựa vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để triển khai áp dụng công nghệ phù hợp. Nhiều địa phương hiện đang chuyển sang áp dụng công nghệ compost xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ, với 30 nhà máy trên cả nước. Ưu điểm của công nghệ này là đơn giản, không tốn diện tích đất và không phát sinh nước thải ra môi trường ngoài.


Bãi rác Hoàng Xá, thị trấn An Lão, TP Hải Phòng.

Để giải bài toán rác thải nông thôn, trước mắt UBND các xã, thị trấn cần quy hoạch khu xử lý rác thải, thành lập tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải. Các nhân viên thu gom cần được trang bị đủ công cụ đạt tiêu chuẩn như: Xe chở rác, quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang, chổi... Từ đó, rác thải được thu gom chuyển đến các điểm tập kết để vận chuyển đến khu xử lý tập trung.

Ngoài ra, các trạm trung chuyển rác thải phải được bố trí tại các địa điểm thuận tiện giao thông, không gây cản trở các hoạt động giao thông chung, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Các khu xử lý rác thải cần được quy hoạch ở vị trí phù hợp với nguồn phát sinh rác thải, tại khu đất trống, không phá hoại cảnh quan, xa khu dân cư, không nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập sâu trong nước, không nằm trong vùng phân lũ của các lưu vực sông, không nằm ở vị trí đầu nguồn nước... Quy mô cơ sở xử lý rác thải và các công trình phụ trợ được xác định trên cơ sở quy mô dân số, lượng chất thải hiện tại và thời gian hoạt động.

Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng. Phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải./.


PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường Hà Nội




Tags rác rác thải sinh hoạt nông thôn quy hoạch tổng thể

Các tin khác

UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở ban ngành, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô.

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành công văn số 612/UBND-KT về việc chỉ đạo thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về công tác quản lý, bảo tồn Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự