Làm rõ tình trạng “dự án chồng dự án” tại dự án trọng điểm trục Hồ Tây – Ba Vì?

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/9/2020 | 2:28:14 PM

QLMT - Trong bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị điều chỉnh dự án trục Hồ Tây - Ba Vì trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm để tránh tình trạng “dự án chồng dự án”, giúp người dân ổn định cuộc sống.


Đoạn đầu trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ cắt thẳng từ Hoàng Quốc Việt sang Hoàng Hoa Thám và đi trùng với tuyến đường này đến cầu vượt ở nút giao Văn Cao.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 định hướng quy hoạch Trục Hồ Tây - Ba Vì là tuyến đường giao thông (đối ngoại, hướng tâm) gắn kết đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh Hòa Lạc (đô thị cửa ngõ phía Tây Hà Nội).

Đáng chú ý, theo người dân sinh sống trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, dự án Hồ Tây - Ba Vì xuyên qua nhiều khu dự án tái định cư, đặc biệt là khu tập thể Học viện Tài chính đã sinh sống ổn định hơn 20 năm. Dự án cũng xóa sổ Học viện Tư pháp vừa xây dựng, trường THPT Phú Diễn, trường Trung cấp in Hà Nội và nhiều công trình trọng điểm.

Bộ Xây dựng khẳng định, quá trình triển khai thực hiện theo quy hoạch có vấn đề như cử tri phản ánh: Dự án trục Hồ Tây - Ba Vì đi qua giữa khu tái định cư của quận Bắc Từ Liêm đã giao cho các hộ dân từ năm 2010, trước khi Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc triển khai dự án trên xảy ra tình trạng dự án chồng dự án, ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân.

Về việc điều chỉnh quy hoạch như kiến nghị của cử tri, Bộ Xây dựng cho rằng, cần phải trên cơ sở rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện điều chỉnh quy hoạch và các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị. Đối với các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết việc xem xét, quyết định thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội.

Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội làm cơ sở đề xuất, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung theo quy định.

Theo đó, việc xây dựng và hoàn chỉnh trục giao thông hướng tâm Hồ Tây - Ba Vì được xác định là một trong các chương trình ưu tiên đầu tư (công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông).


Trục Hồ Tây - Ba Vì đến Vành đai 4 có một số nút giao quan trọng như với Vành đai 3 (Nguồn: Quyhoach.hanoi.vn)

Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 xác định Trục Hồ Tây - Ba Vì trong mạng lưới đường đô thị và ngoài đô thị. Cụ thể hóa Quy hoạch chung, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu đô thị (H2-1, GS), quy hoạch chi tiết khu vực liên quan làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị và pháp luật liên quan, việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch thuộc trách nhiệm của UBND các cấp. Tại Điều 2 Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch theo tiến độ và trình tự ưu tiên; chỉ đạo lập kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý chặt chẽ các quỹ đất dự kiến để phát triển các công trình, các khu chức năng quan trọng của đô thị theo đúng quy hoạch.

Theo quy hoạch đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì đoạn từ Vành đai 3 đến Quốc lộ 32 được xây dựng mới dài khoảng 3,26km đi qua địa phận các phường Mai Dịch, phường Phú Diễn và Phúc Diễn. Tuy nhiên, khu vực tuyến đi qua một phần nhỏ là đất nông nghiệp, các khu dân cư đã sinh sống ổn định lâu đời nên có nhiều công trình, nhà kiên cố bê tông cốt thép của người dân.

Tuyến Hồ Tây – Ba Vì đi qua 3 khu tái định cư đều là các hộ gia đình bị thu hồi đất, phải di dời để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Để bảo đảm quyền lợi cho những người dân tại khu vực này đã thực hiện tái định cư (nay lại phải tái định cư lần 2) khu 8,5ha, 2,1ha, 2,3ha và đẩy nhanh tiến độ, thuận lợi cho việc triển khai, tiến hành đầu tư xây dựng dự án, nhà đầu tư đã có nội dung đề xuất UBND thành phố Hà Nội cần có cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dự án trọng điểm này.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội phát triển đô thị Việt Nam đánh giá: Vấn đề hiện nay đặt ra là tái định cư như thế nào cho hợp lý vì tái định cư đang là nút thắt trong vấn đề giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm. Cần kiểm tra, rà soát, xem xét kỹ lưỡng ý nghĩa của khu vực tái định cư này. Ngược lại, dự án trục Ba Vì – Hồ Tây là trục cảnh quan rất lớn, mong đợi tạo đột phá của Quy hoạch. Đặc biệt, cần làm rõ, đây là trục không gian – cảnh quan chứ không phải trục giao thông. Ý nghĩa thực sự của trục này là là trục xuyên tâm kết nối khu vực giữa Ba Vì với trung tâm thành phố Hà Nội. Vì thế, cơ quan chức năng, các nhà quản lý cần sáng suốt lựa chọn phương án phù hợp, có sự đồng thuận từ cả phía người dân để thực hiện dự án.

Ánh Dương/Báo Xây dựng

Tags Hồ Tây Ba Vì trục giao thông hướng tâm Hồ Tây - Ba Vì

Các tin khác

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành công văn số 612/UBND-KT về việc chỉ đạo thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về công tác quản lý, bảo tồn Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Để du lịch phát triển và bền vững trong tương lai thì xu hướng chuyển đổi Xanh được cho là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết trong thời gian tới. Đây cũng là xu thế tất yếu của du lịch thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục